📞

Tâm tính người Thụy Điển

21:27 | 13/01/2019
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển (11/1/1969-2019), Báo Thế giới & Việt Nam xin trích giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà văn hóa Hữu Ngọc, nguyên Chủ tịch Quỹ Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam, người Việt Nam duy nhất được Thụy điển tặng Huân chương Nhà vua cho những đóng góp của Ông như một cây cầu kết nối và lan tỏa văn hóa Việt Nam - Thụy Điển.

Tôi đang lang thang trước cổng trường Đại học tổng hợp Stockholm thì gặp một thanh niên người Iran, tiến sĩ lịch sử Thụy Điển...

Dè dặt, tránh va chạm

Qua câu chuyện tán gẫu, anh nhận xét là người Thụy Điển có đầu óc tổ chức tuyệt vời - đến nay, họ còn giữ được tài liệu về tên tuổi, của cải từng người dân ở nhiều xã đạo từ thế kỷ XVIII. Anh còn thấy người Thụy Điển không ưa hòa mình vào xã hội, nhưng không phải vì thế mà không tử tế.

Từ biệt anh thanh niên Iran, trên đường ra ga xe điện ngầm, tôi nhớ tới lời mào đầu của giáo sư xã hội học Göran Therborn ở Göteborg trước khi ông trình bày ý kiến của ông về tâm tính Thụy Điển. Ông cho là trong lĩnh vực này, phải rất thận trọng, nếu không sẽ đi đến chỗ khiên cưỡng, gán ghép, rơi vào đầu óc chủng tộc, đây là một lĩnh vực rất tương đối, thay đổi tùy theo thời kỳ lịch sử, theo vùng, theo cả từng cá nhân. Ông nhấn mạnh một số đặc điểm của dân tộc Thụy Điển: tính bình quân khá rõ trong phân phối lợi tức, bình đẳng nam nữ, hiệu quả qua năng động đua tranh, tính tổ chức đi đôi với tính độc lập và cá nhân cao, thích chính sách của cải hợp lý, tính dè dặt ngần ngại với người lạ, tính thích đơn lẻ…

Người Thụy Điển thích nhìn vào bên trong và trở về nguồn gốc của mình.

Một hôm, trước khi ăn cơm tối, ngồi nói chuyện với giáo sư xã hội học Edmund Dalhstöm ở Göteborg, tôi lại nêu vấn đề tính dân tộc Thụy Điển. Ông nhấn mạnh là có nhiều nét chung cho các dân tộc Bắc Âu cùng một nền văn hóa và lịch sử Scandinavia. Ông nhắc lại một số đặc điểm mà giáo sư Göran Therborn đã nêu, rồi cười nói: Người Thụy Điển “tránh va chạm”, sợ va chạm. Do đó mà chính trị hướng về trung lập, không bảo thủ mà cũng chẳng cách mạng, cứ lừa lựa đứng giữa…

Ông đứng dậy, quay ra sau lưng rút một quyển sách – phòng sinh hoạt gia đình rất đẹp của ông đặt những giá sách chật ních. Đó là cuốn “Tâm tính Thụy Điển” viết bằng tiếng Thụy Điển của Åke Daun, giáo sư dân tộc học ở Stockholm. Sau đây, tôi xin lược một số ý chủ yếu theo bản tóm tắt tiếng Anh của nhà xuất bản này.

Những năm 1980, ở Thụy Điển, các giới nghiên cứu bắt đầu lại chú ý đến tính dân tộc Thụy Điển vì nhiều lý do. Trước hết do hiện tượng quốc tế hóa thế giới (lao động di cư, hàng triệu người tị nạn, quan hệ buôn bán tăng vọt, phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ…). Ở Thụy Điển, 10% dân số là người nhập cư, họ mang đến nhiều mẫu văn hóa khác, do đó phải hiểu mẫu người Thụy Điển để quan hệ xã hội có lợi nhất. Muốn kinh doanh tốt trên thị trường quốc tế, cần hiểu tâm tính, văn hóa của bạn hàng khác mình thế nào. Ngoài ra, khuynh hướng hơi bi quan về tương lai xã hội nên người Thụy Điển thích nhìn vào bên trong và trở về nguồn gốc của mình.

Về mặt giao tiếp xã hội, người Thụy Điển tỏ ra ngần ngại, dè dặt, thích tự chủ, không lệ thuộc người khác, thích đơn lẻ. So sánh sinh viên Thụy Điển với sinh viên Mỹ thì sinh viên Mỹ không dè dặt hay giấu sự sự dè dặt ấy, nếu không họ sẽ bị coi là thiếu thông minh tháo vát. Trái lại, sự dè dặt ở người Thụy Điển lại được đánh giá là có cân nhắc suy nghĩ, có lẽ cũng do tâm lý họ hướng về nội tâm.

Cũng có thể vì vậy họ thích yên ổn; trong nói chuyện, nhiều người không thích đặt câu hỏi, tránh thảo luận sâu vấn đề, trừ khi trong gia đình bạn bè - ấy là loại trừ chuyện trò về nghề nghiệp hay về các đề tài họ thành thạo. Có ranh giới rõ rệt giữa việc công và việc tư (gia đình, bạn bè). Tính thích yên ổn còn thể hiện qua khía cạnh: tránh va chạm và phản ứng mặt đối mặt. Mỗi người phải ứng xử (hành động, ăn mặc, nói năng…) đúng với bản sắc tầng lớp xã hội của mình. Có thể có một nguyên nhân nữa của sự dè dặt trong giao tiếp xã hội là vì họ phải đối phó với cái mới trong một xã hội thay đổi quá nhanh; tình trạng biến đổi giai cấp, vùng nông thôn chuyển sang thành thị.

Độc lập, lương thiện

Người Thụy Điển tha thiết với độc lập cá nhân hơn người Phần Lan, Ý, Mỹ. Họ thích đi dạo chơi một mình, dĩ chí sống một mình. Sinh viên thích sống lẻ, do đó cư xá sinh viên được bố trí theo hướng đó. Trái lại, sinh viên Mỹ thích có bạn ở cùng phòng. Giáo dục trẻ em đề cao tính độc lập và tự chủ. Nhu cầu độc lập cá nhân và tự chủ có ảnh hưởng gì đến tỷ lệ ly dị cao và đến hiện tượng nam nữ chung sống không cưới xin, đó là vấn đề cần nghiên cứu.

Cũng như người Nhật, người Thụy Điển thích đi đến thỏa thuận. Giáo dục trẻ con Thụy Điển nhấn mạnh đến tránh va chạm. Phong cách quản lý Thụy Điển tránh đối đầu, xung đột, nặng về điều đình thương lượng.

Lương thiện cũng là một nét hay của Thụy Điển, mặc dù những năm gần đây cũng bị thách thức nhiều (trốn thuế). Lương thiện không hiểu riêng về vấn đề của cải, là một truyền thống được đề cao. Sáu mươi phần trăm người Thụy Điển cho nói dối là xấu (tỷ lệ Đan Mạch: 13%, Phần Lan: 22%, Na Uy: 38%, châu Âu - Địa Trung Hải: 26%).

Giống như người Nhật, người Thụy Điển không ưa biểu lộ cảm xúc: họ ít hôn nhau, vuốt ve, nói lời tình cảm, ngay trong gia đình. Người nước ngoài thấy nhiều người Thụy Điển ít nói, ít bắt chuyện.

Người Phần Lan so với người Thụy Điển nóng tính hơn. Khi không được cái mình muốn, 19% người Thụy Điển nổi cáu (tỷ lệ Phần Lan: 31%). Người Thụy Điển tương đối ít cảm xúc hơn, và phản ứng cảm xúc không mạnh bằng một số dân tộc khác. Khi được tin Tổng thống Kennedy bị ám sát, số người Mỹ khóc nhiều gấp đôi số người Thụy Điển khóc khi được tin Thủ tướng Olof Palme bị ám sát...