TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh G7: Giá trị đảo lộn | |
Thượng đỉnh G7: Không còn là “café hòa tan” |
Tổng thống Trump và Tổng thống Pháp đều ủng hộ Nga quay trở lại "Câu lạc bộ phương Tây". (Nguồn: AFP) |
Một ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp lớn nhất thế giới (G7) diễn ra tại Pháp hồi tháng 8/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bóng gió về khả năng Nga tái gia nhập “Câu lạc bộ phương Tây” này, vốn được gọi là G8, kể từ khi Moscow bị trục xuất khỏi nhóm sau khi sáp nhập Crimea. Lời gợi ý của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – chủ nhà của Hội nghị G7.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng được cho là đã phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ năm được tổ chức tại Vladivostok từ ngày 4-6/9 rằng ông ủng hộ Nga quay trở lại “Câu lạc bộ” này. Mỹ sẽ là nước đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020. Nếu được tái gia nhập vào G7 (để trở thành G8), điều đó có nghĩa là Nga sẽ trở lại Câu lạc bộ các cường quốc phương Tây.
Sức đẩy gia tăng?
Nếu Tổng thống Vladimir Putin không thực sự quan tâm đến việc gia nhập "Câu lạc bộ", ông đã từ chối thẳng thừng. Thay vào đó, ông bày tỏ sự sẵn lòng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh G8 với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm G7 dường như không đồng ý với đề xuất của ông. Tuy nhiên, điều này mở ra cơ hội để Nga có thể trở lại hàng ngũ của các nước phát triển nhất thế giới.
Một bước phát triển quan trọng khác là việc Tổng thống Macron chấp nhận lời mời của Tổng thống Putin để tham dự lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai vào ngày 9/5/2020 tại Moscow. Tổng thống Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã được mời tham dự sự kiện này.
Ngày Chiến thắng, lễ kỷ niệm thường niên ở Nga, là một ngày rất trọng đại trong lịch sử nước Nga hậu Xô viết. Sự tham dự của bất kỳ nhà lãnh đạo lớn nào của phương Tây tại sự kiện này sẽ là một sự thúc đẩy mang tính biểu tượng quan trọng đối với vị thế của Tổng thống Putin trước nhân dân và với uy tín của nước Nga – đây cũng sẽ được coi là sự chấm dứt việc phương Tây cô lập Nga. Lễ kỷ niệm 70 năm từ 5 năm trước mới chỉ có sự hiện diện các nhà lãnh đạo không thuộc phương Tây như ông Tập Cận Bình, cựu Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã chọn không tham dự sự kiện này để phản đối các vấn đề liên quan đến Crimea và miền Đông Ukraine.
Định dạng Normandy hồi sinh?
Việc trao đổi tù nhân giữa Nga - Ukraine hồi đầu tháng Chín vừa qua và thỏa thuận giữa Ukraine với các phần tử ly khai để tổ chức các cuộc bầu cử tại vùng lãnh thổ do 2 nhóm ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine hôm 1/10, được coi là những bước tiến quan trọng trong mối quan hệ khó khăn và căng thẳng giữa hai nước.
Chúng mở đường cho sự hồi sinh tiềm năng của Định dạng Normandy – gồm 4 nước Nga, Pháp, Đức, Ukraine – để giải quyết cuộc xung đột ly khai. Tổng thống Putin từ lâu đã nhận thức được rằng tình trạng hiện tại của mối quan hệ Nga - Ukraine là một trở ngại lớn trong việc bình thường hóa quan hệ của Nga với Liên minh châu Âu (EU). Do đó, sự tiến triển này không có nghĩa là mối quan hệ chính trị của Nga với EU sẽ nhanh chóng trở lại bình thường hoặc các lệnh trừng phạt của EU sẽ sớm được dỡ bỏ. Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa quan hệ với Nga vẫn đang được thúc đẩy.
"Sự trở lại" của Nga cũng được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh. (Nguồn: TASS) |
Lý do cho sự di chuyển
Đối với các nước phương Tây lớn, Trung Quốc đã trở thành nhân tố chính trong tính toán của họ đối với Nga. Giống như Tổng thống Trump, mặc dù có thể ở mức độ thấp hơn, Tổng thống Macron khá e dè về Trung Quốc. Ông từng được dẫn lời rằng “đẩy Nga ra khỏi châu Âu là một sai lầm chiến lược sâu sắc bởi vì chúng ta sẽ đẩy Nga vào tình trạng hoặc là bị cô lập khiến căng thẳng gia tăng, hoặc là phải hình thành liên minh với các cường quốc khác như Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga đối với an ninh châu Âu, cho rằng “lục địa châu Âu sẽ không bao giờ ổn định, sẽ không bao giờ được bảo đảm, nếu chúng ta không xoa dịu căng thẳng và làm rõ mối quan hệ của chúng ta với Nga”.
Mối quan hệ Nga - Trung ngày càng phát triển rõ ràng đã trở nên quá nguy hiểm. Tình trạng quan hệ Mỹ - Trung và Mỹ - Nga xấu đi cũng không nằm trong lợi ích chung của EU, đặc biệt là về kinh tế. Việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến EU. Đó là những thực tế không thể phớt lờ.
Phương Tây cũng nhận thức sâu sắc rằng không thể đạt được giải pháp bền vững và lâu dài nào về các vấn đề Syria và Iran nếu không có sự hỗ trợ của Nga. Nga đã trở thành một nhân tố quan trọng ở Trung Đông.
Từ góc độ chính trị Nga
Cuối cùng, Tổng thống Putin có lý do chính trị trong nước để xem xét việc tìm kiếm mối quan hệ bình thường hóa với phương Tây. Điều đó sẽ dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và giúp củng cố nền kinh tế. Tỷ lệ ủng hộ của dân chúng dành cho ông đang yếu đi; cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm thăm dò ý kiến độc lập Levada của Nga cho thấy 38% những người được hỏi không muốn ông tại vị sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024, 54% muốn ông vẫn là tổng thống trong khi 8% không đưa ra quyết định.
Kết quả của các cuộc bầu cử địa phương và khu vực gần đây ở Nga, bao gồm cả ở Moscow, đã không tạo ra bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hệ thống chính trị, bất chấp các cuộc biểu tình tương đối lớn ở Moscow trong vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử hội đồng thành phố Moscow hôm 8/9. Những người biểu tình đã chống lại quyết định của các cơ quan bầu cử khi không cho phép các ứng cử viên phe đối lập tham gia tranh cử trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Tổng thống Putin và những người ủng hộ ông hoàn toàn không thể bỏ qua những diễn biến này, bởi Moscow là thành phố lớn nhất và phát triển nhất trong cả nước, vì vậy, những diễn biến ở đó sẽ có ảnh hưởng chính trị-xã hội và tác động trên toàn quốc.
Tổng thống Putin yêu cầu người đồng cấp Ukraine chứng minh là 'chính trị gia mạnh mẽ' TGVN. Ngày 3/10. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky phải hoàn thành tiến trình hòa bình ở miền Đông ... |
Tổng thống Putin: Tái cơ cấu châu Á theo mô hình phương Tây sẽ chỉ mang lại một mớ hỗn độn TGVN. Ngày 2/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, việc tái cơ cấu các quốc gia châu Á theo mô hình phương Tây sẽ ... |
Bật mí những thói quen yêu thích của Tổng thống Putin TGVN. Có thể những điều dưới đây được công chúng quốc tế đánh giá là khá kỳ quặc nhưng lại là những thói quen được ... |