Trưa 22/3, tân Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã tuyên thệ nhậm chức tại cuộc họp của Quốc hội và Hội đồng Liên bang Đức, chính thức trở thành Tổng thống.
Thông điệp đầu tiên
Trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh sự cấp thiết của việc chung tay bảo vệ nền dân chủ và các giá trị truyền thống vì “sự hứng khởi với thể chế độc tài” đang ăn sâu bám rễ ở châu Âu, hay như Tổng thống vừa rời nhiệm sở Joachim Gauck nói trong diễn văn từ biệt, “nền dân chủ tự do đang bị đe dọa” bởi chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, của những tham vọng quyền lực khắp nơi trên thế giới. Nhưng mặt khác, sự đe dọa còn đến từ sự xơ cứng, trì trệ và thiếu vận động cũng như sự tin tưởng vào sự vận hành của các thể chế dân chủ vốn từng là nơi giải quyết các vấn đề chính trị của đất nước.
Ông Steinmeier phát biểu tại Quốc hội Đức lần đầu tiên với tư cách Tổng thống. (Nguồn: AP) |
Ông nhấn mạnh, “tranh đấu cho dân chủ không phải chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhưng chính trị cũng phải hiểu rằng trong thời buổi khó khăn hiện nay, khi những giá trị cũ mất dần nhưng chưa có cái thay thế, thì những tranh chấp quốc tế cũng sẽ gây ra những bất ổn đe dọa hòa bình và an ninh trong nước”.
“Vậy tương lai của tất cả chúng ta là gì? Câu trả lời không chỉ là một. Tương lai rộng mở nhưng nó cũng vô cùng mờ mịt! Trong cuộc gặp cuối cùng của tôi với (cố Tổng thống Israel vừa qua đời) Shimon Peres, tôi được nghe cuộc đối thoại với một phụ nữ trẻ. Người này hỏi: Tương lai đem lại cho chúng ta cái gì? Thay vì trả lời dài dòng, ông Peres đã kể một câu chuyện: Tương lai là một cuộc chiến giữa hai con sói. Một con là cái ác, bạo lực, đàn áp và sợ hãi, còn con kia đại diện cho cái thiện, cho hòa bình, hy vọng và bình đẳng. Vậy con nào thắng?, người phụ nữ hỏi. Peres cười và nói: Con nào được cô chăm sóc”. Bài học rút ra là: tương lai ở trong tay chúng ta, nhất là ở trong tay thế hệ trẻ!”
Đó là thông điệp đầu tiên tân Tổng thống muốn gửi đến người dân Đức ngay sau lễ tuyên thệ.
Công chức mẫn cán
Tân Tổng thống Steinmeier có nhiều điểm khác so với các bậc tiền nhiệm gần đây. Ông chưa bao giờ là thủ hiến một bang nào như Johanes Rau (1999-2004), Christian Wulff (2010-2012) hay đứng đầu một nhánh quyền lực như Roman Herzog (1994-1999) từng là Chánh án Tòa án Hiến pháp Liên bang, đứng đầu một tổ chức quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế IMF) như Horst Köhler (2004-2010). Ông cũng khác hoàn toàn người tiền nhiệm Joachim Gauck vốn là mục sư Tin lành đã về hưu và là “nhà đấu tranh dân chủ” trước đây ở Cộng hòa dân chủ Đức. Tuy chưa bao giờ là Chủ tịch Đảng dân chủ xã hội Đức nhưng ông đã được đảng này giới thiệu ra tranh cử chức Thủ tướng và khi phải nhường bước trước bà Angela Merkel, ông đã trở thành Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao trong nhiệm kỳ của chính phủ “đại liên minh”.
Điểm mạnh và được dư luận đánh giá cao nhất về ông là sự mẫn cán, tận tâm của một công chức Đức điển hình. Ông đã góp phần quan trọng trong tổ chức vận động bầu cử để đưa Thủ hiến bang Niedersachsen Gehard Schroeder lên làm Thủ tướng (1998-2005). Khi chuyển lên Thủ đô Berlin cùng Thủ tướng Schroeder, ông Steinmeier trực tiếp làm Chánh Văn phòng Thủ tướng, cánh tay phải của Thủ tướng Schroeder. Ở cương vị nào ông cũng được đánh giá về tác phong giản dị, gần gũi và làm việc hiệu quả, được đồng minh cũng như đối thủ chính trị coi là người tạo dựng quyền lực (“Machtmaker”, “Power Maker”).
Ông cũng là người không quá quan trọng địa vị, vai vế. Điển hình là khi ông Sigmar Gabriel được bầu làm Chủ tịch SPD khi đang giữ chức Bộ trưởng Kinh tế, ông Steinmeier đã “nhường” chức danh “Phó Thủ tướng” sang cho ông Gabriel mặc dù theo truyền thống lâu nay trong một chính phủ liên minh, vị trí Bộ trưởng Ngoại giao bao giờ cũng đồng thời là Phó Thủ tướng. Trong các cuộc thăm dò dư luận ở Đức nhiều năm qua ông luôn được xếp hạng tín nhiệm cao nhất, là chính trị gia được yêu mến nhất của Đức.
Người “đứng vững trên mặt đất”
Sự nghiệp của ông Steinmeier không bắt đầu bằng hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp, mà làm công tác nghiên cứu, giảng dạy pháp luật. Khi chuyển về Hanover bắt đầu sự nghiệp công chức của mình, ông đi lên từ chức vụ chuyên viên, cấp phòng, cấp vụ, quốc vụ khanh và sau này cấp bộ trưởng ở Berlin. Cũng chính vì vậy ông được đánh giá là một chính trị gia “đứng vững trên mặt đất”, không giống những người đi lên nhanh chóng từ các hoạt động đảng phái, phong trào, “chân không chạm đất”.
Trong thời gian 6 năm làm Chánh Văn phòng Thủ tướng kiêm Đặc phái viên về tình báo, đặc biệt khi là người trực tiếp điều hành “nhóm các quốc vụ khanh” về hợp tác trong EU, ông được cho là đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm về đối ngoại. Tháng 11/2005, khi Thủ tướng Merkel đề nghị ông Steinmeier giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ mới của bà thì đa phần dư luận có phần ngỡ ngàng vì Steinmeier được coi là người thân tín nhất của ông Schroeder, đối thủ chính trị của bà Merkel. Ngược lại trong giới chuyên môn, nhất là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, lại hoan nghênh việc bổ nhiệm này. Hans Dietrich Genscher, nguyên Chủ tịch Đảng dân chủ tự do Đức FDP và ngoại trưởng kỳ cựu nhất ở Đức dưới thời Thủ tướng Helmut Kohl cũng đánh giá cao quyết định này. Trong hai nhiệm kỳ là người đứng đầu ngành ngoại giao, từ một luật gia, công chức hành chính ông đã trở thành biểu tượng của nền ngoại giao mềm mỏng nhưng kiên định và hiệu quả của Đức.
Ông Steinmeier và người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Joachim Gauck (trái). (Nguồn: DW) |
Cũng với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, ông đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài, kiên định tìm con đường đối thoại giải quyết mâu thuẫn quốc tế, như trong các cuộc khủng hoảng Ukraine, xung đột Trung Đông, vấn đề Afghanistan, chia rẽ trong EU vì vấn đề tị nạn. Ông cũng kiên trì con đường đối thoại với Nga và Tổng thống Putin hay cả với Thổ Nhĩ kỳ của Tổng thống Erdogan khi phần lớn các nước EU quay lưng.
Tuy vậy, ông cũng là người rất giữ nguyên tắc trong những vấn đề mà ông cho là “cơ sở của nền dân chủ”. Khi đang là Ngoại trưởng, ông cũng không ngại bày tỏ sự thất vọng trước kết quả bầu cử ở Mỹ và gọi ông Donald Trump là “người gieo rắc sợ hãi” và “mị dân”. Trong phát biểu nhậm chức ngày 22/3, tuy không nêu tên trực diện Tổng thống Mỹ nhưng ông cho rằng thế giới cần kiên định chống lại chủ nghĩa cực đoan, mị dân. Riêng đối với những phát biểu có tính thóa mạ, xúc phạm Đức và Thủ tướng Đức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, tân Tổng thống Steinmeier cũng không ngại gọi tên và yêu cầu ông Erdogan chấm dứt ngay những giọng điệu so sánh Đức với “quốc xã” hay “phát xít”.
Ông được dư luận trong nước cũng như quốc tế đánh giá là nhà ngoại giao có nụ cười thân thiện và việc ông được bầu làm nguyên thủ quốc gia của Đức trong giai đoạn hiện nay là “Glückfall” (hiện tượng may mắn) vì với ông, nước Đức có một nguyên thủ không chỉ rành rẽ những vấn đề trong nước, mà còn có thể đánh giá, nhìn nhận đất nước “bằng cái nhìn từ bên ngoài”. Cũng vì là nhà ngoại giao nên ông không mất nhiều thời gian để “học hỏi” những lễ tân ngoại giao hay “làm quen” với thế giới bên ngoài hay các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Đi cùng ông lần này sang Phủ Tổng thống, Lâu đài Bellevue có cả những người tâm phúc của ông ở Bộ Ngoại giao, những người đã cùng làm việc với ông trong hai nhiệm kỳ Bộ trưởng. Đáng chú ý trong số đó là ông Steinlein vốn nguyên là Đại sứ cuối cùng của Cộng hòa dân chủ Đức tại Paris và từ 1999 phụ trách bộ phận báo chí tại Bộ Ngoại giao. Ông Steinlein sẽ là Chánh Văn phòng Tổng thống, là cánh tay phải giúp cho Tổng thống điều hành công việc. Ngoài ra một “tài năng trẻ” của Bộ Ngoại giao là Wolfgang Silbermann - 30 tuổi, tốt nghiệp đại học ở Oxford và Havard và nhiều năm qua là người viết chính những diễn văn của Ngoại trưởng Steinmeier - cũng sẽ theo ông để giúp ông có những bài phát biểu làm nên “sức mạnh của lời nói” như cách mà người ta ví von vị trí của Tổng thống Đức.
Một con người nhân hậu
Là một công chức từ cơ sở đi lên nên ông Steinmeier là người luôn gắn bó với người dân. Khi ông được SPD giới thiệu làm ứng cử viên Quốc hội Liên bang tại khu vực bầu cử Havelland, bang Brandenburg vốn là một bang Đông Đức kinh tế chậm phát triển, nhiều người tỏ nghi ngờ vì một “Wessi” (người phía Tây Đức) như ông quan tâm gì đến “Ostsis” (người Tây Đức) và chắc cũng chỉ “xuân thu nhị kỳ” có mặt ở đây trong những dịp vận động tranh cử.
Tuy nhiên, trên thực tế ông đã gắn bó khăng khít với người dân khu vực này và góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Người dân Havelland không chỉ biết ông là nhà ngoại giao nay đây mai đó khắp nơi trên thế giới mà còn biết tới ông như một chính trị gia biết quan tâm đến những vấn đề “nhỏ nhặt” của người dân.
Tổng thống Steinmeier và phu nhân - bà Elke Büdenbender. (Nguồn: Reuters) |
Về gia đình ông Steinmeier, có một việc người dân nhớ mãi và ngợi ca đức tính nhân hậu hiếm có của ông. Khi đang là bộ trưởng, ông xin nghỉ một thời gian để lo việc gia đình và hôm sau người ta được tin ông đã hiến cho người vợ của mình một bên thận để cứu bà khỏi bệnh, mặc dù bản thân ông trước kia cũng đã phải ghép giác mạc để cứu đôi mắt của mình khỏi bị mù. Hai vợ chồng gắn bó với nhau từ hồi cùng học đại học luật ở Gießen.
Và mới đây nhất, ngay sau lễ tuyên thệ tại Quốc hội trưa 22/3, ông trở về Phủ Tổng thống để duyệt đội quân danh dự, một nghi lễ cao nhất dành cho Tổng thống khi nhậm chức. Sau khi quân nhạc cử quốc ca và đi duyệt giữa hàng quân, ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng đến gặp gỡ, bắt tay những người dân ra chào đón ông ở trong sân Phủ Tổng thống. Bất ngờ người ta thấy Tổng thống dừng lại, mở hàng dây bảo vệ mời một phụ nữ có tuổi bước ra cùng đi với vợ chồng ông vào Lâu đài Bellevue. Trước hàng quân và mọi người chào đón, ông cười rạng rỡ giới thiệu đây là mẹ ông, đã ngoài 90 tuổi; ông không biết cụ cũng đến chúc mừng ông ở bên ngoài.
Mọi người đều cảm động về tình cảm ấm áp của Tổng thống nước mình.
Ông Frank-Walter Steinmeier sinh ngày 5/1/1956, từng học đại chuyên ngành Luật và Chính trị tại Gießen từ năm 1976. Năm 1991 ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ Luật về vấn đề người vô gia cư và quyền có nhà ở; từng làm việc tại Đại học Tổng hợp Gießen. Cũng từ đó, ông bước vào con đường hoạt động chính trị trong Đảng dân chủ xã hội Đức SPD. Năm 1993 ông nhận lời mời của Thủ hiến bang Niedersachsen Gerhard Schroeder (sau này làm Thủ tướng Đức) về Hanover, ban đầu phụ trách vấn đề báo chí và truyền thông, sau làm Chánh Văn phòng Thủ hiến rồi Chánh Văn phòng Chính phủ bang Niedersachsen. Năm 1998, ông làm Quốc vụ khanh Phủ Thủ tướng, Đặc phái viên Chính phủ về công tác tình báo. Từ 1999 ông làm Chánh Văn phòng Chính phủ Liên bang dưới thời của Thủ tướng Gehard Schroeder. Năm 2005 ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, từ 2007 kiêm Phó Thủ tướng. Năm 2009 ông được bầu giữ chức Trưởng đoàn nghị sĩ Quốc hội Liên bang của SPD. Từ 2013 đến tháng 2/2017, ông trở lại làm Bộ trưởng Ngoại giao dưới Chính phủ nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Angela Merkel. Ngày 12/2 vừa qua, với đa số phiếu, ông được Hội nghị Liên bang bầu làm Tổng thống thứ 12 của Đức. |