Nhà bà nghèo đến nỗi, xã cấp cho 5 triệu đồng để “xóa nhà tạm” nhưng vì quá dột nát không thể xóa nổi nên đành phải trả lại cho chính quyền.
Vất vả “thân cò”Đến xóm Đá Bạc, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ hỏi nhà bà Còng thì ai cũng biết. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Lý nhưng hàng chục năm nay chẳng ai gọi tên khai sinh ấy. Bà Còng sinh năm 1929.
Nhà bà Còng trên đỉnh đồi Bổng, con dốc này bà phải leo lên, leo xuống hàng chục lần/ngày |
Một tay cầm mấy chiếc trúm rách, tay kia chống đầu gối, bà Còng leo từng bước một lên được đến nhà. Nhà bà Còng ở đỉnh đồi Bổng (trước đây vốn là rừng). Từ chân dốc leo lên đến sân nhà vừa tròn 50 bước chân. Vậy nhưng mỗi ngày bà Còng phải đi lên đi xuống con dốc này hàng chục chuyến, khi thì đi ra đầm, khi thì đi chợ, khi có việc sang hàng xóm... Nhưng cứ thoát khỏi con dốc là chân bà lại thoăn thoắt, làm cho nhiều người phải lo lắng thay cho bà. Bà Bủ, một bà lão ở trong xóm Đá Bạc, cứ thấy bà Còng đi qua là nhắc: “đi vừa vừa thôi, ngã ra thì khổ!”. Bà Còng lại cười nói: “trời còn cho tôi sống để lo ông nhà tôi và thằng Phúc chứ”, rồi lại thoăn thoắt bước đi.
Nói thì nói vậy thôi, dân xóm Đá Bạc này ai cũng hiểu, bà Còng không “nhanh chân” cũng không được vì hàng núi công việc đang hàng ngày đè lên đôi vai của bà. Hàng ngày, khoảng 5 giờ sáng, bà đã lần dò ra đầm bắt tôm tép để kịp buổi chợ sáng. Khoảng 8 giờ bà phải đi 7 cây số mới ra đến chợ để bán.
Đi chợ về thì đã xế bóng, bà lại tất tả cơm nước cho chồng con. Dọn rửa, phơi phóng củi đuốc, quần áo xong thì hết buổi trưa. Chiều bà tranh thủ ra đồng, khi thì bón phân, khi thì làm cỏ, còn thời gian, thì lên đồi trồng sắn. Nếu còn thời gian, bà lại ra đầm đặt trúm. Khi mặt trời lặn sau đỉnh núi, bữa cơm tối xong xuôi thì lúc đó bà Còng mới được dựa tấm lưng còng để nghỉ ngơi, lấy sức cho một ngày làm việc vào sáng mai thức dậy.
Miếng ngon dành cho chồng, con
Để kiếm miếng ăn cho cả gia đình, ở giữa cái xóm Đá Bạc quanh năm chỉ có mỗi một vụ lúa này không hề đơn giản chút nào. Những gia đình bình thường khác, trẻ khoẻ còn không đủ ăn, huống chi nói đến cơ cảnh của nhà bà Còng.
Mặc dù cực khổ đến như vậy nhưng bà Còng rất mực thương chồng, con. Chồng bà, ông Hậu bị mù suốt 13 năm nay. Con trai bà sinh năm 1968, bị ngã và trở thành tàn phế từ khi lên 5. 35 năm nay anh Phúc đi bằng tay, vì đôi chân bị tàn tật. Bà Còng còn có 3 cô con gái nhưng từ ngày đi lấy chồng cũng phải lo phận đằng chồng, tất cả họ đều rất nghèo nên chẳng thể đỡ đần nhiều giúp mẹ.
Nhớ về thời xưa, bằng giọng “vô tư lự”, bà Còng cho biết: Chồng bà trước đây cũng đã từng làm bí thư xã gần 10 năm. Ông Hậu là một người hiền lành, tốt bụng. Ông vốn mồ côi cha mẹ, phải đi ở đợ từ bé. Lớn lên, chẳng hiểu thế nào, trời se duyên bà với ông.
Bà không kể thì tôi cũng đủ thấy tình yêu bền bỉ của bà Còng dành cho chồng. Bữa cơm chiều tôi đã chứng kiến tận mắt, một con cá bà đã cắt phần thân cá để nấu mì cho ông Hậu ăn. Phần của bà và con trai là chiếc đầu cá được rim mặn lên để ăn với cơm.
Một thời đi dân công hỏa tuyến
Một chi tiết khá quan trọng trong cuộc đời bà Còng, khi bà kể về thời trẻ của mình cho tôi nghe, là bà cũng đã có một thời đi dân công hỏa tuyến ở Nghĩa Lộ, Lào Cai, Yên Bái vào những năm 50 của thế kỷ trước. Nhưng hiện tại bà chẳng giữ thứ giấy tờ gì để chứng minh rằng mình đã tham gia kháng chiến. Suốt hàng chục năm nay, bà cũng chẳng kể với ai về điều này. Và đương nhiên, bà cũng chưa một lần đề nghị lên chính quyền địa phương để xem xét chế độ.
Mặc dù, theo quy định hiện hành, để làm chế độ cho thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, bà Còng không đủ điều kiện, nhưng nếu đúng bà đã từng tham gia kháng chiến, hiện nay lại đang trong tình cảnh cực như vậy, về phía các cơ quan chức năng địa phương cũng nên nghiên cứu, xem xét để làm sao mang lại quyền lợi chính đáng cho bà Còng như những thanh niên xung phong khác.
Theo Gia Đình Xã Hội