📞

Tam giác Mỹ-Trung-Israel có 'kỳ quặc' như vẻ bề ngoài?

16:44 | 27/05/2020
TGVN. Những gì diễn ra trong tam giác quan hệ Mỹ-Trung-Israel đều không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà đều là tính toán chiến lược của cả 3 phía. 
Mỹ không thích Israel quá gần gũi với Trung Quốc. (Nguồn: Getty Image)

"Sân khấu" giữa hai siêu cường

Mỹ, Trung Quốc và Israel cùng nhau tạo thành một tam giác kỳ quặc. Mảnh đất nhỏ bé của nhà nước Do Thái, vốn luôn bị đe dọa diệt chủng, dường như không phù hợp với bộ đôi hai cường quốc có diện tích lớn bằng một châu lục và đang thống trị nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, điều khiến cho mối quan hệ ba bên này trở nên thú vị, đó là nhiều quốc gia nhỏ sẽ sớm nhận ra rằng họ cũng rơi vào vị trí giống như Israel ngày nay - trở thành sân khấu cho mối quan hệ giữa hai siêu cường.

Năm 2013, Trung Quốc công bố Sáng kiến “Vành đai và Con đường" để nước này kết nối tốt hơn với Tây Âu. Israel, một quốc gia ổn định nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, luôn khoe rằng họ sở hữu môi trường kinh doanh đáng tin cậy và một lực lượng lao động có tay nghề đã trở thành điểm đến rất hấp dẫn của giới đầu tư.

Sự hấp dẫn này xuất phát từ cả hai phía. Vốn là nạn nhân của sự tẩy chay kinh tế và ngoại giao kể từ khi được thành lập, Israel từ lâu đã tìm cách hội nhập vào nền kinh tế khu vực và cải thiện các mối quan hệ ngoại giao của mình. Hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ một dự án cơ sở hạ tầng hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành tựu quan trọng cho Israel trong cả hai lĩnh vực nói trên.

Về phần mình, Mỹ đã có 8 năm đẩy Israel ra xa. Nếu một tổng thống Mỹ tin rằng, việc giữ khoảng cách với Israel hoặc bất kỳ một đồng minh truyền thống nào là điều có lợi cho nước Mỹ, thì vị tổng thống đó sẽ theo đuổi một chính sách như vậy. Tuy nhiên, ở vị thế một đồng minh liên tục bị thách thức và bị "xua đuổi", cuối cùng, họ sẽ hiểu ra vấn đề và bám theo những lợi ích riêng.

Cựu Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo Israel rằng nước này không thể phụ thuộc vào nước Mỹ. Mặc dù vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Israel, song chính quyền Tổng thống Obama liên tục làm rò rỉ những tin tức tình báo nhằm cản trở khả năng phòng vệ của Israel tại Syria và đổi lỗi cho Israel khi Chính quyền Palestines bác bỏ những đề nghị của Mỹ.

Năm 2014, ông Obama cấm các chuyến bay thương mại tới Israel và đe dọa thu giữ thiết bị quân sự, thay vì ủng hộ các hành động phòng vệ của Israel trước phong trào Hamas và sau đó lại viện tới Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ để làm trung gian hòa giải. Năm 2015, cựu Tổng thống Obama đã ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran, gây ra mối đe dọa đối với sự tồn vong của Israel.

Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường hoạt động đầu tư vào khu vực. Một công ty quốc doanh của Trung Quốc đã mua công ty Tnuva - chủ thể quan trọng nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm nội địa của Israel.

Trung Quốc đã có nhiều hoạt động đầu tư mạnh tay vào Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Trung Quốc cũng giành được hợp đồng quản lý cảng Haifa có thời hạn 25 năm và công bố gói đầu tư 2 tỷ USD nhằm xây dựng đường tàu nối Ashdod (ở Địa Trung Hải) với Eilat (ở Biển Đỏ). Thương mại song phương Trung Quốc-Israel đạt xấp xỉ 14 tỷ USD năm 2018. Đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ của Israel vượt 300 triệu USD mỗi năm.

Những khoản đầu tư này khiến Trung Quốc cần tới sự ổn định, an ninh và thành công của Israel. Hiện Israel vẫn chưa nghĩ tới việc Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ, nhưng trong bối cảnh thái độ chống Israel ngày càng tăng lên trong đảng Dân chủ ở Mỹ, sẽ là "tự sát" đối với Israel nếu từ bỏ những gì đã đạt được với Trung Quốc.

Thế bị kìm kẹp

Tất nhiên, Mỹ không thoải mái với tình hữu nghị ngày càng phát triển giữa Israel và Trung Quốc. Tháng 3/2019, Mỹ đã khuyến khích Israel rút lại hợp tác an ninh và tình báo với Trung Quốc. Lời cảnh báo thứ hai được đưa ra vào tháng 6 năm ngoái, Mỹ nói rằng, các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới việc hợp tác an ninh và tình báo của Trung Quốc với Israel.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người Mỹ thừa nhận rằng, Tổng thống Donald Trump đã đúng khi kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, không nghi ngờ gì rằng, Mỹ sẽ ép buộc các đồng minh đi theo mình. Điều này khiến Israel bị đẩy vào thế bị kìm kẹp.

Tổng thống Trump đơn giản là không thể đảm bảo với Israel rằng, người kế nhiệm ông sẽ duy trì được mối quan hệ nồng ấm hiện nay mà ông đã tạo ra. Israel sẽ cần tới mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc (và cả Nga) để có thể tiếp tục tồn tại nếu nhiệm kỳ tiếp theo là một tổng thống thuộc đảng Dân chủ.

Như vậy, tam giác Mỹ-Trung-Israel có vẻ không kỳ quắc như vẻ bề ngoài. Trong suốt lịch sử, các cường quốc trỗi dậy đã phá vỡ nhiều liên minh và làm thay đổi cán cân giữa các cường quốc hiện nay. Mục tiêu của Trung Quốc là phá vỡ “Pax Americana” (Hòa bình kiểu Mỹ), vốn nổi lên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Còn mục tiêu của Israel là vượt qua điều đó và tiếp tục tồn tại. Chính quyền Trump đã xây dựng được một lập trường chung với Israel, tuy nhiên nếu đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông sẽ bị đẩy gần hơn tới Trung Quốc.

(theo Newsweek)