📞

Sức ép thương mại của Mỹ bắt đầu phát huy tác dụng?

21:20 | 25/12/2018
Trung Quốc đã quyết định điều chỉnh mức thuế quan kể từ ngày 1/1/2019, đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là hủy thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thay thế cho đậu nành dùng làm thức ăn gia súc, hay một số thành phần dùng để chế tạo dược phẩm. Phải chăng sức ép của Mỹ về thương mại bắt đầu có kết quả cụ thể?

Bắc Kinh cũng sẽ duy trì mức thuế nhập khẩu tương đối thấp đối với động cơ phản lực. Về xuất khẩu, Trung Quốc sẽ không áp thuế đối với 94 sản phẩm, từ phân bón, quặng sắt, cho đến than đá, bột gỗ... Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục giảm thuế cho các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin.

Mục tiêu của việc điều chỉnh thuế quan là nhằm thúc đẩy ngoại thương vào lúc nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chỉ còn 6,5% trong quý III, một tỷ lệ chậm nhất kể từ năm 2008 đến nay và được cho là sẽ còn chậm hơn vào năm tới 2019 do tranh chấp thương mại với Mỹ.

Đe dọa chiến tranh thương mại có thể chỉ là một công cụ để các bên thực hiện được bài toán lợi ích của mình. (Nguồn: CNN)

Về cuộc chiến thương mại với Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/12 cho biết hai Thứ trưởng Thương mại Mỹ và Trung Quốc ngày 21/12 đã có trao đổi quan điểm “sâu sắc” qua điện thoại về tình trạng mất cân bằng thương mại, cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hai vấn đề mà Washington buộc Bắc Kinh phải sửa đổi. Theo nguồn tin trên, hai bên “đã đạt được tiến bộ mới” trên các vấn đề đó, nhưng không cho biết chi tiết.

Tuy nhiên, theo báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh dường như đang trên đường đáp ứng các đòi hỏi của phía Mỹ, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc kể từ ngày 23/12 đã bắt đầu xem xét một dự luật mới về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó có việc cấm ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các công ty nội địa Trung Quốc bằng các biện pháp hành chính - một trong những đòi hỏi của Washington.

Đáng chú ý nhất là hai yếu tố trong dự luật đầu tư này, ngăn chặn việc ép buộc chuyển giao công nghệ, đồng thời cho các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những quyền lợi như các doanh nghiệp Trung Quốc, trong hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ một số lĩnh vực then chốt nằm trong một danh sách cấm nước ngoài. Mỹ và Liên minh châu Âu lâu nay vẫn tố cáo Trung Quốc là không cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường một cách công bằng như các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ và “đánh cắp” sở hữu trí tuệ còn rất phổ biến.

Liên quan đến vấn đề này, tờ Nhân dân Nhật báo số ra mới đây cho biết những điều kiện hợp tác công nghệ liên quan đến đầu tư nước ngoài cần được quyết định bởi tất cả các bên thông qua đàm phán. Các cơ quan công quyền và quan chức không có quyền sử dụng các biện pháp hành chính nhằm bắt buộc chuyển giao công nghệ. Quy định cấm mới nhất này được đưa ra trong nỗ lực làm giảm đi những lo ngại lớn của Washington khi cả Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc đối thoại giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại dự kiến phải được hoàn thành trước ngày 1/3/2019 tới. 

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Showen từng khẳng định Bắc Kinh giữ quan điểm cho rằng hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp được thực hiện một cách tự nguyện dựa trên sự đồng thuận chung mà không có sự can thiệp của chính phủ. Trong lúc phía Trung Quốc ngày một thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các doanh nghiệp phương Tây, chính quyền Trump lo ngại rằng các đối thủ Trung Quốc có thể sẽ giành được thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao nếu những hành vi hiện nay vẫn tiếp diễn. 

Mặc dù dự thảo luật mới của Trung Quốc khuyến khích hành vi hợp tác công nghệ dựa trên các quy định về kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm của các doanh nghiệp nước ngoài, từ "hợp tác" có thể vẫn đồng nghĩa với việc "buộc" phải chuyển giao công nghệ. 

(theo Reuters)