📞

Tăng cường hoạt động tại Biển Đông, 'đẩy' quan hệ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc có ý gì?

Nhật Linh 20:00 | 06/06/2022
Liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn tại Biển Đông, đẩy mạnh tính toán chiến lược với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc đang chuẩn bị cho nhiều kịch bản có thể xảy ra tại khu vực?
Tàu Hải quân Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông. (Nguồn: CHINAMIL)

Ngay trước chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Trung Quốc tiến hành tập trận với phạm vi lớn gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời đoàn đại biểu cấp cao do Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dẫn đầu đã có chuyến thăm đến 9 quốc gia tại khu vực Nam Thái Bình Dương, gồm Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste.

Tăng cường tập trận quy mô

Gần đây, Trung Quốc tăng cường các hoạt động thực thi tại Biển Đông, như duy trì tập trận, đáng chú ý với cuộc tập trận có quy mô và phạm vi rất rộng tại khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), từ ngày 19-23/5.

Cuộc tập trận được báo chính thống Trung Quốc đăng tải trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du đến các nước châu Á và Philippines đang tăng cường công tác xây dựng quân đội tại các thực thể ở Biển Đông.

Nhìn lại từ năm 2020-2022, với vị trí được nối bởi các tọa độ gồm 18-54.00N 111-27.00E; 18-54.00N 113-52.00E; 16-57.00N 113-52.00E; 16-57.00N 111-27.00E, mỗi năm Trung Quốc tập trận một lần quy mô vô cùng lớn tại quần đảo Hoàng Sa và vùng nước lân cận quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Năm 2021, Trung Quốc thực hiện một cuộc tập trận với phạm vi bao trùm tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), tiến hành cấm biển và cấm hàng không nhằm thử tên lửa Đông phong.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường hoạt động huấn luyện quân đội trên toàn bộ vùng biển. Chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 24 cuộc tập trận trên khắp vùng biển sát sườn nước này, trùng thời gian với thời kỳ Trung Quốc cấm đánh bắt cá hàng năm.

Việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động tập trận tại Biển Đông nhưng không công bố thời gian và địa điểm đã gây khó khăn cho Việt Nam trong công tác theo dõi vị trí tập trận của Bắc Kinh.

Trang mạng Cục Hải sự Trung Quốc thường xuyên đăng tải hoạt động tập trận của quân đội nước này tại Biển Đông. Tuy nhiên, những thông tin được đăng tải phần lớn gồm những hoạt động tập trận tại phía Bắc Biển Đông, ít xuất hiện thông tin về những hoạt động tập trận tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Song song với đó, tại khu vực eo biển Đài Loan, Trung Quốc cũng đang tăng cường thực hiện các hoạt động răn đe bằng lực lượng quân đội với Đài Loan (Trung Quốc). Nước này đã tiến hành trinh sát trung bình 2 chuyến/ngày đối với khu vực Đài Loan kể từ 6 tháng cuối năm 2021 với các hoạt động thường xuyên, như điều nhiều máy bay và tàu thuyền, thực hiện huấn luyện tàu sân bay tại các khu vực lân cận gần đảo Đài Loan.

Gần đây, ASEAN và nhiều nước trong, ngoài khu vực liên tục bày tỏ quan ngại đối với các hoạt động nêu trên của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7/3 và 7/4 đã lên tiếng về việc Trung Quốc tiến hành tập trận lấn sang Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tại cửa Vịnh Bắc Bộ.

Mỹ, Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông trong chuyến công du của Tổng thống Joe Biden đến châu Á vừa qua.

Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục chính sách bành trướng quân sự tại Biển Đông bằng các công tác điều máy bay, duy trì quân sự hóa, xây dựng các trạm quan trắc khí tượng, tăng cường bố trí quân sự… tại các đảo nhân tạo.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Tổng thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương Henry Puna tại Fiji ngày 29/5. (Nguồn: AFP)

Nâng tầm quan hệ với các quốc đảo

Không chỉ đẩy mạnh hoạt động tại Biển Đông, Trung Quốc còn tăng cường nâng tầm quan hệ với các đảo quốc tại Nam Thái Bình Dương. Trong chuyến công du gần đây tới khu vực này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định, Bắc Kinh kiên định ủng hộ quần đảo Solomon duy trì chủ quyền an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì đoàn kết thống nhất trong nước, đẩy nhanh thực hiện phát triển quốc gia, tiếp tục giúp đỡ quần đảo Solomon; phản đối các hình thức và hành động xâm phạm cường quyền.

Trước đó, tháng 5/2021, Trung Quốc đã mua lại một sân bay cũ tại Nam Thái Bình Dương, cách căn cứ quân sự Hawai của Mỹ chỉ 3.000km, tạo cơ sở để nước này thành lập một căn cứ quân sự.

Mỹ và các nước đồng mình đều tỏ thái độ quan ngại về các hoạt động tăng cường quan hệ với các nước Nam Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Là quốc gia gần Nam Thái Bình Dương nhất, Australia lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng các sân bay hoặc căn cứ quân sự tại quốc đảo Nam Thái Bình Dương cũng như hành động xa bờ của quân đội Trung Quốc.

Đối với Mỹ, việc tăng cường can dự chiến lược tại khu vực đã không thể ngăn cản Trung Quốc thực hiện những ý đồ của mình. Do vậy, Mỹ cần có các bước đi mạnh hơn để kiềm chế toàn diện với Trung Quốc tại khu vực này.

Bắc Kinh một mặt tiếp tục tăng cường các hoạt động răn đe tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, một mặt tăng cường ngoại giao với các nước Nam Thái Bình Dương. Điều này giúp Trung Quốc có những vị trí chiến lược thuận lợi tại châu Á-Thái Bình Dương, qua đó có thể phát huy vai trò quan trọng một khi có xung đột nổ ra tại khu vực.


Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.