📞

Sẽ thế nào nếu NATO vắng bóng Mỹ?

Huyền Trâm 09:59 | 09/04/2024
Liệu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể củng cố quốc phòng và an ninh tập thể độc lập, phối hợp mạnh mẽ, kịp thời để thích ứng với chiến thắng có thể xảy ra của ông Donald Trump tại bầu cử Mỹ 2024 hay không?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, tháng 7/2018. (Nguồn: NYTimes)

Trong một bài viết với tiêu đề "Một NATO không có Mỹ" trên trang mạng Project Syndicate, ông Ian Bremmer, người sáng lập và Chủ tịch Công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) và GZERO Media, đồng thời là thành viên Ủy ban điều hành của Cơ quan cố vấn cấp cao của Liên hợp quốc về trí tuệ nhân tạo (AI), đã chỉ ra những thách thức NATO đang đối mặt nếu ông Trump giành chiến thắng tại bầu cử Mỹ 2024.

NATO, được coi là liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử, đang ngày càng mạnh mẽ. Xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022 đã nhấn mạnh mục đích và giá trị tiếp tục tồn tại của khối. Vừa qua, tổ chức này đã bổ sung 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển.

Khi cam kết lung lay

Tuy nhiên, tương lai của NATO đang gặp thách thức khi ông Donald Trump, người từng đe dọa cam kết phòng thủ tập thể - vốn là “trái tim” của NATO, có cơ hội lớn để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Khả năng khôi phục quyền lực của ông Trump gây nghi ngờ về cam kết lâu dài của Mỹ - quốc gia đóng góp chủ yếu trong NATO, cùng với độ tin cậy về các đảm bảo an ninh vốn đã khiến liên minh này trở nên hùng mạnh.

Nhìn vào thực tế, cựu Tổng thống Mỹ Trump đã nêu một số lo ngại chính đáng. Sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, mỗi quốc gia thành viên NATO đã cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng đến năm 2024.

Hai tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng, lần đầu tiên kể từ khi liên minh ra đời vào năm 1949, các thành viên châu Âu sẽ cùng nhau đáp ứng mục tiêu đó. Tuy nhiên, đến nay, còn 13 trong số 31 thành viên của tổ chức vẫn chưa đạt ngưỡng 2% GDP cho quốc phòng.

Điều này khiến ông Trump một lần nữa đặt câu hỏi về độ tin cậy của các thành viên NATO với tư cách là đồng minh khi không sẵn lòng chi 2% GDP cho an ninh của chính mình. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, nhiều người châu Âu băn khoăn tự hỏi nếu ông Trump có nhiệm kỳ tổng thống thứ hai thì điều gì sẽ xảy ra với họ và NATO có thể tiếp tục tồn tại nếu không có cam kết rõ ràng và đáng tin cậy của Mỹ hay không?

Trong các hoạt động hồi đầu tháng này để kỷ niệm 75 năm thành lập NATO, ông Stoltenberg đã đề xuất một quỹ kéo dài 5 năm trị giá 100 tỷ Euro (tương đương 107 tỷ USD) cho Ukraine và quỹ này sẽ không phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh chính sách liên quan đến Kiev, châu Âu dường như vẫn lo ngại về sự thiếu sẵn sàng bảo đảm an ninh. Bằng chứng là Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã phải xem xét bổ nhiệm một ủy viên phụ trách quốc phòng châu lục.

Đây không phải là kế hoạch đầy tham vọng đầu tiên mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thực hiện trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, họ đã giám sát việc triển khai nhanh chóng vaccine, cung cấp cứu trợ khẩn cấp cho các chính phủ cần vaccine.

Kể từ xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, EU cũng đã triển khai một chương trình tốn kém và phức tạp nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Moscow. Và châu Âu đã làm tất cả những điều này trong khi tiếp nhận con số những người tị nạn cao kỷ lục kể từ khi làn sóng tị nạn bắt đầu khoảng một thập niên trước.

Nếu EU có thể hoàn thành tất cả những điều đó, tại sao họ không thể phản bác các luận điệu của ông Trump về an ninh châu Âu bằng cách tạo ra một chính sách công nghiệp quốc phòng châu Âu độc lập, phối hợp mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi ngân sách EU và thị trường chung?

Vì sao NATO cần có Mỹ?

Dưới đây là 3 lý do khiến NATO không thể thiếu Mỹ, ít nhất là trong thời gian tới.

Một là, vai trò mạnh mẽ hơn của EC trong chính sách quốc phòng và công nghiệp sẽ cần thời gian để xây dựng và thực hiện.

Trong một quá trình phức tạp, kế hoạch sẽ vấp phải sự phản đối của các quốc gia thành viên, những nước không muốn từ bỏ quyền kiểm soát các chính sách này. Điều đó đặc biệt đúng đối với các thành viên lo ngại rằng Pháp, quốc gia lâu năm ủng hộ cơ chế phòng thủ tập thể châu Âu và là thành viên EU hiện tại duy nhất có vũ khí hạt nhân, sẽ có nhiều quyền lực nhất để thiết lập chính sách an ninh của lục địa này.

Hai là, EU vẫn phụ thuộc sâu sắc vào các hệ thống vũ khí, khả năng tiếp cận thông tin tình báo của Mỹ và vai trò của Washington là động lực thúc đẩy khả năng tương tác giữa các quốc gia trong NATO.

Mối đe dọa từ bên ngoài sẽ thuyết phục EU về chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, xây dựng năng lực tình báo và tăng quy mô quân đội của họ. Tuy nhiên, các quá trình này sẽ mất một thập niên hoặc hơn thế nữa để hoàn tất. Và những nguy cơ hiện tại sẽ không cho phép EU chuyển đổi quá trình kéo dài như vậy.

Ba là, một số ít chính phủ châu Âu sẽ sẵn lòng lựa chọn "bắt tay" liên kết với ông Trump thay vì xây dựng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với các thành viên EU.

Điều này có thể minh chứng rõ ràng bởi Thủ tướng Hungary Viktor Orbán hay Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Trong những năm tới, xu hướng này có thể lan ra các thành viên EU khác (và quan trọng hơn về mặt hệ thống) bầu ra các chính phủ dân túy.

Đơn cử như Thủ tướng Italy Giorgia Meloni luôn kiên định ủng hộ Ukraine, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng. Tại Pháp, nếu bà Marine Le Pen trở thành tổng thống Pháp vào năm 2027, việc liên kết chặt chẽ hơn với ông Trump sẽ trở nên hợp lý ngay cả ở Điện Élysée, nơi từ lâu đã mong muốn có các chính sách an ninh và đối ngoại độc lập hơn của châu Âu.

Ngoài cuộc bầu cử tháng 11 tới ở Mỹ, còn có một số câu hỏi dài hạn hơn cần xem xét.

Nếu ông Trump không giành chiến thắng, liệu nỗ lực hướng tới một chính sách đối ngoại mang tính giao dịch và biệt lập hơn của Mỹ có tiêu tan hay không?

Hoặc những thế hệ cử tri mới ở Mỹ, những người chưa đủ lớn để nhớ tới vai trò quốc tế của nước này từ năm 1945-2008, có thể làm thay đổi thái độ của công chúng nền kinh tế số 1 thế giới đối với “sự lãnh đạo toàn cầu” của nước này mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa từng nhiều lần khẳng định?

Nếu vậy, dù kết quả bầu cử Mỹ 2024 ra sao cũng không thể kết thúc cuộc tranh luận ở châu Âu về an ninh của chính họ.