Nhỏ Bình thường Lớn

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 1]

Mở đầu loạt bài về nền văn học Pháp, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) thời Trung cổ nổi tiếng như sau: Bài ca Roland, Tristan, Aucassin và Nicolette, Tiểu thuyết về chú cáo, Tiểu thuyết hoa hồng.

Bài ca Roland (cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII) là anh hùng ca dân gian (gồm 4.000 câu thơ), ca ngợi những sự nghiệp anh hùng, chiến công truyền thuyết hay lịch sử.

Bài ca Roland được ghi thành văn 200 - 300 năm sau sự kiện lịch sử: cái chết của Roland ở núi Pyrénées, sau khi Hoàng đế Charlemagne rút quân từ Tây Ban Nha về (vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII).

Câu chuyện được hư cấu theo óc tưởng tượng dân gian.

Đã bảy năm, Hoàng đế Charlemagne dẫn quân sang Tây Ban Nha đánh người Hồi giáo Bắc Phi chiếm đóng. Vua địch là Marsile điều đình xin hòa. Ganelon được cử đi cùng sứ giả địch đến gặp Marsile để kết thúc cuộc điều đình.

Ganelon đố kỵ, âm mưu phản bội: hắn bàn với vua địch sẽ thu xếp để Roland (tướng giỏi nhất và cháu gọi Hoàng đế bằng bác) và các hiệp sĩ phía Pháp giỏi nhất đi hậu quân để địch bố trí đánh úp. Sau đó Ganelon về để thực hiện mưu đồ. Hoàng đế đang rút quân về đất Pháp thì hậu quân bị địch tấn công ở đèo Ronceveaux.

Bạn thân của Roland là Olivier khuyên Roland nổi tù và để gọi Hoàng đế quay lại cứu. Nhưng Roland không chịu. Sau khi chiến đấu dũng cảm, các hiệp sĩ chết hết trừ có Roland, Olivier và linh mục hiệp sĩ Turpin.

Lúc đó Roland mới chịu thổi tù và, thổi mạnh đến nỗi đứt mạch máu thái dương. Hoàng đế dẫn quân trở lại thì cả ba hiệp sĩ đều đã chết. Người biết tên Ganelon có tội, cho bắt và đem xử, hắn bị xử phanh phây. Khi được tin báo là Roland, chồng chưa cưới đã chết, Aude con gái của Olivier ngã chết.

Tristan (thế kỷ XII) là nhân vật chính của nhiều chuyện thời Trung cổ Pháp, xuất phát từ gốc dân tộc Celte xứ Bretagne. Những chuyện này là những chuyện thơ cung đình, ca ngợi tình yêu: hiệp sĩ không những phải có võ công rực rỡ mà còn phải mang lưỡi gươm phụng sự vị “phu nhân là bà Chúa của mình” (Dame).

Chàng Tristan sớm mồ côi, được cậu là Vua Mark xứ Cornouailles nuôi. Chàng giết được người khổng lồ, em Hoàng hậu Irlande, kẻ thù của đất nước, bị chém bằng gươm tẩm thuốc độc, chàng nằm trong một chiếc thuyền sóng đánh dạt vào Irlande.

Chàng được Hoàng hậu, mẹ Iseut Tóc vàng chữa khỏi và về nước. Vua Mark muốn dành ngôi cho chàng, nên không chịu lấy vợ. Bị quần thần ép, vua tuyên bố chỉ lấy ai có tóc vàng như sợi tóc mà một con én vừa thả xuống.

Tristan nhớ đến công chúa Iseut Tóc vàng liền xin đi hỏi nàng cho nhà vua. Trên thuyền đưa Iseut về nước, Tristan và Iseut uống nhầm phải thứ thuốc bùa yêu gắn bó hai người bằng một mối tình vĩnh cửu (thuốc của mẹ Iseut định dành cho nàng và vua Mark. Vua lấy Iseut nhưng về sau phát hiện là nàng và Tristan lén lút yêu nhau.

Hai người trốn vào rừng sâu. Một hôm, vua bắt gặp họ, nhưng tha cho họ. Cảm kích, họ quyết định xa nhau. Iseut trở về cung, còn Tristan sang xứ Bretagne và lấy nàng Iseut có Bàn tay trắng. Tristan bị vết thương có thuốc độc, chỉ Iseut Tóc vàng mới có thể chữa được, chàng cho đi mời nàng và dặn sứ giả kéo buồm trắng lên nếu đem được nàng về, kéo buồm đen nếu không.

Khi thuyền đưa Iseut Tóc vàng về, vợ chàng ghen nên báo cho chàng là thuyền kéo buồm đen. Tristan nghe vậy buồn phiền và chết. Nàng Iseut lên bờ, nhìn thấy cảnh ấy và chết bên cạnh xác của người yêu. Vua Marc biết được chuyện “thuốc bùa yêu” thì cho chôn hai người bên cạnh nhau.

Aucassin và Nicolette, đầu thế kỷ XIII là tác phẩm vô danh thuộc loại tiểu thuyết diễm tình, gồm những phần bằng thơ để hát và những phần bằng văn xuôi để đọc, pha trộn thơ, hiện thực và mỉa mai.

Aucassin, con bá tước Garin, yêu Nicolette, một thiếu nữ Hồi giáo Bắc Phi bị cầm tù, Bá tước không tán thành, cho giam hai người vào hai nơi. Nicolette trốn thoát vào rừng, Aucassin, được thả, tìm đến nàng. Họ gặp nhiều chuyện phiêu lưu. Về sau, Nicolette được nhận diện ra là công chúa con vua ở một nước Bắc Phi. Aucassin được lấy nàng.

Tiểu thuyết về chú cáo (thế kỷ XII-XIII) là nhóm truyện thơ dân gian về con cáo Renard và đối thủ chính của nó là chó sói Isengrin. Tất cả có 24 “nhánh” (hay bài) với mục đích gây cười, nhưng càng về sau càng mang tính nhạo báng những anh hùng ca về những chiến công của các hiệp sĩ, các tầng lớp xã hội nói chung. Cáo trở thành hiện thân của cái ác và lừa đảo.

Tiểu thuyết về hoa hồng (thế kỷ XIII - G. de Lorris và J. de Meung) là thi phẩm phúng dụ giáo huấn gồm hai phần, có thể coi là hai tác phẩm riêng biệt. Phần đầu do G. de Lorris viết (4053 câu thơ), trình bày nghệ thuật yêu đương theo quan điểm cung đình, quý tộc. Nhân vật nam được dẫn vào vườn hoa, mê một bông hồng. Chàng phải học những đức tính như kín đáo, lễ phép, hào hiệp, kiên nhẫn.

Chàng hôn được hoa hồng, nhưng bị nói xấu, nguy cơ, xấu hổ và sợ hãi ngăn cản. Chàng cô đơn và đau khổ. Phần hai do J. de Meung viết (17.722 câu thơ), tiếp tục phần đầu chưa viết xong (do tác giả mất), giới thiệu tình yêu trên bình diện luân lý, triết học, rồi tổng hợp tất cả các tri thức khoa học và triết học thời Trung cổ.

Tác phẩm văn học Bồ Đào Nha tiêu biểu [Kỳ cuối]

Tác phẩm văn học Bồ Đào Nha tiêu biểu [Kỳ cuối]

Văn học Bồ Đào Nha nói chung và văn học viết bằng tiếng Bồ Đào Nha được viết bởi công dân Bồ Đào Nha, những ...

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Bỉ (kỳ cuối)

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Bỉ (kỳ cuối)

Ở Bỉ có hai dòng văn học: văn học viết bằng tiếng Pháp và văn học viết bằng tiếng Hà Lan.