Vega Carpio Lope de (1562-1635). |
Vega Carpio Lope de (1562-1635) là nhà thơ và tác giả sân khấu thiên tài, sáng tạo ra nền “sân khấu dân tộc”, là nhà văn hài chỉ kém Cervantes trong văn học Tây Ban Nha. Ông lên án phương pháp trừu tượng hóa cuối thời Trung cổ và văn phong cầu kì kiểu Gongora. Vega mở đường cho chủ nghĩa hiện thực.
Kịch bắt nguồn từ nhân dân. Ông viết trên 1500 vở Comedia và 400 kịch tôn giáo.
Tác phẩm chính: kịch lịch sử: Peribanez và thái thú Ocana (1614), Nhà vua là vị thẩm phán thông minh nhất (1635), Tân thế giới (1614), kịch ly kỳ: Nước có chất sắt ở Madrid (1603), kịch lãng mạn: Fuenteovejuna (1618), kịch tôn giáo: Đứa con hoang phí.
Peribanez và thái thú Ocana là kịch thơ lịch sử ba màn, mục đích ca ngợi đức “minh quân” xử án công bằng. Câu chuyện xảy ra vào cuối thế kỷ XIV.
Lãnh chúa thái thú Ocana tình cờ gặp và yêu vợ mới cưới của chàng nông dân giàu có Peribanez là nàng Casida xinh đẹp. Thái thú trá hình làm thợ gặt, lén vào nhà Peribanez (trong khi Peribanez đi vắng) để chinh phục Casida nhưng không được.
Thái thú bày mưu cho Peribanez làm đại úy một đại đội nông dân và cử Peribanez ra trận. Peribanez cảnh giác, nên sau khi đi, lại lộn về nhà, gặp thái thú trong trại của mình và giết y. Sau đó, Peribanez cùng vợ trốn vào rừng. Nhà vua bị mất một tướng giỏi, treo giải thưởng 1000 đồng vàng nếu ai bắt được Peribanez.
Biết là không thoát nổi, Peribanez để cho vợ đem nộp mình lấy tiền thưởng. Nhà vua biết đầu đuôi câu chuyện, tha cho Peribanez và vẫn thưởng tiền cho vợ Peribanez.
Nhà vua là vị thẩm phán thông minh nhất là vở kịch nổi tiếng nhất của Vega. Nội dung đề cao “minh quân”.
Câu chuyện xảy ra vào thế kỷ XII. Sanche tuy gốc quỹ tộc, nhưng nghèo quá phải đi giữ gia súc cho lãnh chúa Telle. Anh yêu Elvire, con gái một nông dân và được chủ đồng ý cho phép lấy. Hôm cưới, chủ thấy cô dâu đẹp quá, muốn chiếm cho mình, y ra lệnh hoãn cưới đến hôm sau, giả đò để tổ chức linh đình hơn.
Đến đêm, y cho người lên bắt cóc Elvire. Sanche cùng bố vợ đến xin, y chối mãi là không biết chuyện; nhưng việc bị lộ, y nói thẳng là y giữ Elvire cho mình. Sanche kiện lên vua Alphonse VII, được vua viết cho lệnh bắt Telle phải trả lại Elvire.
Telle không tuân lệnh, cho là lãnh địa của tổ tiên y để lại, y hoàn toàn có quyền trong lãnh địa. Vua vi hành đến tận nơi điều tra và ra lệnh xử tử Telle. Trước khi bị hành hình, y phải làm lễ cưới Elvire, để lại phần lớn tiền cho Elvire. Elvire lấy Sanche.
Nước có chất sắt ở Madrid là một vở hài kịch thơ. Bélise yêu Lisardo, nhưng ít khi được gặp tình nhân, vì đi đâu nàng cũng bị bà cô mộ đạo là Téodora đi kèm.
Nàng nghĩ ra một kế: Beltran, tên đầy tớ ma mãnh của Lisardo, đóng giả làm y sỹ đi kèm với chủ (đóng vai y sinh), vờ đến thăm bệnh cho nàng, hắn cho đơn dặn Bélise mỗi sáng phải uống một cốc nước có chất sắt, rồi đi bộ thật lâu qua phố phường.
Trong khi ấy, một bạn của Lisardo tán tỉnh bà cô, bà này mê tít, đến mức quên cả dạy đạo đức và tâm sự với cháu. Đây là một vở hài kịch gây cười bằng tình huống không đi sâu phân tích tính cách nhân vật (có ảnh hưởng đến nhà viết hài kịch Pháp Molière).
Fuenteovejuna là kịch thơ chống uy quyền cá nhân độc đoán, đề cao con người được hưởng công lý và tình yêu thể hiện qua ý chí tập thể.
Câu chuyện xảy ra vào thế kỷ XV. Làng Fuenteovejuna là một lãnh địa thuộc sở hữu dòng tu Calatrava. Fernán cai quản làng này, là một lãnh chúa độc đoán và dâm ô, hắn đòi quyền được phá trinh tất cả các cô gái đi lấy chồng.
Cô thôn nữ Laurencia không chịu. Giữa bữa tiệc cưới, Fernán sai bắt cóc cô và giam chú rể. Cô trốn thoát về làng, kêu gọi toàn dân nổi dậy chống cường quyền. Fernán bị dân bắt giết; đầu hắn bị bêu lên một ngọn giáo.
Đại pháp sư của dòng Calatrava kiện dân làng giết chức sắc của mình. Vua sai một phán quan về làng xử. Ba trăm dân bị cực hình, nhưng không chịu nhượng bộ. Đáp lại câu hỏi “Ai giết Fernan?” Già trẻ lớn bé đều trả lời: Fuenteovejuna.
Tác giả đã xây dựng ở đây một cảnh thống thiết gây ấn tượng mạnh mẽ. Câu trả lời chắc như đinh đóng cột của tập thể vang lên một cách hùng hồn. Cuối cùng, nhà vua tha cho cả làng.
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 16) Ungaretti Giuseppe (1888-1970) là nhà thơ, tác phẩm chính: Vui sướng, Bến cảng bị vùi, Cảm xúc thời gian; Verga Giovanni (1840 - 1922) là ... |
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ cuối) TGVN. Hesiodos (thế kỷ VIII - VII TCN) là nhà thơ bênh vực nông dân và người chăn nuôi bị áp bức bóc lột. Ông ... |
| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Mạc Ngôn nghĩ gì? (kỳ I) TGVN. Trong các tác phẩm, Mạc Ngôn khai thác nguồn gốc nông dân của gia đình, ghi lại những câu chuyện do người bà yêu ... |