Một canh quan họ vào ngày hội tại nhà anh hai Bể, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, Bắc Ninh. |
Có phải lỗi tại người nghe?
"Canh hát đêm trước hội anh hai Chiến ra câu hay quá. Nhiều bài mình với hai Li mười mấy năm không hát, nay thấy anh hai ra câu, lúng túng mãi mới nhớ được lời", chị hai Dự, chị hai quan họ nức tiếng vùng Lim, nói với tôi về canh hát quan họ của hội Lim mấy tháng trước.
Nhưng những sự tán thưởng của cả trăm người đến rồi đi, đông chật trong ngoài sân nhà anh hai Bể vào canh hát mà chị Dự nhắc đến đã không nói lên điều đó. Lời khen sau những bài quan họ không dễ được nghe như "Trống rồng"/"Bóng hồng", "Tưởng nhớ về người"/"Gió mát giăng thanh"… cũng chỉ vội vàng như với những bài thông thường khác. "Mình hát một bài khó, mà người nghe không biết, thì buồn và chán lắm", chị hai Li nói.
Chỉ vài năm trước đây, điều đó chưa xảy ra. Những ngày hội khi đó, canh hát quan họ ở nhà anh hai Bể chỉ dành cho một số ít người yêu thích và có hiểu biết nhất định về quan họ. Khách được các gia đình mời đến từ chiều, cùng ăn một bữa cơm quan họ. Anh hai, chị hai không uống rượu, nhưng vẫn nâng chén mời khách. Mời khách một chén, anh hai ca một câu. Gắp cho khách một miếng, chị hai ca một câu. Rượu cứ đó mà không ai uống, cơm còn đầy mà ít người ăn, vì ngỡ ngàng, vì say mê.
Cái thân tình ấy, người quan họ không dành riêng cho người đã có tình thân. Gần chục năm trước, khi còn học đại học, được một người bạn từ Nội Duệ mời đến hội, tôi ngỡ ngàng khi bước vào một khoảng sân chật những khách. Sau mới biết, người quan họ coi rằng ngày hội đầu xuân, nhà nào càng mời được nhiều khách, nhà ấy càng có nhiều phúc đức suốt năm. Đọc các tài liệu điền dã cũng thấy có ghi các tập tục xưa của vùng quan họ, đến ngày hội, người đi đường qua đó cũng được anh hai, chị hai kéo tay mời vào nhà ăn một bữa, nên duyên một bữa.
Nhưng cái kéo tay ấy, nay không còn nữa. Vài năm nay, những canh hát đêm hội mà chị hai, anh hai vừa ca câu giã bạn vừa rơm rớm nước mắt cũng không còn nữa. Không phải cái thân tình của người quan họ không còn, mà là vì những điều khác.
Những canh hát quan họ đang trở thành món lạ hấp dẫn với ngày càng nhiều du khách. Đến rồi đi trong những canh hát tại các gia đình nghệ nhân, hàng trăm người trong đó phân nửa là phóng viên các báo đài hững hờ trước những bài hát, và thi nhau hỏi các câu ngô nghê một cách không hề cố ý. Có nản lòng không cho các nghệ nhân tài danh nếu người nghe chỉ biết từ "Ngồi tựa mạn thuyền" cho đến "Người ở đừng về" là hết. Đêm hát canh là đêm thi đối đáp, ganh tài ganh sắc cũng là ở ai biết nhiều bài hay bài khó. Nhưng hát đấy, mà người nghe… biết đấy là đâu?
Khi người nghe không lắng lại để nghe, thì những điều xô bồ đã xảy ra.
Chạy đua kiếm tiền
Hôm chúng tôi đến, thứ Sáu tuần trước, dù là ngày làm việc không có đông du khách nhưng lịch biểu diễn của Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn kín mít. Trong tờ chương trình buổi diễn lúc 10 giờ sáng của một nhóm gần chục nghệ sĩ đã kèm luôn lịch "chạy sô" vào 3 giờ chiều của họ. Chiếc nón ba tầm và cái ô đen được các nghệ sĩ này sử dụng điệu nghệ với tư cách là một đạo cụ sân khấu, còn trang phục quan họ như áo năm thân hay khăn mỏ quạ thì đã bị thay thế hoàn toàn bằng quần áo trên sân khấu chèo, mà không hề nói với khán giả về điều đó.
Và những sự xô bồ cũng thắng thế ở cả "quan họ làng" vẫn được coi là nhiều đậm đà, duyên dáng nhất. Một vài canh hát được tổ chức không đúng lề luật vẫn đàng hoàng thu hút người đến nghe. Gặp Trung, một sinh viên ngoại ngữ, sau một canh hát vội vã như thế, cậu này khăng khăng với tôi là hát quan họ không có gì khó, cứ có lời là bản thân cậu cũng hát được lập tức. Không biết trả lời ra sao, bởi vì như những gì chúng tôi đã được nghe thì cậu sinh viên này nói đúng.
Trong rất nhiều canh hát hiện nay, phần hát lề lối khó nhất và thường được coi là tiêu chí để đánh giá sự chuẩn mực của một canh hát quan họ có thể dễ dàng bị bỏ qua, thay vào đó, sau khi “Mời nước, mời trầu”, người ta bắt đầu ngay những bài nhạc mới nói về hạt lúa củ khoai và đủ thứ khác, miễn có chất "quê quê" là được. Không những không có "lưng vốn" một vài trăm bài hát đủ để tham gia một cuộc hát đối đáp, mà hầu hết các nghệ sĩ trẻ không làm được một yêu cầu cơ bản là bắt được giọng "La rằng", một giọng lề lối, cho thật vang, rền, nền, nẩy (một tiêu chuẩn tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt của giọng ca quan họ), trong khi người vùng quan họ trước kia vẫn cho rằng không làm được điều này thì đừng có mà nói chuyện ca quan họ!
Nếu nói rằng việc bảo tồn quan họ có thể dựa hoàn toàn vào các nghệ nhân cao niên thì, có lẽ, cũng là một mong muốn duy ý chí. Bà Nguyễn Thị Hẹn, Phó giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa quan họ, nhận xét rằng không mấy người cao tuổi ở Bắc Ninh hiện nay đã từng tham gia một bọn quan họ đích thực khi xưa, bởi vì khi vùng quan họ còn hát thì họ vẫn là những đứa trẻ, khi những đứa trẻ lớn lên thì chiến tranh đã khiến đất hát này nhiều năm thôi hát.
Nhưng thay vì gấp rút sưu tầm và truyền bá những gì còn lại, nhiều người vẫn đang mải mê kiếm tiền từ quan họ, bất chấp việc những buổi biểu diễn vội vàng đang làm người nghe sau khi đã hết tò mò thì tặc lưỡi rằng, việc yêu thích và bảo tồn quan họ, có lẽ, chỉ là chuyện của giới nghiên cứu mà thôi.
Hồ sơ Dân ca quan họ Bắc Ninh đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được gửi đi từ tháng 9/2008 và các thông tin bổ sung đã được gửi vào tháng 1/2009. Theo thông tin từ Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, bộ hồ sơ trên sẽ được UNESCO bắt đầu xét duyệt từ tháng 5/2009 và kết quả chính thức sẽ có vào tháng 9/2009.
Ngoài quan họ, Việt Nam cũng đang đệ trình UNESCO công nhận một di sản phi vật thế khác là ca trù của người Việt, hồ sơ di sản này đã được đệ trình từ tháng 3/2009. Hiện nay, Việt Nam có 2 di sản đã được đưa vào danh sách di sản phi vật thể của thế giới là Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. |
Tuấn Khanh