📞

SFOM: Thúc đẩy hội nhập và phát triển dài hạn

17:40 | 19/05/2017
Ngày làm việc thứ hai (19/5) của Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC (SFOM) tiếp tục tập trung thảo luận các nội dung ưu tiên.  

Diễn ra từ 18-19/5 tại Ninh Bình, tham dự SFOM có đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế)...

Trong phiên thảo luận về Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, các đại biểu đã trao đổi về các khuyến nghị chính sách liên quan đến quản trị tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến xây dựng các giải pháp tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai, xây dựng các kịch bản ngân sách cho các tình huống giả định, thiết lập các kênh tín dụng dự phòng, các quỹ bình ổn để quản trị rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực dự báo thiên tai làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng xây dựng dự toán ngân sách ứng phó với rủi ro thiên tai...

Bên cạnh đó, bảo hiểm rủi ro thiên tai được định hướng phát triển như một công cụ tài chính giúp giảm thiểu các tác động thiên tai, phục vụ phát triển bền vững, hỗ trợ phân bổ rủi ro giữa nhà nước và tư nhân trong việc ứng phó với thiên tai.

Hội nghị cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc hoàn hành bộ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, phân tích và giám sát bảo hiểm cho các loại hình rủi ro thiên tai nhằm củng cố công cụ bảo hiểm rủi ro thiên tai. Các quan chức tài chính APEC đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các nền kinh tế thành viên trong việc cung cấp thông tin cơ sở về quản lý tài sản công ứng phó với rủi ro thiên tai, hỗ trợ thông tin nguồn cho việc xây dựng mô hình đánh giá tài sản công cho các nền kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị SFOM ngày 18/5 tại Ninh Bình. (Ảnh: Thủy Trần)

Tại phiên thảo luận về Tài chính toàn diện – Tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Hội nghị đã nhận định các thách thức và đưa ra định hướng tăng cường khả năng tiếp cận tài chính khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ cải thiện tình trạng nghèo đói ở khu vực.

Các khuyến nghị đưa ra tại Hội nghị nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính theo định hướng phát triển chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tập trung vào phát triển các nguồn lực và nỗ lực hướng tới xây dựng thể chế, xây dựng hệ thống cơ sở mạng lưới tài chính và công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính, đồng thời tập trung giáo dục tài chính và chiến lược bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Đối tượng được ưu tiên là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hộ nông dân nghèo, và phụ nữ… Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, phục vụ cho phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của 3 trụ cột chính là ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng đại lý và các tổ chức tài chính vi mô. Bên cạnh đó, bảo hiểm vi mô là một kênh tài chính quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn.

Tại phiên thảo luận cuối cùng, Hội nghị đã nghe các diễn giả cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác trong APEC, bao gồm tiến độ triển khai sáng kiến “Lộ trình Nâng cao tính cạnh tranh của dịch vụ trong APEC”, sáng kiến “Đào tạo cán bộ quản lý tài chính trong APEC”, sáng kiến “Công nhận lẫn nhau về Dịch vụ Quản lý quỹ”, và cập nhật các hoạt động của ABAC. Hội nghị cũng nghe đại diện của Chủ tịch SOM APEC báo cáo về các hoạt động của SOM và giới thiệu về đề xuất báo cáo Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội dự kiến sẽ trình lên Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 tới.