Ông Lukashenko, người đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong suốt 26 năm cầm quyền, sẽ tới khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga, và số phận của ông đang nằm trong tay Tổng thống Putin.
Cuộc khủng hoảng Belarus đang khiến Tổng thống Lukashenko và Tổng thống Nga Putin xích lại gần nhau hơn. (Nguồn: Reuters) |
Sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự của Moscow có thể làm cán cân nghiêng về phía có lợi cho ông Lukashenko, trong khi các lực lượng an ninh Belarus đang mạnh tay với phe đối lập. Phe đối lập ở Belarus cáo buộc ông Lukashenko gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng trước, cuộc bầu cử mà ông tuyên bố đã chiến thắng với 80% số phiếu ủng hộ.
Ít nhất 100.000 người biểu tình đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Minsk trong ngày 13/9. Lực lượng cảnh sát nói rằng họ đã bắt giữ hơn 400 người.
Hành động của Tổng thống Putin cho tới nay thể hiện ông không muốn chứng kiến lãnh đạo của một nước láng giềng từng thuộc Liên Xô bị lật đổ bởi sức ép từ các cuộc biểu tình trên đường phố - cho dù ông Lukashenko thường xuyên thể hiện ông là một đồng minh "dễ cáu giận và khó có thể làm vừa lòng".
Lãnh đạo Điện Kremlin tháng trước đã tuyên bố rằng ông sẽ xây dựng một "lực lượng cảnh sát dự bị" theo yêu cầu của ông Lukashenko, nhưng lực lượng này chỉ được triển khai trong trường hợp cần thiết.
Hãng thông tấn RIA trích dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 14/9, Nga sẽ điều lính nhảy dù tới Belarus để tham gia các cuộc tập trận quân sự "Tình anh em Slavic 2020" cho tới ngày 25/9. Nga cũng đề xuất cải tổ nợ cho Belarus và hỗ trợ hệ thống ngân hàng của nước này.
"Chi phí" để Moscow tăng cường ủng hộ Belarus có thể là việc ông Lukashenko sẽ phải chấp nhận vai trò chi phối ngày càng lớn của Nga trong mối quan hệ giữa hai nước. Điện Kremlin từ lâu đã tìm cách thúc đẩy sự hội nhập chính trị và kinh tế gần gũi hơn với Minsk, bao gồm việc phát hành một đồng tiền chung, nhưng ông Lukashenko đã phản kháng lại sức ép từ người láng giềng hùng mạnh hơn này.
Theo AFP, các nhà phân tích nói rằng ông Putin có thể sẽ lợi dụng tình thế khó khăn hiện nay của ông Lukashenko để buộc ông phải nhượng bộ, song bất kỳ thỏa thuận nào làm tổn hại tới chủ quyền và sự độc lập của Belarus chắc chắn sẽ khiến người biểu tình Belarus càng tức giận hơn.
Vị trí của ông Lukashenko ngày càng trở nên bấp bênh hơn nếu các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài và gia tăng căng thẳng. Cuộc biểu tình ngày 13/9 vừa qua là một trong số những cuộc biểu tình lớn nhất tại Belarus.
Những đoạn video đăng tải trên trang mạng Tut.by của Belarus cho thấy lực lượng cảnh sát mặc quân phục và cả thường phục bắt bớ những người tham gia cuộc biểu tình.
Việc truy cập Internet bằng điện thoại cũng bị hạn chế và các ga tàu điện ngầm ở trung tâm cũng bị đóng cửa. Các nhà chức trách đã điều xe chở cảnh sát, các phương tiện quân sự và giăng dây thép gai ở khu vực trung tâm để ngăn chặn cuộc biểu tình.
| Khủng hoảng Belarus: Ai sẽ là 'ngư ông đắc lợi'? TGVN. Các cuộc biểu tình và đình công rầm rộ trên toàn quốc ở Belarus không những không thể lật đổ Tổng thống Alexander Lukashenko ... |
| Tổng thống Lukashenko đang 'đi trên dây'? TGVN. Tình hình chính trị tại Belarus đang hết sức nóng bỏng với nhiều áp lực, thách thức được cho là hết sức khó khăn ... |
| Tổng thống Lukashenko: Đồng minh duy nhất còn lại của Nga là Belarus, Moscow không muốn để mất TGVN. Ngày 28/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố, Moscow không muốn mất quốc gia "đồng minh cuối cùng của LB Nga" này. |