📞

Sự trở lại thú vị của cựu Thủ tướng Slovakia

Lưu Huỳnh 16:13 | 02/10/2023
Chiến thắng cho đảng Dân chủ xã hội (Smer-SD) của cựu Thủ tướng hai nhiệm kỳ, ông Robert Fico, có thể mang đến thay đổi đáng chú ý cho đất nước Đông Âu.
Người dân Slovakia thực hiện quyền công dân ngày 30/9. (Nguồn: AFP/AP)

Chiến thắng không bất ngờ

Ngày 30/9, Slovakia tổ chức bầu cử Quốc hội, với điểm nhấn xoay quanh khả năng cựu Thủ tướng Robert Fico trở lại sau 5 năm vắng bóng.

Ngày 1/10, với kết quả kiểm phiếu gần hoàn tất, kịch bản đang rõ ràng hơn bao giờ hết: Đảng Smer-SD giành 23,3% số phiếu bầu. Phong trào cấp tiến Slovakia (PS) của Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Michal Simecka đứng thứ hai với 17% số phiếu, còn đảng Tiếng nói-Dân chủ xã hội (Hlas-SD) xếp ngay sát với 15%. Năm đảng khác thu thập đủ 5% số phiếu để tham gia vào Quốc hội Slovakia.

Chiến thắng của ông Fico không bất ngờ, khi nó phản ánh thái độ của cử tri về chính phủ do PS lãnh đạo trước dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine và lạm phát tại quốc gia 5,5 triệu người này. Tỷ lệ bỏ phiếu tới 68%, cao nhất 20 năm qua, cho thấy sự quan tâm của người dân về tình hình của Slovakia.

Phát biểu ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Robert Fico khẳng định, một trong các ưu tiên hàng đầu của chính phủ do mình lãnh đạo là triển khai biện pháp kiểm soát người nhập cư ở biên giới với Hungary. Ông nêu rõ: “Một trong những quyết định đầu tiên trong Chính phủ của tôi sẽ là gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới với Hungary, dù đó có thể không phải một bức tranh đẹp”.

Về phần mình, ông Michal Simecka tuyên bố, đảng này vẫn còn khả năng thành lập liên minh cầm quyền, dù chỉ về thứ hai. Chính trị gia này nhấn mạnh PS sẽ tích cực nỗ lực ngăn chặn đảng Smer-SD lập chính phủ mới. Theo ông Simecka, đảng Hlas-SD do cựu thành viên Smer-SD Peter Pellegrini sáng lập sẽ là nhân tố quyết định xem đảng nào đứng ra thành lập chính phủ tiếp theo ở Slovakia.

Tuy nhiên, với kết quả bầu cử vừa qua, ông Fico đang có cơ hội lớn để trở lại vị trí Thủ tướng Slovakia. Trước thềm bầu cử, Tổng thống Zuzana Caputova, một trong những người sáng lập PS, cho biết sẽ giao trọng trách cho bên chiến thắng, tập hợp đa số trong Quốc hội 150 ghế, để thành lập chính phủ.

Chuyên gia Grigorij Meseznikov, người đứng đầu Viện Vấn đề công ở Bratislavia nhận định: “Các cuộc đàm phán chưa bắt đầu, song khả năng liên minh Smer-Hlas-SNS nắm quyền là rất cao”. Theo kịch bản này, đảng Smer-SD, hiện sở hữu 42 ghế, có thể liên minh Hlas-SD và Đảng Quốc gia Slovak (SNS) để giành lần lượt là 27 và 10 ghế, đạt mức quá bán cần thiết về thành lập chính phủ.

“Một trong những quyết định đầu tiên trong Chính phủ của tôi là gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới với Hungary, dù đó có thể không phải một bức tranh đẹp”. (Cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico nói về ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới do ông lãnh đạo)

Cứng và mềm

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn ông Fico trở lại. Trong hai nhiệm kỳ của chính trị gia này (2006-2010, 2012-2018), Slovakia chứng kiến tăng trưởng kinh tế, song đối mặt không ít các vấn đề xã hội. Năm 2018, ông Fico đã phải từ chức sau áp lực từ tuần hành liên quan đến cái chết nhiều nghi vấn của nhà báo Jan Kuciak.

Về đối ngoại, chính trị gia này có quan hệ tốt với Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi cả hai duy trì thái độ cứng rắn với Liên minh châu Âu (EU) cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức cùng cơ chế khu vực mà Bratislavia và Budapest đều là thành viên. Lập trường cứng rắn của Slovakia, Hungary và sắp tới có thể là Ba Lan, sẽ trở thành lực cản với EU và NATO, nhất là trong sự ủng hộ và viện trợ cho Ukraine.

Sự kết hợp giữa ông Robert Fico (phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái), hai chính trị gia có lập trường cứng rắn, có thể khiến EU, NATO cũng như Ukraine gặp khó. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Cựu Thủ tướng Robert Fico nhiều lần phản đối viện trợ quân sự cho Kiev, đồng thời nhấn mạnh rằng, chính các thế lực cực đoan tại đây đã dẫn đến xung đột Nga-Ukraine. Đáng chú ý, lập trường của chính trị gia này về Ukraine phản ánh xu thế hiện nay tại Slovakia: Khảo sát mới đây của GlobSec, trung tâm nghiên cứu về các vấn đề an ninh tại Bratislava cho thấy có chỉ có 40% cho biết Nga phải chịu trách nhiệm về tình hình ở Ukraine và 50% coi Mỹ mới là mối đe dọa an ninh lâu dài. Con số này tương phản với nước láng giềng Czech, nơi có 71% tin rằng xứ bạch dương đã khơi mào cho xung đột, hiện vẫn diễn biến quyết liệt ở Ukraine.

Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng, sự tham gia của đảng Hlas-SD, do ông Peter Pellegrini, chính trị gia có lập trường thân châu Âu, góp phần mang đến sự ôn hòa cần thiết cho các chính sách dưới thời ông Fico.

Còn số khác lại tin tưởng khi đã đạt được mục tiêu, cựu Thủ tướng Slovakia cho thấy cách tiếp cận phù hợp hơn. Ông Milan Nic, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức (Đức), nhận định: “Ông ấy hiểu rõ rằng, Slovakia cần tiếp cận nguồn vốn của EU. Vì thế, ông ấy sẽ không làm gì khiến cho bị thu hút sự chú ý hay soi mói”. Chuyên gia Meseznikov có phần thận trọng hơn, nhấn mạnh ngay cả khi ông Pellegrini “có thể mang đến sự ôn hòa trong một số chính sách, song Smer và SNS vẫn sẽ là thế lực chủ đạo”.

Diễn biến tiếp theo ở Bratislava sau cuộc bầu cử ngày 30/9 tiếp tục nhận được sự quan tâm của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.