📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 4]

Hữu Ngọc 09:00 | 14/11/2021
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà viết tiểu thuyết hiện thực phê phán Balzac Honoré de.

Balzac Honoré de (1799-1850) là nhà viết tiểu thuyết hiện thực phê phán. Tác phẩm chính: bộ Tấn trò đời gồm hơn 90 tác phẩm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn.

Tiêu biểu là các tác phẩm: Những người Chouans (1829), Gobseck (1830), Miếng da lừa (1831), Lão Goriot (1833), Thầy thuốc nông thôn (1833), Eugénie Grandet (1833), Bông huệ bên dòng sông (1835), Séraphita (1835), Vỡ mộng (1837-1843), Cha xứ làng quê (1839), Một việc mờ ám (1841), Những người nông dân (1845), Dì Bette (1847), Chú Pons (1847).

Miếng da lừa là tiểu thuyết thuộc loại “nghiên cứu triết học”. “Nghiên cứu triết học” muốn chứng minh là có những ý tưởng và đam mê cuồng nhiệt sẽ thiêu hủy cuộc đời của con người.

Chàng bá tước Raphael de Valentin là một thanh niên tha thiết tìm thú vui cuộc sống: giàu sang, gái đẹp... Chàng đánh một canh bạc cuối cùng, hết sạch tiền của, định tự tử. Chàng bỗng mua được trong cửa hàng của một người bán đồ cổ một lá bùa (một miếng da lừa) khiến chàng ước gì được nấy.

Từ đó, chàng lao vào cuộc sống ăn chơi trác táng, yêu đương, yêu từ thiếu phụ nhẫn tâm đến thiếu nữ ngây thơ. Chàng tiêu phí sức khỏe rất nhanh qua những cuộc truy hoan liên tiếp. Cứ mỗi lần một điều ước được thực hiện thì miếng da lừa lại co lại, và rút cuộc, nó nhỏ tí. Chàng tìm mọi cách để kéo giãn nó ra, cố gắng ít cầu ước, nhưng vô ích.

Cuối cùng, bất lực, chàng chết một cách thảm thê. Chuyện của chàng là biểu tượng cho số phận con người bị giằng xé trong mâu thuẫn: một cuộc sống dài nhưng buồn tẻ hay một cuộc sống sôi nổi nhưng ngắn ngủi.

Lão Goriot là tiểu thuyết thuộc đề tài “Những cảnh đời riêng tư”. Câu chuyện xảy ra ở Paris, trong một nhà trọ tồi tàn hôi hám chứa những con người khốn khổ, nghèo túng, hoặc có những hành vi bí mật.

Trong số đó nổi lên ba nhân vật: Rastignac, sinh viên luật, quý tộc nghèo mà đầy tham vọng, định xây dựng cơ đồ ở Paris; Vautrin, một người vạm vỡ, xởi lởi, hành tung kín đáo; Lão Goriot, nguyên là một người thợ làm miến, hình như có điều uẩn khúc nên luôn buồn bã. Rastignac tò mò theo dõi một số sự việc, Vautrin có lần giữa đêm lẻn về nhà trọ, còn lão Goriot thì thỉnh thoảng lại tiếp những phu nhân lịch sự.

Nhờ người chị em họ là một vị phu nhân có uy tín, Rastignac gia nhập xã hội thượng lưu Paris, vô luân và đểu cáng. Rastignac phát hiện ra là lão Goriot vốn rất giàu có, đã đem tất cả của cải làm hồi môn để cho hai đứa con gái lấy chồng sang: Anastasie lấy một nhà quý tộc, Delphine thì lấy một nhà tài chính. Các chàng rể hắt hủi bố vợ sau khi đã hết tiền.

Còn Vautrin thì là một tên tù khổ sai vượt ngục, hắn đã trắng trợn mặc cả với Rastignac một việc làm ăn, hắn đề nghị Rastignac quyến rũ một người thiếu nữ có người bố chết đi, để lại cho cô và em một gia tài lớn, việc của Vautrin là hắn sẽ giết người em nếu được chi một số tiền, như vậy Rastignac sẽ được hưởng hết gia tài của cô chị.

Rastignac từ chối, không nhận tham gia âm mưu độc ác ấy, nhưng không khỏi bâng khuâng. Tuy nhiên sau đó, Vautrin vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu, hắn thuê người giết cô em, nhưng lại bị tố cáo là tù vượt ngục và bị bắt. Cùng lúc đó, hai người con gái của lão Goriot đến tìm bố cầu cứu, vì họ đều bị chồng kết tội lăng nhăng nên dọa cắt hết tiền.

Trước ông bố bị ốm nặng, hai cô cãi nhau như nặc nô rồi bỏ đi. Lão Goriot hấp hối, bên cạnh chỉ có Rastignac và một sinh viên y khoa. Trước khi chết, ông bố đáng thương vẫn còn cầu phúc cho hai đứa con gái bạc bẽo mà ông vẫn yêu tha thiết.

Sau đám tang, còn lại một mình ở nghĩa địa, Rastignac hướng về thành phố Paris thách thức: “Giờ thì còn ta với người đấu nhau!”. Anh đã hiểu những bài học cay nghiệt của cuộc đời, rồi anh lại về ăn cơm với tình nhân là vợ một nam tước.

Cha xứ làng quê thuộc loại đề tài “Những cảnh đời nông thôn”. Linh mục Bonnet giúp bà Graslin làm công việc từ thiện. Câu chuyện xoay quanh tội ác của một công nhân là Jean-François, đã từng là người tình lén lút của bà Graslin. Anh ta lẳng lặng lên máy chém không tiết lộ điều gì. Câu chuyện được giữ bí mật. Anh công nhận đã phạm tội ác để có phương tiện cùng người yêu đi trốn.

Hành động của anh quả là đáng thương. Tuy bà Graslin vô tội, không nhúng tay vào vụ án này, nhưng bà cũng cảm thấy hối hận sâu sắc. Trước khi chết, bà thú tội với vị linh mục ưu ái và nhiều người sống gần bà.