Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. (Nguồn: AP) |
Sự nổi lên bất ngờ của tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Đảng Cộng hòa) đánh dấu sự kết thúc nhiều tuần hỗn loạn tại Hạ viện và Hội nghị Đảng Cộng hòa (Mỹ).
Sau những trận chiến gay gắt đã loại bỏ 3 đề cử khác cho vị trí Chủ tịch Hạ viện, các thành viên Đảng Cộng hòa tại cơ quan lập pháp này nhận thấy ông Mike Johnson là người theo chủ nghĩa hợp hiến bảo thủ với một chút sức thu hút của người miền Nam mà họ cần để chấm dứt tình trạng hỗn loạn đúng lúc, điều này đã mang lại cho nghị sĩ đến từ bang Louisiana sự ủng hộ nhất trí trong Đảng Cộng hòa.
Nhưng, ngay cả khi cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nội bộ đảng đã kết thúc, Hạ viện Mỹ và Đảng Cộng hòa vẫn phải đối mặt với những thách thức trước mắt về chi tiêu chính phủ cũng như viện trợ cho Israel và Ukraine trong xung đột.
Nhân tố bất ngờ vào phút chót
Việc ông Johnson đắc cử Chủ tịch Hạ viện là bước thăng tiến vượt bậc của nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang Louisiana, đưa ông từ vị trí khá khiêm tốn trở thành nhân vật quan trọng, chỉ sau chức Tổng thống.
Ông Johnson, lần đầu trúng cử vào Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu Đảng Cộng hòa (tập hợp cánh hữu của phe Cộng hòa) tại Hạ viện trước khi được bầu làm lãnh đạo cơ quan lập pháp này.
Nghị sĩ có phong cách ôn hòa này hầu như ít được chú ý trong suốt 7 năm công tác ở Hạ viện. Ông chưa từng đứng đầu một ủy ban nào, tập trung chủ yếu vào công việc ở các Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Quân lực của Hạ viện.
Do vậy, một trong những thử thách đầu tiên mà ông Johnson phải đối mặt với tư cách Chủ tịch Hạ viện là lãnh đạo hội nghị Đảng Cộng hòa và làm việc với Thượng viện để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa trước thời hạn vào tháng tới.
Một số thượng nghị sĩ cho biết, họ biết rất ít về tân Chủ tịch Hạ viện. Thượng nghị sĩ Mike Rounds (Đảng Cộng hòa, bang South Dakota) nói: “Tôi hoàn toàn không biết ông ấy. Thực ra, tôi chỉ nghe thấy tên ông ấy lần đầu tiên trong tuần này”.
Có lẽ, sau ba tuần bế tắc trong việc bầu chọn lãnh đạo Hạ viện với 4 ứng cử viên cho vị trí này, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã mệt mỏi. Điều này có thể đã góp phần khiến các nhà lập pháp của Đảng này nhất trí ủng hộ ông Johnson, điều cực kỳ hiếm gặp đối với một hội nghị đầy tranh cãi.
Đối với các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Johnson đã đạt điểm cao nhờ lòng trung thành trong khi 3 ứng viên được đề cử trước đó dù có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo chính trị và hồ sơ lý lịch đẹp vẫn chịu thất bại.
Ông là cựu Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa, nhóm bảo thủ lớn nhất tại Hạ viện. Cựu Tổng thống Donald Trump - người đã góp phần khiến ứng cử viên Tom Emmer bị loại do được cho là thiếu trung thành – đã ủng hộ ông Johnson trên mạng xã hội Truth.
Ông Johnson được cho là một trong những cộng sự quan trọng của ông Trump, từng dẫn đầu nhóm cố vấn các lập luận của Đảng Cộng hòa nhằm thách thức kết quả bầu cử năm 2020 tại các bang chủ chốt.
Chương trình nghị sự bộn bề
Ngân sách chính phủ sẽ cạn kiệt vào ngày 17/11 tới, khơi dậy những tranh cãi đã chi phối các cuộc họp của Đảng Cộng hòa suốt năm qua. Cựu Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã bị lật đổ một phần vì quyết định thông qua một đề xuất tạm thời để tài trợ cho chính phủ cho đến ngày 17/11 và ngăn chặn chính phủ bị đóng cửa.
Tân Chủ tịch Hạ viện Johnson đề xuất một biện pháp tạm thời cho năm tới để tránh một dự luật ngân sách tổng hợp – nhưng không có gì bảo đảm rằng điều đó sẽ diễn ra suôn sẻ. Hạ nghị sĩ Chip Roy (Đảng Cộng hòa, bang Texas) nói về một giải pháp tài chính tạm thời: “Liệu nó mang tính chiến thuật hay là trò cá cược”.
Dù vậy, tân Chủ tịch Hạ viện có thể có chút thời gian hưởng "tuần trăng mật". Hạ nghị sĩ Scott Perry (Đảng Cộng hòa, bang Pennsylvania), Chủ tịch nhóm House Freedom Caucus (nhóm chính trị trong Quốc hội), nói: “Đừng đổ lỗi cho tiền vệ dự bị về những thất bại của một cầu thủ vừa rời sân”.
Bên cạnh vấn đề tài chính, viện trợ cho Ukraine là một câu hỏi lớn. Tuần trước, Nhà Trắng công bố đề xuất tài trợ khẩn cấp trị giá khoảng 100 tỷ USD, phần lớn trong số đó - khoảng 61 tỷ USD - sẽ được dùng để hỗ trợ Ukraine khi cuộc xung đột với Nga kéo dài.
Rõ ràng, cách Hạ viện xử lý yêu cầu ngân sách bổ sung - đặc biệt liên quan đến Ukraine - đặt ra câu hỏi khó cho ông Johnson, khi hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày càng hoài nghi về việc gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Bản thân ông Johnson cũng gây tranh cãi trong việc ủng hộ Ukraine. Ông ủng hộ Đạo luật cho thuê/cho mượn vũ khí phòng thủ dân chủ dành cho Ukraine năm 2022, nhưng tháng trước, ông đã bỏ phiếu phản đối việc gửi 300 triệu USD viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Ông ủng hộ việc sửa đổi dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng được đưa ra hồi tháng trước, trong đó kêu gọi cấm hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa phản đối gói viện trợ 300 triệu USD cho Kiev, một dấu hiệu cho thấy hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện không mấy mặn mà với viện trợ cho Ukraine.
Liên quan đến bầu cử Mỹ, một trong những vai trò quan trọng của Chủ tịch Hạ viện là trở thành người gây quỹ chính cho đảng và ông Johnson, vốn không phải là một cái tên quen thuộc song lại đang đảm nhận vai trò đó. Ủy ban của ông đã huy động được 553.013 USD trong 6 tháng đầu năm.
Ông Johnson đã cam kết thành lập một ủy ban để kiểm tra nợ quốc gia. Việc này có thể mở đường cho các cuộc công kích từ chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ nếu ủy ban này đi ngược lại các đề xuất về cải cách các chương trình phúc lợi xã hội như an sinh xã hội và bảo hiểm y tế (Medicare).