Từ phải sang: Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch đảng CPP Chea Sim và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin tại Lễ kỷ niệm ở Phnom Penh. |
Kết thúc bi kịch 3 năm, 8 tháng và 20 ngày
Ba năm, 8 tháng 20 ngày là khoảng thời gian mà chế độ Campuchia dân chủ do PolPot cầm đầu tồn tại. Trong thời gian đó, chúng đã gây biết bao tội ác tày trời và để lại cho nhân dân Campuchia hậu quả hết sức nặng nề. Theo thống kê của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, hơn 2 triệu người đã bị chết do đói rét và bị giết hại dã man; gần 6.000 trường học, 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa, hơn 100 nhà thờ, thánh thất bị phá huỷ hoặc biến thành nơi giam giữ những người dân vô tội. Những chứng tích chiến tranh tại các nhà tù và các hố chôn người tập thể trên khắp đất nước là bằng chứng cho tội ác chưa từng thấy trong lịch sử loài người mà chế độ PolPot đã gây ra cho dân tộc Campuchia.
Miền Nam Việt Nam vừa được giải phóng ngày 30/4/1975, thì ngày 1/5/1975, lực lượng PolPot đã tấn công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Kể từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, quân PolPot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá, nửa triệu dân sát biên giới phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng để tìm chỗ nương thân.
“Quân đội nhà Phật”
Đây là cụm từ mà nhân dân Campuchia trìu mến đặt cho quân tình nguyện Việt Nam để thể hiện sự biết ơn đối với quân đội nhân dân Việt Nam vì đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, xây dựng lại đất nước từ những “cánh đồng chết” hoang tàn.
Ngày 23/12/1978, quân PolPot tiến công thị trấn Bến Sỏi (Tây Ninh) với mục tiêu là đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Ngày 25/12/1978, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập ngày 2/12/1978 do ông Heng Samrin làm chủ tịch, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận phản công. Ngày 2/1/1979, toàn bộ vùng phía Đông sông Mekong được giải phóng. Sau đó 5 ngày, ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia giải phóng Thủ đô Phnom Penh.
Từ năm 1979 đến 1989, quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia giúp nhân dân Campuchia ngăn chặn chế độ diệt chủng PolPot và giúp nhân dân Campuchia hồi sinh. Cuối năm 1989, Việt Nam rút hết quân tình nguyện khỏi Campuchia.
Sự nghiệp quốc tế cao cả
Sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam trong việc xóa bỏ chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia là sự nghiệp quốc tế cao cả mà nhân dân Việt Nam đã hoàn thành trong điều kiện đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ngay sau cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hành động hy sinh cao đẹp này của nhân dân Việt Nam luôn được các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia ghi nhớ với sự biết ơn sâu sắc.
Hoàng thân Norodom Sihanuk từng nói: Không có bộ đội Việt Nam giúp đỡ giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, thì con cháu nhà vua cũng không còn... Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-5/11/2008, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phát biểu với đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia rằng: “Không có ngày 7/1/1979, không có đất nước Campuchia ngày nay. Ngày 7/1/1979 là ngày chiến thắng chung, ngày vui chung của hai dân tộc Campuchia - Việt Nam”.
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày nhân dân Campuchia giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi chế độ diệt chủng, tối 6/1 tại Hà Nội, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Van Phal đã nói về chiến thắng 7/1 đối với đất nước Campuchia như “một ngày hồi sinh của đất nước”. Ông nhấn mạnh: “Nhân dân Campuchia biết ơn sâu sắc trước sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia sẽ không có chiến thắng ngày 7/1/1979 và cũng không có sự phát triển ngày hôm nay”.
Tiến sĩ ChhayYiheng (Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia) đã viết trong tham luận tại Hội thảo Việt Nam trong thế kỷ 21, diễn ra tại Hà Nội năm 2000 rằng “Cái gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ 21? Đó là lòng biết ơn. Đó là tình hữu nghị, hình ảnh của một “đội quân nhà Phật”, từ cõi thiện đến cứu giúp nhân dân Campuchia…”.
Đến nay, Việt Nam và Campuchia đã xây dựng đường biên giới chung trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quan hệ hai nước vẫn không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, như lời khẳng định của Đại sứ Van Phal, “Sự đóng góp quý báu của quân tình nguyện Việt Nam vào thắng lợi của nhân dân Campuchia là công lao rất to lớn mà đất nước và nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ và kính trọng mãi mãi. Đây là tấm lòng chân thành hiếm có, với tình nghĩa anh em láng giềng Việt Nam - Campuchia, những người anh em luôn giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh”.
Dưới cái nhìn của một học giả Campuchia: Những người làm nên chiến thắng này là đáng trân trọng
Giáo sư Viện ngoại ngữ Đại học Tổng hợp Phnom Penh, ông Yun Kea không thể không công nhận một thực tế là cuộc diệt chủng dân tộc Khmer của chế độ Khmer Đỏ đã chấm dứt vào ngày 7/1/1979. Ngày Chiến thắng 7/1 đã không chỉ mang lại cho nhân dân Campuchia sự hồi sinh mà còn mang lại cho họ các giá trị của nền văn minh nhân loại như quyền tự do, dân chủ, tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác trong 30 năm qua từ sau ngày đó.
Những người làm ra ngày Chiến thắng này cũng phải được tôn vinh vì chính họ đã không chỉ chấm dứt được sự đau thương tang tóc mà còn mang lại hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế cho đất nước Campuchia. Những ai còn cố tình không thừa nhận ý nghĩa lịch sử của nó, cần có sự nhìn nhận khách quan và trân trọng sự kiện lịch sử này của dân tộc.
(Theo Nhật báo Campuchia ngày 5/1/2009) |
Nhất Phong