Ngày 19/2/1947, chỉ hai ngày sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu 1 ở Hà Nội để bảo toàn lực lượng chiến đấu, những thiếu niên thuộc Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt đã bí mật quay trở về Thủ đô.
Họ là những người đặt dấu chân đầu tiên trong con đường bí mật trở về Hà Nội, mở đầu cho sự hình thành của một chiến tuyến thầm lặng trong lòng thủ đô tạm chiếm.
Trước đó, nhận nhiệm vụ lãnh đạo Công an quận VI giao, chỉ với chiếc la bàn trong tay, 5 thiếu niên dò dẫm trong đêm tối, băng qua những cánh đồng, làng mạc, bãi tha ma, đồn bốt địch, những hố chôn tập thể sau nạn đói năm 1946 để tìm lối đi bí mật đưa đón cán bộ ra vào nội thành hoạt động. Những anh hùng nhỏ tuổi khi ấy, giờ đều đã qua tuổi bát tuần, người còn, người mất.
Ông Phạm Thắng - một trong năm đội viên mở đường đầu tiên của Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt. (Nguồn: Nhật ký Người Việt) |
Ông Phạm Thắng - một trong năm “chiến sĩ” của Đội thiếu niên tình báo là người còn lưu giữ được nhiều kỷ niệm, bức ảnh, bút tích, thư từ… về những đồng chí, đồng đội trong Đội Bát Sắt năm xưa.
Từng dòng thư, từng bức ảnh đều được bác gói ghém cẩn thận, chú thích và sắp xếp theo các sự kiện, năm tháng. Ký ức của bác về những ngày tháng chiến đấu trong Đội Bát Sắt, về những thiếu niên trong nhóm mở đường bí mật vào Hà Nội dường như vẫn vẹn nguyên như thuở nào…
Ông tâm sự: “Từ khi còn là một cậu bé 12 tuổi cho đến khi mắt đã mờ, tôi vẫn luôn cống hiến và hướng về Thủ đô”.
Những người nắm giữ tấm bản đồ bí mật
Khi được hỏi về ký ức những ngày đầu tiên bí mật tiến về Hà Nội trong đêm, ông Phạm Thắng vẫn không khỏi bồi hồi.
Xúc động nhớ lại buổi tối ngày 18/2/1946, ông kể về cuộc họp khẩn trong đêm tại đình làng Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Thượng tướng Lê Quang Hòa, lúc bấy giờ được gọi là “Anh cả” và cũng là đội trưởng của công an quận VI đã giao cho những thiếu niên mới chỉ 12-15 tuổi một nhiệm vụ đặc biệt:
“Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm đường trở lại, nắm nhân dân, dựng cơ sở, chuẩn bị cho ngày về giải phóng mai sau. Trước mắt, phải có một con đường riêng biệt, chọc thẳng vào ngoại ô phía Nam, tạo ra một lối đi kín đáo, thuận tiện cho việc dẫn đưa cán bộ đi về hoạt động. Nó là mạch máu của trái tim kháng chiến truyền vào cơ thể Thủ đô đang tạm bị chiếm”.
Tối hôm sau, tức ngày 19/2/1946, 5 đội viên được chọn gồm bác Trần Vân, hồi đó gọi là Hoàng Văn Quyến, người thứ hai là Trần Văn Thục, người thứ ba là Trần Văn Sâm - em ruột Trần Văn Thục, người thứ tư chính là ông Phạm Thắng và người thứ năm là một cậu bé tên là Chúc.
Giao nhiệm vụ xong, Anh Cả tiễn 5 đội viên đến Đền Lừ, giao cho đội trưởng là bác Trần Vân một chiếc la bàn và nhắn nhủ: “Chuyến đi đêm nay của các em sẽ đi vào lịch sử bởi vì các em là những người đầu tiên đặt chân vào Thủ đô Hà Nội tạm chiếm, cũng là người của kháng chiến đầu tiên trở về Hà Nội. Và các em phải luôn nhớ rằng đêm hôm nay của các em là một đêm không thể quên được”.
Kể đến đây, ông Thắng rơm rớm nước mắt: “Câu nói của anh Lê Quang Hòa đã khiến chúng tôi, mãi đến tận sau này vẫn luôn khắc ghi và đúng là không thể nào quên được!”.
Đêm hôm ấy, trời mưa như trút nước, 5 trinh sát liên lạc nhỏ tuổi với quần áo mỏng tang, đôi chân trần, trong người chỉ có mỗi túi gạo rang để làm lương khô và một chiếc la bàn để xác định phương hướng đã tiến về Hà Nội.
Họ bì bõm trên bờ ruộng mấp mô, láng bùn trơn trượt, lúc thì trượt chân ngã lộn xuống một luống rau muống, lúc lại sa lầy xuống ruộng bùn sâu và làm mất chiếc la bàn, rồi có lúc lại phi như bay qua các bãi tha ma, những cánh đồng hoang đầy cỏ dại ở Lạc Trung.
Ông Phạm Thắng say sưa kể về đêm mở đường đầu tiên với niềm hân hoan như được sống lại những ngày tháng cũ.
Khi được hỏi lúc đó mọi người có sợ không - sợ đêm tối, sợ địch bắt, ông cười: “Lúc đó chúng tôi thấy vinh hạnh lắm, vì được làm một nhiệm vụ to lớn như thế. Nhưng trẻ con mà, nên tôi thấy háo hức vô cùng và cảm giác như đang thực hiện một chuyến phiêu lưu. Đương nhiên cũng có lúc chúng tôi sợ, những nỗi sợ hết sức trẻ con thôi, sợ ma, hay tranh cãi nhau vì mất la bàn, sợ không xác định được phương hướng”.
Chân dung ông Phạm Thắng thời trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Qua Lạc Trung, vào làng Quỳnh Lôi, các cậu bé thoăn thoắt luồn qua lỗ tường đục, nhà nọ xuyên nhà kia vào trung tâm thành phố. Vừa đói vừa rét, cả đội vào một ngôi nhà hoang nghỉ qua đêm.
Trời sáng hẳn, đội chia nhau đi các ngả thám thính tình hình, tìm đường vào nội thành Hà Nội. Đến rạng sáng 21/2/1947, 5 đội viên quay ra đến đền Lừ an toàn, báo cáo với cấp trên: Đường bí mật đã mở, ta có thể tiến vào nội thành mà địch không biết!
Những ngày sống trong lòng địch
Sau sự kiện mở đường bí mật về Hà Nội ngày 19/2/1947, lần lượt mấy chục đội viên được tung vào hoạt động, đóng vai những đứa trẻ lang thang kiếm ăn. Người thì ôm hòm bán lạc rang, ngô rang, người thì mang cặp bán báo, đánh mũ, đánh giày... Dần dần, trong lòng Thủ đô hình thành một đội ngũ tình báo thiếu niên tỏa về các đường phố, rồi đến các cơ sở tập trung.
Khó có thể kể hết những việc mà các thiếu niên tình báo của Đội Bát Sắt làm được trong hai năm mở đường về Hà Nội để hình thành trận tuyến tình báo thầm lặng trong lòng Thủ đô.
Trong đêm tối các đội viên đã bơi qua Hồ Gươm để cắm cờ Tổ quốc lên đỉnh tháp Rùa nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám năm 1948, rải truyền đơn, dán áp phích dọc Phố Huế - Hàng Bài nhân kỷ niệm sinh nhật Bác.
Đội còn chuyển lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh quân sự Liên khu 2 cho Tiểu đoàn 202 rút khỏi vòng vây của địch ở khu học xá Việt Nam (nay là phố Bạch Mai - Hà Nội); đưa ông Trần Quang Cơ - quân báo viên quận 6 bị lạc trở về đơn vị (sau này ông Cơ trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); dẫn đường cho một tiểu đội Quyết tử vào nghiên cứu đánh địch ngay trong lòng Hà Nội...
Tấm bia Tuyên thệ của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt tại khuôn viên ngôi đình thôn Huỳnh Cung. (Ảnh: NVCC) |
Đặc biệt Đội đã chuyển thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo để mời các nhân sĩ, trí thức, ra khỏi vùng tự do, không hợp tác với Pháp, không tham gia lập chính quyền bù nhìn. Cũng nhờ vậy, các giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vợ, bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Phạm Khắc Quảng, Trần Văn Lai, các luật sư Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Tường Chiểu… đã đi theo cách mạng.
Đội Thiếu niên Bát Sắt đã trực tiếp đưa ông Phan Khắc Hòe, nguyên đổng lý văn phòng của Bảo Đại và hai con trai cùng vợ chồng kĩ sư - Thứ trưởng Bộ Giao thông Đặng Phúc Thông vượt vòng vây địch lên chiến khu Việt Bắc, được Bác Hồ đánh giá là một thắng lợi.
Đội còn tổ chức xử tử hình tên việt gian Paquet (Lê Hữu Bá Kế) tại nhà riêng; nắm địa chỉ nhà riêng, quy luật hoạt động của tên việt gian đầu sỏ Trương Đình Tri - Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Kỳ để đưa đường cho lực lượng của ta tiêu diệt…
Khi hỏi về ý nghĩa của những chiến công to lớn mà Đội Bát Sắt làm được trong hai năm hoạt động ngắn ngủi, ông Thắng không khỏi tự hào, nhắc lại lời của nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ Phạm Tâm Long đánh giá đây là một đội quân bí mật của lực lượng kháng chiến làm nên kỳ tích, khiến cho kẻ thù vô cùng kinh ngạc, cần phải đưa vào tiểu thuyết, vào lịch sử:
“Tôi được nghe các đồng chí công an kể lại là ngay cả sau khi đọc được cuốn sách về đội tình báo Bát Sắt tôi viết thì Sở mật thám Liên bang đã bất ngờ trước việc Việt Minh lại dùng trẻ con làm công tác tình báo từ trong lòng của Chính phủ Liên hiệp Pháp Việt như vậy.
Sau này, có dịp đến kho báo ở Thư viện Trung ương (Thư viện Quốc gia), tôi có đọc lại hết những các số báo hồi đó, trong đó có một bài đăng trên báo Thời Mới với tiêu đề “Những Việt Minh con làm náo động tâm trí của người Pháp”. Điều này chứng tỏ Việt Minh ta đã sử dụng toàn bộ lực lượng trong nhân dân để tham gia vào kháng chiến. Đấy chính là cái ý nghĩa của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nước ta”.
Chiếc la bàn luôn hướng về Tổ quốc
55 năm đã qua đi, 5 đội viên ban đầu của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt đều đã mất, chỉ còn lại ông Phạm Thắng.
Ông chia sẻ: “Hai năm làm tình báo thiếu niên là một ấn tượng quá đỗi đặc biệt. Nó khiến mình như trải qua 20 năm. Đó là quãng thời gian rèn giũa cho mình nghị lực, sự nhanh nhẹn, sự thông minh, sự linh hoạt để sau này chúng tôi trở thành những chiến sĩ thực thụ, xông pha ở chiến trường”.
Sau khi rời đội Bát Sắt, các thành viên cũng được chuyển vào các đơn vị khác của Công an Hà Nội, hoặc vào bộ đội rồi bặt tin nhau, mãi đến năm 1987 mới được gặp mặt lần nữa. Nhưng dù sau ngần ấy năm, người nào cũng thay đổi cả, chỉ có sự hết mình cống hiến cho Tổ quốc, cho Thủ đô là vẫn vẹn nguyên.
Năm 2012, ông Phạm Thắng cùng đồng đội là những đội viên Bát Sắt ngày ấy được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia các công tác tại địa phương, làm Bí thư Chi bộ Đảng rồi kiêm cả Tổ trưởng tổ dân phố. Dù tuổi đã cao, ông vẫn mong được đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho quê hương, đất nước.
Những thư từ, bút tích về những đồng chí, đồng đội trong Đội Bát Sắt năm xưa được ôngThắng lưu giữ cẩn thận. (Ảnh: NVCC) |
Ông ngậm ngùi: “Có lẽ, tôi cũng là một người may mắn khi còn sống để được kể lại câu chuyện này, để các thế hệ trẻ về sau biết được tuổi trẻ của chúng tôi là như vậy, đã cố gắng hết sức để làm đúng như lời dạy của Bác. Và dù khiêm tốn đến đâu, tôi cũng cảm thấy rất tự hào”.
Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, quá khứ là thuộc về lịch sử. Dù quá khứ anh có tốt đẹp bao nhiêu, mà bây giờ anh sống không xứng với cái quá khứ tự hào ấy, thì bản thân anh cũng chỉ là một con người nhỏ bé tầm thường. Tôi có suy nghĩ như thế nên kể từ khi về hưu, tôi đã cố gắng tham gia các công tác ở địa phương.
Tôi muốn chứng minh một điều rằng, quá khứ của mình, có thể tạm gọi là một quá khứ tốt nhưng nếu tuổi già mình không sống tốt thì quá khứ ấy mãi mãi cũng chỉ là hoài niệm thôi. Đó chính là những tâm niệm của tôi”.
Trên con đường mở lối tiến về Hà Nội tạm chiếm, chiếc la bàn chỉ hướng đã rơi mất ngay trong đêm, nhưng các thiếu niên của đội tình báo Bát Sắt vẫn tìm đúng đường và hoàn thành nhiệm vụ. Con đường của 5 đội viên Bát Sắt đã đi không chỉ là con đường mòn mở lối cho quân ta quay trở lại Hà Nội hoạt động bí mật, nó còn là con đường của ý chí, tinh thần luôn một lòng hướng về Thủ đô. Không cần một chiếc la bàn cầm tay nào cả, chính sự gan dạ, thông minh cùng lòng yêu nước quả cảm mới là kim chỉ nam giúp các thiếu niên ngày ấy tìm ra con đường hướng về Hà Nội và xa hơn chính là hướng về Tổ quốc trong suốt hành trình sau này. |