Hoa hậu Việt Nam Hoàn vũ 2006 Linda Vi Trâm Nguyễn (đứng giữa hàng trên). |
Người “nối cầu” cho văn hóa Việt
Người gốc Việt thành đạt ở Mỹ có rất nhiều, nhưng đã nói đến lĩnh vực giải trí ở Mỹ, rất nhiều người biết đến Công ty Giải trí Kim Lợi của ông Thành Nguyễn. Trước 1975, giới nhạc trẻ tại Sài Gòn đều biết đến Nguyễn Thành, tự Thành Hammer - một tay guitar nổi tiếng trong giới nhạc trẻ cùng thời với Elvis Phương, Trường Kỳ, Nam Lộc, Lê Hựu Hà, Jo Marcel, Duy Quang…
Nhiều ca sĩ Việt Nam thành danh tại hải ngoại đã từng bước ra từ những hợp đồng biểu diễn ký với Công ty Kim Lợi. Không chỉ tổ chức biểu diễn ca nhạc, sản xuất băng, dĩa ca nhạc, năm 2006, Thành Nguyễn và Công ty Giải trí truyền thông MFC Media USA bắt đầu “lấn sân” sâu hơn vào lĩnh vực giải trí toàn cầu khi bắt tay với “người khổng lồ” trong lĩnh vực giải trí, đó là Tập đoàn MGM để tổ chức các cuộc thi Hoa hậu cho người Việt sinh sống trên toàn cầu - cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Hoàn Vũ (Miss VietNam Global).
MGM ra đời từ 1924 và phim hoạt hình mà hầu như trẻ em Việt Nam nào cũng thích xem là “Tom and Jerry”, đó chỉ là một trong hơn 4.000 bộ phim nhựa được MGM thực hiện. Hiện MGM là một trong 7 tập đoàn sản xuất phim và chương trình truyền hình lớn nhất thế giới. Hiện, MGM đặt tổng hành dinh tại Las Vegas, Mỹ.
Được làm việc với MGM đã là niềm hãnh diện cho những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, được trở thành đối tác một chương trình truyền thống của MGM như ông Thành đang làm hiện nay, quả là rất khó.
Để trở thành đối tác tổ chức cuộc thi sắc đẹp người Việt toàn cầu tại Mỹ với sự bảo hộ thực hiện của Tập đoàn giải trí MGM, ông Thành, ngoài việc phải chứng minh thu nhập bình quân đã phải chứng minh nhiều khả năng nổi trội của mình, trong đó khả năng tổ chức các chương trình truyền hình trực tiếp toàn cầu và chất lượng sản xuất DVD.
Cuộc thi Miss VietNam Global (Hoa hậu Việt Nam Hoàn vũ) năm 2006, lần đầu được MGM và MFC Media USA (đây là đơn vị hợp tác với Công ty Bạn Yêu Nhạc – MFC Việt Nam tại Mỹ) tổ chức tại Grand Garden Arena, thuộc tổ hợp casino nổi tiếng của MGM tại Las Vegas với hơn 5.000 người tham dự.
Linda Vi Trâm Nguyễn, 22 tuổi sinh sống tại Seattle (bang Washington) đoạt vương miện nhờ những câu trả lời bằng tiếng Việt trôi chảy, nhất là khi cô nói về chữ “Hiếu” trong đạo lý người Việt.
Năm 2007, cuộc thi được tổ chức tại Mandalay Bay, một tổ hợp casino nổi tiếng khác của MGM Mirage, tại Las Vegas với hơn 6.000 người tham dự. Và, cô Jennifer Lê, 17 tuổi, sinh sống ở TP Kent, bang Washington đã đạt vương miện Hoa hậu Việt Nam Hoàn vũ 2007 cũng với khả năng trình bày bằng tiếng Việt về sự mong muốn được trở về quê hương hoạt động xã hội.
Sau hai lần tổ chức thành công, MGM đã đồng ý bảo trợ cuộc thi Miss VietNam Global 2008 vào ngày 5-7-2008 tại một sân khấu sang trọng hơn, hoành tráng hơn các năm trước, đó là Đại hí viện MGM Grand Casino tại Las Vegas, Nevada, Mỹ.
Hoa hậu Việt Nam Hoàn vũ 2008 sẽ được nhận giải thưởng là 22.000 USD và nhiều tặng phẩm giá trị khác. Cuộc thi cũng có nhiều giải phụ giá trị, ngoài hai giải Á hậu.
“Hoa hậu Việt Nam Hoàn vũ” là cuộc thi do ông Thành Nguyễn đề xướng tổ chức và hiện đang là hoạt động văn hóa đậm chất Việt Nam ở hải ngoại mà cộng đồng người Việt trẻ tuổi trên toàn thế giới thích thú và tích cực tham gia, bởi các thí sinh sẽ trả lời nhiều câu hỏi ứng xử bằng tiếng Việt.
Theo ông Thành Nguyễn, đó cũng là cách khuyến khích và đưa các bạn trẻ gốc Việt đang sinh sống trên toàn thế giới quay về cội nguồn một cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần tích cực. Và, theo ông có thể sẽ có một phần thưởng phụ khác trong cuộc thi Miss VietNam Global 2008 đó là chuyến về Việt Nam dành cho 10 người đẹp nhất của cuộc thi này.
Những người giữ hồn Việt
Có khách Việt Nam đến nhà, cha mẹ có con nói được tiếng Việt rất thích gọi con cái ra chào hỏi, trò chuyện với khách bằng tiếng Việt, bởi “nói giỏi tiếng Việt” đang là chuẩn để gia đình gốc Việt ở Mỹ hãnh diện.
30 năm qua, cộng đồng người gốc Việt tại Mỹ ngày một đông hơn và số người thành đạt cũng ngày một nhiều hơn. Nhiều người gốc Việt đã tham gia chính trường Mỹ, nhiều triệu phú Mỹ là người gốc Việt, nhiều sinh viên, học sinh giỏi người gốc Việt được vinh danh trên đất Mỹ. Điều này chứng tỏ năng lực hội nhập, sự thông minh và tính cần cù của những người gốc Việt trên đất Mỹ.
Cô Krystine Đỗ, tình nguyện viên dạy tiếng Việt ở Mỹ và gia đình |
Bên cạnh những thành đạt, nỗi ưu tư của hai thế hệ người gốc Việt sinh sống tại Mỹ đó là việc con em họ quên tiếng mẹ đẻ. Hơn chục năm qua, phong trào nói tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình đang được người gốc Việt thế hệ thứ nhất và thứ hai tích cực đẩy mạnh.
Nhiều trung tâm dạy tiếng Việt được mở tự nguyện bởi những người tình nguyện gốc Việt như Trung tâm Văn Lang, Lạc Hồng, Xuân Thu,… và các nhà thờ, chùa tại nhiều bang của Mỹ cũng đã trở thành trung tâm gặp gỡ của các gia đình gốc Việt, cuối tuần. Bởi thứ bảy, chủ nhật là ngày họ đưa con đi học tiếng Việt.
Ở các lớp học tiếng Việt có không ít thanh niên 18-20 tuổi mới bắt đầu học vỡ lòng nhưng cũng có những cháu bé tí đã nói viết tiếng Việt rất sõi. Sách giáo khoa dùng để dạy ở các trung tâm ấy được nhiều nhà giáo biên soạn lại theo các sách giáo khoa trước 1975, như: Quốc văn Giáo khoa thư, lịch sử, địa lý Việt Nam… Trong một cửa hàng sách ở khu Phúc Lộc Thọ (quận Cam) chúng tôi thấy rất nhiều sách giáo khoa biên soạn lại thành song ngữ không chỉ để các cháu dễ học mà còn để cha mẹ củng cố thêm vốn từ và nhớ về Việt Nam hơn.
Chúng tôi có may mắn được ở trong nhà Krystine Đỗ, tên Việt là Đỗ Mai Vân Quỳnh - là một tình nguyện viên tích cực trong công tác dạy tiếng Việt cho trẻ gốc Việt hơn 10 năm qua tại khu vực Bắc California và dù ở Mỹ chúng tôi vẫn ngỡ mình đang ở VN, vì cả nhà cô đều dùng tiếng Việt trong sinh hoạt.
Krystine Đỗ sang Mỹ từ năm 12 tuổi, được một gia đình gốc Việt nhận nuôi dưỡng và ở trong gia đình ấy, Krystine đã học được bao điều tốt đẹp về quê hương Việt Nam, đặc biệt là việc dùng tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình.
Gần 30 năm sống ở Mỹ, món quà mà Krystine thích nhất đó là những quyển sách tiếng Việt mà mọi người tặng cô. Trở lại chuyện dạy tiếng Việt ở Mỹ, để khuyến khích các em nhỏ thích học tiếng Việt hơn, Krystine cùng các người lớn tuổi trong trung tâm Việt ngữ Văn Lang đã nghĩ ra cuộc thi “Thiếu nhi tài sắc” dành cho các học sinh từ 8 đến 15 tuổi.
Các thí sinh sẽ phải trả lời bằng tiếng Việt các câu hỏi về lịch sử, địa lý Việt Nam, các ứng xử đời thường bằng tiếng Việt và thi đàn hoặc hát các ca khúc Việt Nam. Có em khi được Ban giám khảo hỏi: “Ba em tên gì?”, đã nói “Ba tên - Anh ơi” (?!), “Thế mẹ em tên gì?” , “Tên là - Em ơi” (?!).
Ở các lớp dạy tiếng Việt cũng có những bài văn rất khôi hài vì chép theo văn mẫu, đại loại như: “Nhà em có nuôi một ông nội…”, hoặc “Vũng Tàu ở Ấn Độ Dương”, đã khiến cha mẹ giật mình và càng thôi thúc họ chú ý việc sử dụng dùng tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình. Đến nay, cuộc thi “Thiếu nhi tài sắc” ở Bắc California đã có 300 em dự thi hàng năm.
Có nhiều nguyên nhân để tiếng Việt bị lãng quên ở những gia đình gốc Việt sinh sống tại nhiều nơi trên thế giới. Ban đầu là việc họ lo sợ con cái họ không thể hòa nhập vào với cộng đồng bản xứ nên ngày ấy, những đứa trẻ gốc Việt nói tiếng bản xứ giỏi là một hãnh diện và vui mừng của cha mẹ.
Nhưng bây giờ đã khác, cộng đồng người Việt ở Mỹ đang tìm cách đưa con em họ trở về với quê hương Việt Nam bằng ngôn ngữ mẹ đẻ trong những câu chuyện thường ngày. Đó chính là sức hút mạnh mẽ của nguồn cội Việt Nam!
Theo SGGP