Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí cả nước vào sáng ngày 17/6 tại Phủ Chủ tịch. |
Đến dự cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015) có các nhà báo lão thành, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các Tổng giám đốc, Tổng biên tập các cơ quan báo chí lớn trong cả nước.
Trong không khí hết sức cởi mở và ấm áp, nhà lãnh đạo đất nước và đại diện những người làm báo đã chia sẻ những tình cảm tự hào về truyền thống cũng như nhiều nỗi băn khoăn giữa thời cuộc... để báo chí cách mạng hôm nay tiếp bước cha anh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt 90 năm qua, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh niên, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện rõ vai trò xung kích đi đầu của người làm báo cách mạng, nhất là ở những giai đoạn bước ngoặt quan trọng của đất nước... Những người làm báo cách mạng Việt Nam qua các thế hệ luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi nhà báo là một chiến sỹ cách mạng và cây bút, trang giấy chính là vũ khí đấu tranh sắc bén.
Báo cáo về những bước phát triển vượt bậc của nền báo chí cách mạng nước nhà thời gian qua, ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí, trên 1.100 ấn phẩm báo, tạp chí, trong đó có những "binh chủng" thông tin rất hùng hậu, trang bị phương tiện hiện đại, hội đủ nhiều loại hình báo chí, phát sóng rộng khắp như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…
Hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, phát hiện tôn vinh gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Đồng thời đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Ngoài những thành tựu đạt được, báo cáo của Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo cũng nêu rõ những hạn chế của báo chí hiện nay. Một số tờ báo chạy theo lợi nhuận, nhiều tờ báo đã xa rời tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng, đưa tin không lành mạnh, thông tin giật gân, câu khách làm ảnh hưởng chung đến nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, các nhà báo lão thành Hữu Thọ, Đỗ Phượng, Phan Quang... cho rằng, báo chí cách mạng Việt Nam là một phần quan trọng trong ba chủ thể của đất nước: Đảng, Nhà nước và nhân dân. Báo chí tuyên truyền chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và báo chí cũng là tiếng nói của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Chính vì thế, những người làm báo hơn ai hết phải nâng cao phẩm chất chính trị, nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, lắng nghe những trăn trở của nhân dân, truyền tải nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, với Nhà nước, để xứng đáng là đại diện cho cả ba chủ thể trên, có như vậy nhà báo mới hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách của mình.
Đề cập vấn đề báo chí trong thời kỳ của mạng xã hội và Internet, lãnh đạo một số cơ quan báo chí cho rằng, báo chí chính thống đang phải cạnh tranh gay gắt với các trang mạng xã hội. Để cạnh tranh và phát triển thì các cơ quan báo chí phải tập trung phát triển báo điện tử đa phương tiện, nhưng trên thực tế nguồn thu của báo điện tử lại rất hạn hẹp. Vì vậy, để phát triển báo điện tử, cần phải có sự quan tâm của Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng như đầu tư cơ sở vật chất, tạo nguồn thu chính đáng cho báo điện tử để đáp ứng yêu cầu đa phương tiện nhằm cạnh tranh với các trang mạng khác.
Lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng và cả kiến nghị của các nhà báo lão thành và đại diện các cơ quan báo chí, Chủ tịch nước mong muốn những người làm báo cách mạng trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng trên mặt trận tư tưởng, luôn hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Những người làm báo không chỉ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, định hướng dư luận mà còn có những phát hiện, phản biện tích cực trước những vấn đề của đất nước, vấn đề dân sinh bức xúc.
Báo chí và những người làm báo cần phát huy bản lĩnh cách mạng, đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời đến toàn thể xã hội; giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiểu và nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Trong tình hình mới, báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa trong mặt trận đấu tranh với cái xấu; phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, tuyên truyền đại hội Đảng các cấp, tiến tới tuyên truyền thành công đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Hoàng Hạnh