Liên hợp quốc có 6 ngôn ngữ chính thức được chỉ định để điều phối tất cả các quốc gia thành viên, gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Arab. (Nguồn: UN) |
Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, tiếng Pháp là ngôn ngữ của ngoại giao, do đây là thời kỳ lên ngôi của Pháp. Ngày nay, nếu Trung Quốc thống trị thế giới, ngôn ngữ ngoại giao sẽ là tiếng Trung Quốc. Nếu Nga thống trị, chúng ta sẽ nói tiếng Nga.
Tuy nhiên, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chung trong các cuộc đàm phán hiện nay mặc dù trên thực tế dân số nói tiếng Anh ít hơn dân số nói tiếng Trung Quốc, Tây Ban Nha hoặc Indonesia. Đó là bởi vai trò khó thay thế của tiếng Anh đối với yêu cầu truyền đạt thông tin phong phú và sâu sắc về các vấn đề quan trọng, phức tạp trong ngoại giao.
Vai trò kiến tạo
Ngôn ngữ ngoại giao là độc nhất. Với những biệt ngữ và sắc thái riêng, một ngôn ngữ được hình thức hóa theo quy ước đặc biệt để trở thành “chất bôi trơn” cho mối quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia.
Các nhà ngoại giao trên khắp thế giới sử dụng chung một ngôn ngữ viết, trên những văn bản gọi là công hàm ngoại giao, công hàm thường, công hàm thông báo, bản ghi nhớ...
Theo một khuôn mẫu nhất định, ngôn ngữ ngoại giao được thiết kế để truyền tải nhiều thông điệp cùng một lúc: vừa giảm bớt tác động tiêu cực (nếu có), vừa giữ thể diện cho phía bên kia; nhằm tránh phản ứng gay gắt, bảo vệ người đưa tin (thường là đại sứ) cả về trách nhiệm và tính mạng.
Giao tiếp là con đường hai chiều giữa các nhà ngoại giao. Một bên không thể mong đợi đạt được thông tin trừ khi bên còn lại sẵn sàng truyền đạt thông tin ấy.
Do vậy, hành động đầu tiên và quan trọng nhất nhà ngoại giao cần làm là chia sẻ. Người ta thường coi trọng "những gì cần nói" hơn là "những gì không nên nói", bởi đôi khi, im lặng là lời nói hùng hồn nhất.
Các nhà ngoại giao đều được đào tạo để tránh những lời lẽ khiếm nhã có thể gây hấn, xúc phạm hoặc miệt thị. Ngôn ngữ ngoại giao có vai trò kiến tạo, xây dựng và thúc đẩy hòa bình. Vì vậy khi lựa chọn từ ngữ không những phải lịch sự, mà còn phải chính xác.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao có thể ngụy trang ý định của phía mình bằng cách sử dụng văn phong phức tạp hơn bình thường, gồm những câu dài dòng, lạc đề, làm gián đoạn mạch suy nghĩ của phía kia và chuyển cuộc nói chuyện sang các chủ đề mới.
Sự mơ hồ là một công cụ hữu ích không chỉ trong nghệ thuật trừu tượng, mà cả trong ngoại giao.
Trong ngoại giao, người ta thường coi trọng "những gì cần nói" hơn là "những gì không nên nói", bởi đôi khi, im lặng là lời nói hùng hồn nhất. |
Nâng tầm tiếng bản địa
Ngày nay, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Arab là các ngôn ngữ chính thức trong mọi hoạt động của Liên hợp quốc. Tại đây có những phiên dịch viên giỏi nhất trên thế giới, có thể phiên dịch các bài phát biểu trực tiếp và các văn bản viết một cách nhanh chóng.
Với tất cả những ngôn ngữ khác, các nhà ngoại giao đều được yêu cầu sử dụng thông dịch viên riêng có khả năng giao tiếp bằng các ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc. Khi tiến hành đàm phán trong các nhóm nhỏ hơn, phiên dịch viên không được tham gia và tiếng Anh là phương tiện giao tiếp duy nhất.
Vừa qua, Thủ tướng Malaysia Datuk Sri Ismail Sabri Yaakob thông báo về việc sử dụng tiếng Bahasa Malaysia trong các hoạt động cấp chính phủ ở các nước mà tiếng Anh không phải là quốc ngữ hay ngôn ngữ chính thức.
Còn ở các nước khác, các nhà ngoại giao và quan chức Malaysia phải trao đổi, đàm phán và đưa ra các thông điệp bằng tiếng Bahasa Malaysia.
Kể từ khi Thủ tướng Tunku Abdul Rahman Putra Al-Haj (1903-1990) thành lập Bộ Ngoại giao Malaysia vào năm 1956, các nhà ngoại giao Malaysia đã khá thuần thục việc nói và đàm phán bằng tiếng Anh.
Tiếng Anh đã và đang là một công cụ hữu ích trong việc quảng bá hình ảnh của Malaysia ra nước ngoài. Các thỏa thuận thương mại và hòa bình đã được ký kết bằng tiếng Anh. Nhiều giao dịch được thực hiện nhanh chóng vì không tốn thời gian phiên dịch qua lại giữa các ngôn ngữ.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Malaysia sẽ phải đối mặt với những thách thức với quyết định "quốc tế hóa" tiếng Bahasa Malaysia.
Giờ đây, họ sẽ phải học cách sử dụng ngôn ngữ ngoại giao bằng tiếng bản ngữ.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao sẽ cần thuê những thông dịch viên và biên dịch viên chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, đồng thời am hiểu ngôn ngữ ngoại giao Bahasa Malaysia để đảm bảo kết quả trên bàn đàm phán.
* Nhà ngoại giao kỳ cựu, từng công tác tại Đại sứ quán Malaysia ở Brussels, Fiji, Washington D.C và Hà Lan.