Nhỏ Bình thường Lớn

‘Tấm khiên’ di cư an toàn bảo vệ công dân Việt Nam

Trong bối cảnh số lượng người di cư lao động ngày càng gia tăng, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo lập môi trường di cư an toàn, hợp pháp như “tấm khiên” bảo vệ công dân Việt Nam trước nhiều nguy cơ, cạm bẫy.
‘Tấm khiên’ di cư an toàn bảo vệ công dân Việt Nam
Các đại biểu tham dự Tập huấn về Di cư an toàn tại Hòa Bình, ngày 25/6. (Ảnh: Tuấn Việt)

Di cư lao động là một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế toàn cầu và là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, phúc lợi và tăng trưởng. Di cư được công nhận trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững như một chất xúc tác cho một tương lai công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người trên thế giới.

Nâng cao nhận thức

Theo Báo cáo tình hình di cư thế giới năm 2024 của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hiện có 281 triệu người di cư quốc tế trên thế giới, chiếm 3,6% dân số toàn cầu. Trong đó, khu vực châu Á là nơi xuất phát của hơn 40% người di cư quốc tế.

Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, chuyển đổi kinh tế và biến đổi khí hậu được dự báo là những động lực chính dẫn đến tình trạng di cư ở châu Á trong thập kỷ tới. Đông Nam Á là một trong những tiểu vùng dễ bị thiên tai nhất trên thế giới, với hàng triệu người phải di dời mỗi năm.

Khi người di cư được tiếp cận đầy đủ các quyền của mình, họ có thể thực sự phát huy được tiềm năng và khai thác toàn bộ sức mạnh của lao động di cư. Ở các quốc gia đến, di cư lao động giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động và chuyên môn. Ở các quốc gia đi, lao động nhập cư góp phần cải thiện đời sống của gia đình và cộng đồng thông qua việc chuyển giao kỹ năng và nguồn lực tài chính, đồng thời giảm bớt áp lực lên thị trường lao động trong nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, Việt Nam tiếp tục đứng trong top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, với ước tính khoảng 14 tỷ USD.

Tại Việt Nam, xu hướng di cư lao động ngày một gia tăng. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện có khoảng 650.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, nhiều nhất là tại khu vực Đông Bắc Á. Lao động nữ chiếm từ hơn 30% đến hơn 40% theo từng thị trường và từng giai đoạn. Nếu tính cả những người đang lao động theo hình thức khác thì con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo nhiều hình thức rất đa dạng: thông qua các công ty dịch vụ, các tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; theo chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ mà Việt Nam đã ký kết với một số nước, các chương trình lao động thời vụ, hợp tác lao động qua biên giới ở cấp địa phương với Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một bộ phận người lao động tự phát, trong khu vực biên giới hoặc ở lại nước ngoài làm việc bằng con đường du lịch.

Tham gia di cư lao động đông đảo như vậy, nhưng nhiều người lao động Việt Nam chưa thực sự hiểu biết và coi trọng di cư an toàn. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn, nguy cơ khác nhau, tùy theo từng hình thức đi làm việc ở nước ngoài và loại hình công việc. Những khó khăn dễ nhận thấy nhất là rào cản ngôn ngữ, giao tiếp, sự khác biệt về văn hóa lối sống, việc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, bảo trợ xã hội, những vấn đề về tâm lý khi phải xa gia đình, người thân, một mình nơi xứ người.

Từ 2021 đến nay, có khoảng 4.000 công dân được các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải cứu, hỗ trợ và đưa về nước; một số trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán. (Số liệu của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)

Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể đối mặt với những nguy cơ bị tổn thương như bị thu giữ giấy tờ tùy thân, bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi, bị làm việc quá giờ, bị tai nạn, không được trả lương theo hợp đồng, không được bảo đảm điều kiện làm việc, bị ép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật... Và đối với nhóm người làm việc theo các kênh không chính thức, thì rủi ro còn nhiều hơn thế.

Đặc biệt, tình trạng lao động Việt Nam bị lừa đi làm việc tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến trong khu vực Đông Nam Á thời gian qua cho thấy những nguy cơ đó đã trở thành vấn đề hết sức nhức nhối khi quyền và lợi ích chính đáng của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều người trong số họ trở thành nạn nhân của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, hoặc trở thành nạn nhân bị mua bán.

Trong bối cảnh số lượng người di cư lao động ngày càng gia tăng, các nhân tố lôi kéo và thúc đẩy di cư ngày càng phức tạp, đa dạng, cùng với tình trạng tội phạm mua bán người đang diễn biến phức tạp trong khu vực, việc nâng cao nhận thức về di cư an toàn và tăng cường bảo hộ người di cư càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Nỗ lực liên ngành đồng bộ

Theo đánh giá của Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mi-Hyung, trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất tích cực thúc đẩy di cư an toàn cũng như có những nỗ lực nghiêm túc chống mua bán người.

Một ví dụ điển hình là việc triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó bao gồm các giải pháp, nhiệm vụ mới nhằm phòng, chống mua bán người trên mọi lĩnh vực.

Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường sự chú ý tới việc điều tra và xác định các hình thức mua bán người khác nhau, như mua bán trong nước, lao động cưỡng bức; thống kê nhiều dữ liệu chi tiết hơn về tình hình mua bán người thế giới nhằm hiểu rõ hơn về tình hình mua bán người trong nước.

Đồng thời, các cơ quan chức năng Việt Nam chú ý tăng cường xác định và hỗ trợ nạn nhân mua bán người, thể hiện qua số lượng nạn nhân được hỗ trợ đáng kể trong năm 2022. Đặc biệt các vụ mua bán người với nạn nhân bị cưỡng bức lao động trên các tàu đánh cá gần đây đã được Bộ đội Biên phòng Việt Nam xác định và truy tố.

‘Tấm khiên’ di cư an toàn bảo vệ công dân Việt Nam
Lễ xuất cảnh cho ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc sang làm việc tại Nhật Bản ngày 4/6, tại Hà Nội. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Đặc biệt, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hay Luật số 69), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, là một bước tiến quan trọng hơn trong việc bảo đảm tuyển dụng lao động công bằng, có đạo đức.

Nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thể hiện qua việc tăng cường phối hợp liên ngành với các thủ tục được tiêu chuẩn hóa. Minh chứng nổi bật là Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán có hiệu lực từ tháng 8/2022, áp dụng cho 4 Bộ chuyên ngành là Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Những nỗ lực đó vẫn đang được tiếp tục và không ngừng nâng cao để đối phó với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm mua bán người và cưỡng bức lao động công nghệ cao, phù hợp trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, nhằm tạo lập môi trường di cư an toàn, hợp pháp cho công dân Việt Nam trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang chỉ ra một số biện pháp cần tiếp tục triển khai đồng bộ.

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền về các kênh di cư hợp pháp, an toàn hiện có, rủi ro của di cư qua kênh không chính thức, mua bán người, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái phép, tăng cường giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến di cư, lao động, học tập ở nước ngoài, hướng đến những đối tượng cụ thể, bao gồm những trường hợp dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, của người di cư, đặc biệt là những người chuẩn bị di cư ra nước ngoài.

Thứ hai, tăng cường quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người, mở rộng các kênh di cư hợp pháp, an toàn với các nước, để người di cư có thể lựa chọn các kênh di cư hợp pháp phù hợp với bản thân, bởi lẽ di cư là sự lựa chọn chứ không phải là cần thiết, qua đó giúp ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Thứ ba, nâng cao phối hợp liên ngành, tăng cường nhận thức chung và hành động chung trong giải quyết các vấn đề di cư và quản lý di cư nhằm thúc đẩy việc triển khai Thoả thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) của Liên hợp quốc theo Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/3/2020.

Với mỗi công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hành trang chuẩn bị ngoài trình độ, chuyên môn, còn cần kiến thức, hiểu biết về di cư an toàn. Cùng với đó, công dân Việt Nam còn có “tấm khiên” bảo vệ là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các bộ, ngành Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với những hành trang vững chắc đó, tin tưởng rằng lao động Việt Nam có thể thực hiện ước mơ vươn ra thế giới, tạo động lực quan trọng cho khả năng phục hồi, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế.

Tạo môi trường di cư an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam

Tạo môi trường di cư an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam

Ngày 25-26/6, tại Hòa Bình, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức khóa tập ...

Trưởng Phái đoàn IOM: Việt Nam rất tích cực thúc đẩy di cư an toàn và nghiêm túc chống mua bán người

Trưởng Phái đoàn IOM: Việt Nam rất tích cực thúc đẩy di cư an toàn và nghiêm túc chống mua bán người

Theo bà Park Mi-hyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ...

Để công dân Việt Nam di cư an toàn, hợp pháp, tránh rơi vào cạm bẫy mua bán người

Để công dân Việt Nam di cư an toàn, hợp pháp, tránh rơi vào cạm bẫy mua bán người

Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang nêu những nguy cơ lao động Việt Nam thường gặp khi làm việc ở nước ...

Cuba công bố Dự thảo Luật Di cư, Nhập cư và Quốc tịch

Cuba công bố Dự thảo Luật Di cư, Nhập cư và Quốc tịch

Dự luật sẽ được đưa ra thảo luận để thông qua trong phiên họp thường kỳ của Quốc hội Cuba ngày 17/7 tới đây.

Tăng cường phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Tăng cường phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Thời gian quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ...