Giới kịch nghệ chưa bao giờ hết ngạc nhiên về Trong khi chờ đợi Godot của Samuel Beckett. Được công diễn lần đầu vào năm 1953 tại Paris, tên tuổi Beckett trở nên nổi tiếng và không lâu sau, vở kịch này được dịch và diễn trên khắp thế giới.
Cho đến nay, số lượng triết gia bình chú về Beckett và tác phẩm của ông vẫn không ngừng tăng lên. (Nguồn: Nhã Nam) |
Có lẽ, không vở kịch nào có tác động mạnh mẽ như thế trong thế kỷ XX. Mặc dù được tán dương khắp các lục địa, tác phẩm vì bản chất đột phá của nó, vẫn có vẻ khó đọc với đám đông.
Bởi đây là một vở kịch phi lý, còn được gọi là “phản kịch”, do nó từ bỏ cốt lõi của kịch truyền thống: Không xây dựng tính cách nhân vật, không hành động, không xung đột, không có thắt nút hay cởi nút, cốt truyện hầu như không có gì, lời thoại cũng mơ hồ, dông dài.
Vở kịch gồm 2 hồi. Ở hồi 1, hai nhân vật Vladimir và Estragon gặp nhau bên một cái cây trụi lá, trên một con đường ở nông thôn vào buổi chiều muộn. Họ chờ đợi một người tên là Godot.
Trong lúc chờ đợi, họ tán chuyện, ăn, rủ nhau treo cổ lên cái cây. Họ gặp Pozzo - một ông chủ có vẻ tàn bạo ngang ngược, và Lucky - một lão bộc trông già nua khốn khổ. Godot cử một cậu bé tới nhắn rằng hôm đó ông ta không đến nhưng nhất định hôm sau sẽ đến.
Hồi hai của vở kịch không hẳn là giống hệt hồi thứ nhất, nhưng cơ bản các chuỗi hành động vẫn lặp lại như vậy, các sự kiện xảy ra cũng tương tự. Cũng vào chiều muộn như thế, cũng vẫn chỗ cũ, chỉ khác là cây đã có vài cái lá, Vladimir và Estragon vẫn đợi, đùa cợt, nhảy nhót, nói liên thiên. Họ lại gặp Pozzo và Lucky.
Godot gửi một người đưa tin đến - vẫn là cậu bé hôm qua - báo rằng mình sẽ không đến. Hai kẻ đợi chờ định treo cổ nhưng dây đứt. Họ tuyên bố sẽ rời đi, nhưng vẫn không hề nhúc nhích.
Và rồi, vở kịch kết thúc.
Như vậy, tác phẩm xoay quanh một tình huống phi lý, không có nguyên nhân, kết quả, không có xung đột: Vladimir và Estragon chờ đợi Godot, ngày này qua ngày khác, ở cùng một địa điểm. Kịch kết thúc, Godot vẫn không đến.
Godot là ai, chờ Godot để làm gì, tại sao Godot không đến, tất cả những điều này đều không được lý giải. Tính cách nhân vật không được xây dựng rõ ràng, trong khi các hành động thì cường điệu, lố bịch, vô nghĩa, thoại có lúc dông dài, có lúc cộc lốc.
Kể từ khi Trong khi chờ đợi Godot ra đời, người ta chú ý rất nhiều đến hành động chờ đợi, rồi cũng đã tranh cãi rất nhiều về Godot.
Ngày nay, thông tin cơ bản về tác phẩm nói riêng và Samuel Beckett nói chung dày đặc trên Internet, bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cố nhà văn Samuel Beckett từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1969. (Nguồn: Getty Images) |
Sự đa dạng và giàu có đó không phải chỉ vì Beckett vốn là con người của nhiều nền văn hóa (sinh tại Ireland, sống và làm việc ở vô số quốc gia, viết song ngữ Anh-Pháp, qua đời tại Paris); hay tác phẩm được giảng dạy chính quy ở nhiều chương trình phổ thông, đại học, sau đại học, mà còn vì Trong khi chờ đợi Godot đã truyền cảm hứng, hoặc làm tốn bao nhiêu giấy mực bình chú của những nhà văn và triết gia quan trọng nhất như Italo Calvino, Oe Kenzaburo, O'Brien...
Oe Kenzaburo - nhà văn Nhật Bản thứ hai, sau Kawabata, được trao giải Nobel Văn học (năm 1994), kể rằng trong khi hoàn tất bộ 3 tiểu thuyết của mình, ông đã đọc bộ 3 tiểu thuyết của Beckett để tìm kiếm khả năng sống sót của thể loại tiểu thuyết.
Các triết gia Pháp lâu nay vẫn không ngừng đọc Beckett. Trong số những gương mặt triết gia sớm nhất khởi sự đi tìm một cách đọc Beckett mới, có thể kể đến Gilles Deleuze.