📞

Tầm nhìn về quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương cho thế kỷ 21

11:11 | 15/05/2017
"Nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu quan trọng sáng 15/5, tại Hà Nội,  tại Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

Báo TG&VN xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương. (Ảnh: Tuấn Anh)

PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM BÌNH MINH,

CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA APEC 2017

TẠI HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LẦN THỨ 24 HỘI ĐỒNG HỢP TÁC KINH TẾ THÁI BÌNH DƯƠNG

(Hà Nội, Việt Nam, ngày 15 tháng 5 năm 2017)

TẦM NHÌN VỀ QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHÂU Á -THÁI BÌNH DƯƠNG CHO THẾ KỶ 21

Thưa các vị khách quý,

Thưa quý vị,

Tôi rất vui mừng được tham dự Hội nghị toàn thể quan trọng này.

Trước hết, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và tất cả các thành viên về sự tiên phong và những đóng góp nổi bật của Hội đồng đối với hợp tác và thịnh vượng của khu vực trong gần bốn thập kỷ qua.

PECC đã khẳng định vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết và trí tuệ của các các doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Nhìn lại ba thập kỷ qua, chúng ta có thể tự hào về sự chuyển mình của châu Á – Thái Bình Dương, trở thành một khu vực hòa bình và một động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Khu vực của chúng ta là nơi duy nhất chưa từng trải qua bất cứ một xung đột nóng nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khi PECC được thành lập năm 1980, khu vực của chúng ta chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Hướng tới tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á - Thái Bình Dương; các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Triển vọng khu vực chúng ta tươi sáng hơn bao giờ hết. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, tỉ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Khu vực này là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Vì vậy, dự báo thế kỷ 21 là “thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương” không phải là nói quá. 

Tuy nhiên, triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba “nhóm” thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Một là năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, bao gồm cả già hóa dân số,  vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu.

Hai là mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Chỉ trong gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi to lớn về công nghệ, làm thay đổi bản chất của việc làm, chuyển đổi xã hội của chúng ta cũng như cách thức chúng ta liên hệ và tương tác với nhau.  

Ba là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Môi trường khu vực đang trải qua những chuyển biến phức tạp và cơ bản. Bên cạnh đó cũng nổi lên các vấn đề an ninh mới, như các hệ lụy của các công nghệ mới xuất hiện, khả năng mạng dễ tổn thương và quản lý tài nguyên.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thưa các quý vị,

Chủ đề và chương trình nghị sự mà các quý vị đã lựa chọn cho Hội nghị hôm nay là rất kịp thời và thiết thực. Đây là thời điểm rất thích hợp để chúng ta cùng nhau thảo luận một cách sâu sắc về tầm nhìn quan hệ châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới.  

Ở khu vực của chúng ta, Cộng đồng ASEAN đang triển khai Tầm nhìn đến năm 2025. Diễn đàn APEC đã khởi động tiến trình tư duy về tầm nhìn sau năm 2020.

Là một cơ chế tiên phong khu vực về các ý tưởng về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và liên kết, PECC đã luôn thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc hình thành các tầm nhìn cho khu vực. Tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề được đặt ra tại chương trình nghị sự của Hội nghị hôm nay. Tôi hi vọng tại Hội nghị, các quý vị sẽ chia sẻ những suy nghĩ và đánh giá về các thành tố chủ chốt của một tầm nhìn cho khu vực của chúng ta.

Những câu hỏi chính chúng ta phải giải đáp là:

  • Mục tiêu của châu Á – Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới là gì? Liệu khu vực của chúng ta có thể khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu hay không? Chúng ta có thể hình thành một cộng đồng và mối quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm không?
  • Chúng ta cần làm gì để tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số? Các lợi thế so sánh mới của chúng ta là gì? Làm sao để tạo được những động lực mới cho tăng trưởng?
  • Làm thế nào để chúng ta tạo dựng được một châu Á – Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ, là động lực của liên kết kinh tế toàn cầu trong một thế giới toàn cầu hóa? Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để tranh thủ các cơ chế hợp tác đang được hình thành?

Trả lời các câu hỏi này, tôi xin chia sẻ với quý vị một số suy nghĩ của tôi.

Thứ nhất, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. Mẫu số chung của việc cùng quan tâm sẽ mở ra những cơ hội to lớn để thực hiện mục tiêu này.

Thứ hai, động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, kết nối và liên kết kinh tế sâu rộng. Các động lực chính gồm cải cách cơ cấu, các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, thương mại số, nguồn nhân lực chất lượng, tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm tính bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội…

Thứ ba, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do và mở, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại (RTAs/FTAs), hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Chúng ta phải nắm bắt các cơ hội của những hiệp định khu vực hiện có và đang hình thành.

Là một trung tâm công nghệ toàn cầu, chúng ta có lợi thế để thúc đẩy hơn nữa các mạng lưới rộng lớn gồm các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu, tăng cường kết nối và hợp tác phát triển hạ tầng cơ sở.

 Chúng ta cũng cần có những phương thức sáng tạo trong hợp tác và hài hòa các chính sách, thương mại, xử lý các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, nâng cao năng lực và hợp tác kinh tế - kỹ thuật…

(Ảnh: Tuấn Anh)

Thưa các quý vị,

Bài học ba thập kỷ vừa qua là không có tầm nhìn hoặc chiến lược nào có thể được thực hiện nếu không có hòa bình và an ninh. Hòa bình và tăng trưởng cùng liên kết kinh tế luôn đồng hành với nhau.  

Trong một môi trường toàn cầu ngày càng bất định và mong manh, hơn lúc nào hết chúng ta cần một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và có khả năng thích ứng. Cấu trúc đó cần có khả năng bảo đảm sự bổ trợ giữa các tầng nấc hợp tác đa tầng nấc và quản trị khu vực hiệu quả. Cấu trúc đó cũng cần tính đến và hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trong và ngoài khu vực.  

Thưa các quý vị,

Nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam.

Các khuyến nghị và ý kiến của các quý vị ngày hôm nay sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai, và vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.  Điều này rất có ý nghĩa đối với “Đối thoại nhiều bên về APEC đến 2020 và tương lai” do Việt Nam và PECC đồng tổ chức vào ngày mai.

Việt Nam trân trọng sự ủng hộ tích cực và hợp tác hiệu quả của PECC và tất cả các quý vị có mặt ngày hôm nay. Các bạn đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong nhiều năm qua.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn./.

(Ảnh: Tuấn Anh)