Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đấu nối vào tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, góp phần tạo đột phá trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đỗ Phương) |
Cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam
Theo dữ liệu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam, các vị trí lần lượt tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và Đồng Nai...
Chỉ số cơ sở hạ tầng là nguồn dữ liệu tổng hợp, phản ánh đánh giá về chất lượng 4 lĩnh vực hạ tầng cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là: các khu, cụm công nghiệp; đường giao thông; các dịch vụ tiện ích cơ bản về viễn thông, năng lượng; tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, đây cũng là nguồn thông tin tham khảo rất hữu ích đối với các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Trước đó, từ năm 2015-2021, Bình Dương luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số chất lượng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến năm 2022 Quảng Ninh đã vượt lên Bình Dương, trở thành “ quán quân” trong chỉ số này.
Trong lĩnh vực phát triển các khu, cụm công nghiệp, hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 5 khu kinh tế, 16 khu công nghiệp (bao gồm các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, các khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng và 19 cụm công nghiệp đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp của Quảng Ninh đạt khoảng 43%.
Trong lĩnh vực xây dựng phát triển đường sá giao thông, Quảng Ninh cũng xác định rất rõ vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Với chiến lược phát triển giao thông như vậy, trong giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã nâng cấp, cải tạo được 228km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 126,7km đường tỉnh; cải tạo, duy tu làm mới 1.250km đường huyện, 3.750km đường giao thông nông thôn, miền núi.
Trong đó, kết quả ấn tượng nhất phải kể đến là đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai và hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.
Đối với lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng, hiện tại, Quảng Ninh cũng là một trong những Trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam. Hàng năm, tỉnh sản xuất khoảng 39 tỷ kWh và đóng góp khoảng 16% tổng sản lượng điện cả nước. Hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư đồng bộ, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu về đích trước 2 năm trong việc đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản quy mô dưới 20 hộ đất liền, huyện đảo Cô Tô, đảo Cái Chiên và các xã đảo…
Trong lĩnh vực xây dựng dịch vụ viễn thông, phát triển tiện ích cơ bản ứng dụng công nghệ thông tin, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai xây dựng các điểm phát sóng wifi công cộng, tập trung tại thành phố Hạ Long và huyện đảo Cô Tô, góp phần không nhỏ trong mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội.
Khu công nghiệp (KCN) DEEP C Bắc Tiền Phong thu hút dòng vốn lớn. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Đáp ứng tốt yêu cầu thu hút đầu tư
Giới chuyên gia nhận định, Quảng Ninh hiện là địa phương rất có lợi thế về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được những yêu cầu trong việc thu hút đầu tư như: Cảng biển, hệ thống giao thông thuận lợi, sân bay…
Cùng với đó, chính sách cởi mở, thông thoáng của tỉnh, đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo được sự chú ý, quan tâm của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp cả ở trong và ngoài nước.
Theo Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Takeo Nakajima, trong một cuộc khảo sát 600 công ty Nhật Bản tại Việt Nam, thì có hơn 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết công ty họ sẽ mở rộng kinh doanh trong một đến hai năm tới tại đây, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào các địa phương Vùng Đồng bằng sông Hồng trong kế hoạch phát triển từ 5-10 năm tới.
Ông Takeo Nakajima nói: "Tại Quảng Ninh, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo.
Vì vậy, JETRO hy vọng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có những chiến lược phát triển mạnh nguồn nhân lực có trình độ cao và biết tiếng Nhật Bản, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào địa phương".
Còn ông Bruno Jaspaert, Đại diện Khu công nghiệp (KCN) DEEP C Bắc Tiền Phong nhận thấy: "Sự liên kết liền mạch, sự tương đồng về nhiều mặt và hết sức thuận lợi cho việc mở rộng quy mô, chúng tôi đã hướng đến Quảng Ninh để tiếp tục phát triển, phấn đấu trở thành một trong những KCN có quy mô, tiềm lực hàng đầu Việt Nam.
Hiện Quảng Ninh có những điều kiện, thế mạnh để phát triển các KCN, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào hoạt động như hạ tầng giao thông hiện đại và ngày càng đồng bộ, có tính kết nối liền mạch, xuyên suốt trong tỉnh cũng như có sự liên kết vùng rất cao. Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu môi trường đầu tư kinh doanh rất thông thoáng, thuận lợi, có năng lực cạnh tranh cao trong nước và trong khu vực".
Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, sau 3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào các KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023. Mới đây nhất, ngày 29/3, có 3 dự án FDI đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng mức vốn hơn 80 triệu USD. |