Nhà văn Duhamel Georges |
Duhamel Georges (1884-1966) là nhà văn (chống chiến tranh, lên án xã hội kỹ thuật - viết tiểu thuyết trường thiên về môi trường xã hội tiểu tư sản).
Tác phẩm chính: Cuộc đời và những chuyến phiêu lưu của Salavin (1920-1932, 5 tập), Ký sự họ nhà Pasquier (1933-1945, 10 tập), Văn minh (Civilisation, 1914-1917, luận văn), Cảnh sống tương lai (1930, luận văn).
Cuộc đời và những chuyến phiêu lưu của Salavin là Bộ tiểu thuyết xây dựng về nhân vật Salavin, gồm năm tập: Tâm sự nửa đêm (1920), Hai người đàn ông (1927), Nhật ký của Salavin, Câu lạc bộ dân thành phố Lyon (1929), Như đúng bản thân (1932). Salavin là một người bình thường, đáng thương vì nhu nhược, lố lăng, không kìm được tình cảm xấu.
Nhưng anh ta không đáng khinh vì anh ta có ý thức chua xót về sự nhu nhược của mình, về tính chất cao cả của những ý định tốt; anh ta muốn vươn lên cái cao cả . Trong Tâm sự nửa đêm, Salavin xuất hiện là nhân viên một Công ty sữa vừa mất việc, lang thang ở Paris, tìm việc một cách lờ phờ. Anh lải nhải tự phân tích nội tâm. Có những lúc anh ta cảm thấy yêu con người vô cùng, muốn xả thân, thấy thế giới là đẹp, thấy mình can đảm. Nhưng rồi đến lúc hành động thì không chịu được người khác, ích kỉ, nhút nhát, thấy mọi thứ đều xấu.
Những lực lượng vô thức mạnh hơn ý thức anh. Hai người đàn ông kể lại sự thất bại trong tình bạn của Salavin. Nhật ký của Salavin cho ta thấy Salavin chìm trong cái tầm thường hàng ngày, cảm giác lơ mơ về tôn giáo.
Trong Câu lạc bộ dân thành phố Lyon, Salavin thể nghiệm sống với xã hội và thất bại. Như đúng bản thân đưa Salavin sang Bắc Phi, vẫn với những hoài nghi, tư tưởng thấp kém tiểu tư sản cũ. Trong cuộc sống mòn mỏi, ít nhất Salavin cũng tự cứu vớt được mình: nhận thức được cái yếu kém của mình, và biết tự chấp nhận bản thân. Salavin phản ánh phận người nói chung, luôn luôn tìm tuyệt đối một cách vô ích.
Ký sự họ nhà Pasquier là bộ tiểu thuyết trường thiên gồm 10 tập, về những biến diễn của một gia đình trí thức trung lưu và qua đó, miêu tả xã hội tư bản Pháp bị khủng hoảng trong giai đoạn 1880-1902. Trong gia đình, bố là người bất đắc chí, khoe khoang, ích kỉ; mẹ là một người vợ hiền hậu, âm thầm hy sinh.
Một trai là Joseph, kinh doanh hám tiền. Một con trai khác là một công chức tầm thường, tự mãn. Hai con gái là nghệ sĩ, nhất là Cécile, một nhạc sĩ thiên tài và thanh cao. Laurent, con trai thứ ba, là nhân vật chính, anh trong sạch, có lý tưởng, định hiến thân cho nghiên cứu khoa học.
Tác phẩm có thể coi như nhật ký của bác sĩ y khoa và nhà sinh vật học xuất sắc Laurent, phản ánh nhiều khía cạnh của bản thân tác giả. Ngay từ trẻ, Laurent đã vỡ mộng về bố mẹ, về Chúa, nhưng kiên quyết tự cứu vớt. Đi vào khoa học, Laurent cũng lại bị vỡ mộng vì những nhà bác học lừng danh cũng đố kỵ nhau một cách đê tiện.
Đối với Laurent, tình bạn, sự nghiệp tập thể, tình yêu, nghệ thuật, tôn giáo đều không thể cứu vớt tâm hồn được; chỉ có khoa học, thú vui tìm hiểu, nhưng khoa học cũng mang lại thất vọng: lý tính con người có hạn, con người không vươn đến tuyệt đối được.
Laurent vẫn tin vào sứ mệnh của con người, mặc dù nó không triệt được cái ác và nỗi đau khổ, Đành phải chấp nhận bản chất không hoàn thiện của con người trong khi cố gắng bảo vệ những giá trị nhân văn luôn luôn bị đe dọa.
***
Nhà viết kịch Dumas fils, Alexandre |
Dumas fils, Alexandre (1824-1895) là nhà viết kịch giáo huấn nhằm cải tạo phong tục thối nát của giai cấp tư sản.
Tác phẩm chính: Trà hoa nữ (1852), Giới thượng lưu (1855).
Trà hoa nữ là một vở kịch chuyển từ tiểu thuyết sang và là vở kịch đầu tiên của Dumas khiến Dumas nổi tiếng. Kịch phong tục của Dumas có tính chất giáo huấn, theo một dòng khác dòng lãng mạn (đề cao tình cảm, tôn sùng cái “tôi”, tìm thoát ly trong mộng ảo...).
Trên lập trường tiểu tư sản bảo thủ, Dumas muốn cải tạo sự thối nát của gia cấp tư sản dưới Đế chế II. Trà hoa nữ minh họa chủ đề: sự tự cải tạo, vươn lên cao quý của cô gái giang hồ có một mối tình chân thật.
Chuyện kể về một mối tình của cô gái giang hồ Marguerite Gautier và Armand thuộc một gia đình thượng lưu. Cặp tình nhân tìm cái trong lành và sự biệt lập trong một tổ ấm ở nông thôn.
Ông cụ bố Armand bí mật tìm đến cô để thuyết phục cô cắt đứt với Armand, mặc dù biết cô thật lòng yêu. Lấy cô, Armand sẽ không còn tương lai, em gái Armand sẽ không lấy được người yêu vì gia đình sẽ mất hết danh dự vì cô.
Cô đành bỏ trốn đi. Armand tưởng cô chán mình, chạy theo tiền. Cô trở thành gái bao của một nhà quý tộc. Armand giận quá. Một hôm trước công chúng, Armand ném vào cô một mớ tiền vừa được bạc.
Cô đau khổ, ốm rất nặng. Khi biết sự thật qua một lá thư của người hầu của Marguerite, Armand vội chạy đến bên giường bệnh của Marguerite thì chỉ kịp chứng kiến cơn hấp hối.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 16] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| 'Tiên học lễ, hậu học văn': Không chỉ là triết lý giáo dục mà còn là nét văn hóa của dân tộc Trước đề xuất bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' của GS. Trần Ngọc Thêm, có người đồng tình nhưng không ít người ... |