📞

Tạm ước 14/9/1946: Giải pháp chính trị, ngoại giao tài tình (kỳ cuối)

Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành 16:00 | 11/05/2020
TGVN. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14/9/1946 là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá cho Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng cho tới ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.
Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946.

Tranh thủ dư luận

Ngay từ khi phải chấp nhận tổ chức tại Paris cuộc thương lượng chính thức giữa hai chính phủ, với ý đồ ngăn chặn tác động, ảnh hưởng của cuộc đàm phán Việt – Pháp đối với dư luận sở tại, chính phủ Pháp đã lựa chọn nơi hai đoàn họp là lâu đài Fontainebleau, cách Paris khoảng 60km.

Thế nhưng ý đồ này của họ đã thất bại vì phía Pháp không thể cản trở các cuộc tiếp xúc công khai của Hồ Chủ tịch với các chính khách, báo chí và người dân Pháp. Sau này Jean Sainteny kể lại, ông ta được Chính phủ Pháp giao cho nhiệm vụ hạn chế các hoạt động của Hồ Chủ tịch ở Pháp, nhưng vì Bác không phải là thành viên đoàn đàm phán và Người là Thượng khách của Chính phủ Pháp và có rất nhiều người Pháp tích cực ủng hộ. Ngày 12/7/1946, sau khi hai đoàn thỏa thuận chương trình nghị sự và bắt đầu làm việc ở các tiểu ban chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa và quân sự thì ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp báo khẳng định các vấn đề nguyên tắc:

“Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp phải do một Hiệp ước quyết định. Về kinh tế và văn hóa, chúng tôi tán thành một liên kết (association) với nước Pháp trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp (dans le cadre de l’Union Francaise). Lý do tồn tại của Liên bang Đông Dương là sự cần thiết phải phối hợp với các hoạt động của Việt Nam, Lào và Campuchia. Nó phải chủ yếu là kinh tế. Liên bang Đông Dương không được biến thành một Phủ Toàn quyền trá hình (gouvernement general déguise). Nam Bộ là đất của Việt Nam, là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Một cuộc trưng cầu ý dân (referendum) sẽ tốn kém lắm. Nếu chúng ta có thể thỏa thuận với nhau và miễn tổ chức trưng cầu ý dân thì tốt hơn. Nếu không thể miễn, thì chúng ta sẽ tổ chức một cách thành thực và thẳng thắn, và kết quả sẽ cũng thế thôi. Người Pháp sẽ có quyền tiếp tục lập các xí nghiệp (enterprises), quyền tự do kinh doanh của họ sẽ giống như của người Việt Nam...”

Đây là một động thái ngoại giao quan trọng của Hồ Chủ tịch bên ngoài Hội nghị để tranh thủ dư luận Pháp, một tuyên bố lập trường đàm phán chính thức của Chính phủ Việt Nam, tiếp thêm động lực tinh thần cho phái đoàn ta trong cuộc đàm phán.

Ngày 26/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Fontainebleau và ăn trưa cùng các đại biểu của cả hai phái đoàn Việt - Pháp. Buổi chiều Người đi thăm nơi ở của đoàn ta và cùng các vị trong đoàn đi dạo, chụp ảnh, nói chuyện đến 19 giờ 40 phút. Ngày 31/7/1946, Người đến tận nhà thăm Trưởng đoàn Pháp Max André và cùng dùng bữa ở đó.

Giữa lúc Hội nghị còn chưa đạt được sự đồng thuận của cả hai bên, thì ngày 1/8/1946, Cao ủy D'Argenlieu triệu tập một Hội nghị Liên bang Đông Dương gồm đại diện Nam Kỳ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Nam Trung Kỳ họp tại Đà Lạt.

Trước hành động ngang ngược, khiêu khích của Cao ủy D’Argenlieu, ngày 2/8/1946, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng đã tuyên bố:

“Ngày 26/7, tôi đã nhờ ông trưởng đoàn Pháp chuyển một thư phản đối về việc triệu tập hội nghị họp ngày hôm nay tại Đà Lạt. Lập trường của chúng tôi là: Nếu vấn đề Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Liên bang Đông Dương là do các nhà chức trách Pháp ở Nam kỳ quyết định, thì Hiệp định sơ bộ 6/3 không có giá trị và Hội nghị Fontainebleau không có lý do tồn tại; nếu Hiệp định sơ bộ 6/3 có giá trị, thì chỉ Hội nghị Fontainebleau có thẩm quyền để thảo luận vấn đề nói trên. Vì lòng tự trọng, chúng ta phải chấm dứt tình trạng nhập nhằng này, và đình chỉ Hội nghị của chúng ta cho đến khi nào cái nhập nhằng đó đã chấm dứt”.

Ngày 8/8/1946, Trưởng phái đoàn Pháp Max André thông báo cho phái đoàn Việt Nam rằng Hội nghị Liên bang tại Đà Lạt chỉ để trao đổi ý kiến, không quyết định gì cả, và đề nghị Hội nghị Fontainebleau họp lại.

Hồ Chủ tịch dặn dò Giáo sư Hoàng Minh Giám tại sân ga Lyon, Paris ngày 16/9/1946 trước lúc Người rời Paris đi cảng Toulon.

Không muốn về nước “tay không”

Ngày 12/8/1946, Hồ Chủ tịch tuyên bố với báo Libération: “Tôi không đặt điều kiện cho việc tiếp tục Hội nghị”. Và ngày 15/8/1946, Bác tuyên bố với báo Franc-Tireur: “Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn”.

Nhờ các nỗ lực dàn xếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1946, Hội nghị Fontainebleau được nối lại theo hình thức trao đổi văn kiện và họp nhóm trong phạm vi hẹp. Từ ngày 3/9/1946, phía ta và Pháp thỏa thuận cử một tiểu ban gồm bảy đại biểu: ba người Pháp (Pignon, Torel, Goron) và bốn người Việt Nam (Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Trịnh Văn Bính, Dương Bạch Mai) để dự thảo trong bảy ngày (từ ngày 3- 10/9/1946) một thỏa thuận về các vấn đề cơ bản là: 1/ Độc lập của Việt Nam; 2/ Vấn đề ngoại giao; 3/ Vấn đề quân sự; 4/ Vấn đề Nam Bộ.

Tuy nhiên, sau bảy ngày, tiểu ban này không đi đến một thỏa thuận nào cả. Như vậy Hội nghị Fontainebleau đã kết thúc ngày 10/9/1946, nếu không muốn nói là ngay từ ngày 1/8/1946.

Ba ngày sau, ngày 13/9/1946, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và phần lớn thành viên phái đoàn Việt Nam rời Paris đi cảng Toulon và lên tàu thủy Pasteur về nước ngày 16/9/1946. Để cứu vãn tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nán lại Paris thêm vài ngày. Bác chủ động gặp Thủ tướng Pháp George Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet một văn bản thỏa thuận trong ngày 14/9/1946.

Đến 1 giờ sáng ngày 15/9/1946, tại nhà riêng của ông Moutet, Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Moutet đã ký bản Tạm ước (modus vivendi) 14/9/1946 gồm 11 điều khoản có tính chất nguyên tắc và sau này sẽ được hai bên tiếp tục đàm phán cụ thể hóa. Tạm ước 14/9/1946 quy định hai bên sẽ tiếp tục cuộc đàm phán chậm nhất là tháng 1/1947, sẽ cùng ấn định thể thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ. Tạm ước 14/9/1946, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/1946, chứa đựng những nhân nhượng cao nhất về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể dành cho Pháp. Đó là những nhân nhượng cuối cùng mà Hồ Chủ tịch và Chính phủ ta có thể cam kết. Nếu nhượng bộ thêm nữa sẽ vi phạm đến độc lập, chủ quyền tối cao của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Sáng 16/9/1946, Hồ Chủ tịch rời Paris đi cảng Toulons và lên tàu Dumont d’Urville về Việt Nam ngày 19/9/1946. Cùng về Việt Nam với Người ngoài hai vị sĩ quan tùy tùng và thư ký riêng là các ông Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện còn có các trí thức nổi tiếng sau này là các ông Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Vũ Đình Quỳnh. Với thiện chí mong muốn duy trì kênh liên lạc, tiếp xúc trực tiếp với chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch cử một Phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở lại Paris do ông Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn, và gồm các ông Dương Bạch Mai và Trần Ngọc Danh. Có thể coi đây là Cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở ngoài nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ định.

Với dã tâm quyết lập lại chế độ thực dân lỗi thời ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương không ngừng gia tăng các hoạt động khiêu khích, gây chiến ngày càng nghiêm trọng chống lại Chính phủ và nhân dân ta, nên chỉ vài tháng sau khi được ký kết, Tạm ước 14/9/1946 đã bị phá bỏ, nhân dân Việt Nam buộc phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14/9/1946 là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá cho Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng cho tới ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.