Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16. |
Đứng trước nhiều câu hỏi lớn
Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 “Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực” diễn ra tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (23-24/10), Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã có bài phát biểu dẫn đề quan trọng định hướng thảo luận cho Hội thảo.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, thế giới hiện đang ở một bước ngoặt sâu sắc. Sự chuyển dịch sang một thế giới đa cực không còn là một cuộc tranh luận học thuật trừu tượng. Đây là một thực tế đang diễn ra, đang định hình lại trật tự toàn cầu theo những cách thức vẫn còn chưa chắc chắn và nếu không được quản lý đúng cách, có thể gây ra thảm họa.
Trong khi đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chỉ ra rằng, niềm tin vào các thể chế và chuẩn mực đã được thiết lập đang bị hao mòn. Khi niềm tin vào các khuôn khổ đa phương bị suy yếu, các biện pháp đơn phương sẽ thắng thế, bất chấp lợi ích của những bên khác và của cộng đồng toàn cầu. Điều này thu hẹp không gian đối thoại, ngoại giao và hợp tác, đẩy quốc phòng và răn đe lên hàng đầu trong các ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, thế giới đang ngày càng trở nên phân cực, với ranh giới giữa "đúng" và "sai", “sự thật” và “sự dối trá” bị lu mờ và lẫn lộn. Những "thông tin" và "câu chuyện" rất mâu thuẫn lẫn nhau đang được các bên tuyên truyền, đôi khi được phóng đại thông qua các công nghệ đột phá mới như trí tuệ nhân tạo.
Sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày nay không chỉ đơn thuần là về tài nguyên, lãnh thổ hoặc không gian hàng hải, không chỉ để thống trị về thương mại, công nghệ và năng lực quân sự, mà quan trọng là còn để thống trị các ý tưởng và tầm nhìn sẽ định hình hệ thống quốc tế trong tương lai.
Đây cũng là một "cuộc chiến nhận thức" - một cuộc đấu tranh để “kể” những câu chuyện làm nền tảng nhận thức cho các tranh chấp và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao khẳng định, trong bối cảnh đó, việc Học viện Ngoại giao lựa chọn chủ đề cho Hội thảo Biển Đông năm nay, "Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực”, không thể kịp thời hơn.
Nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra như: Cơ sở của những câu chuyện này có vững chắc không? Chúng có dựa trên các giá trị và chuẩn mực được công nhận rộng rãi không? Làm thế nào chúng ta có thể định hướng giữa các câu chuyện cạnh tranh để bảo vệ lập trường của mình và duy trì sự bình yên và sáng suốt của tâm trí?
Tương tự như vậy, làm thế nào các cường quốc tầm trung và các quốc gia thành viên ASEAN có thể duy trì tầm nhìn và kể câu chuyện quốc gia của họ, đồng thời duy trì quyền tự chủ chiến lược và sự tự cường khu vực?
Các đại biểu dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 chủ đề "Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực”. |
Nền tảng của hòa bình và ổn định toàn cầu
"Giống như một thuỷ thủ cần một ngôi sao chỉ đường để tìm phương hướng, chúng ta cần các luật lệ và nguyên tắc đã được thiết lập để neo giữ các chính sách và hành động của mình", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ.
Việc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi là nền tảng của hòa bình và ổn định toàn cầu, vì nó cung cấp một khuôn khổ chung để các quốc gia giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và hợp tác.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng cho rằng không thấy bất kỳ chuẩn mực và nguyên tắc nào phù hợp hơn đối với Biển Đông so với những chuẩn mực và nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
"Việc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi là nền tảng của hòa bình và ổn định toàn cầu, vì nó cung cấp một khuôn khổ chung để các quốc gia giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và hợp tác". |
Năm nay kỷ niệm 30 năm ngày UNCLOS có hiệu lực. Cột mốc quan trọng này mang lại cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của Công ước, một khuôn khổ pháp lý toàn diện mà theo đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải tuân thủ và là cơ sở cho hành động và hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trên không gian biển và rằng tính toàn vẹn của Công ước cần phải được duy trì.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, sự phát triển của các thỏa thuận thực hiện UNCLOS trong những năm qua đã nhấn mạnh cam kết lâu dài của các quốc gia đối với Công ước. Ví dụ gần đây nhất và đáng chú ý nhất là thỏa thuận phân định Vùng đặc quyền kinh tế năm 2022 giữa Việt Nam và Indonesia.
Tin liên quan |
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đồng chủ trì phiên thảo luận về nước biển dâng tại Liên hợp quốc |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng dẫn chứng thêm một phần trong cam kết không lay chuyển của Việt Nam đối với UNCLOS là Việt Nam đã lần đầu tiên đề cử ứng cử viên vào vị trí Thẩm phán Tòa án quốc tế Luật biển (ITLOS) cho nhiệm kỳ 2026-2035: đó là Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam.
"Chúng tôi tin tưởng, nếu được bầu, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh sẽ cống hiến hết mình cho ITLOS và đóng góp hiệu quả vào công việc của ITLOS, điều này cũng thể hiện trên thực tế cam kết mạnh mẽ và liên tục của chúng tôi đối với UNCLOS và rộng hơn là đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ.
Thông điệp về tầm nhìn, các chuẩn mực trân quý
Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc gần đây là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm chung của chúng ta trong việc đương đầu với những thách thức đối với nhân loại thông qua hợp tác đa phương.
Để làm sáng rõ điều đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt dẫn lại phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Chúng ta càng cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau”, rằng phải “tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, và rằng “Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN cần phải đi đầu với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức toàn cầu…”.
Theo Thứ trưởng, đó là những lời tâm huyết nhất về tầm nhìn, câu chuyện và các chuẩn mực trân quý của Việt Nam về tương lai chung, khi "chúng ta giương buồm tiến vào một kỷ nguyên mới".
Trong kỷ nguyên mới đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng Biển Đông sẽ là cầu nối của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một trung tâm năng động đối với tăng trưởng và thịnh vượng toàn cầu.
Biển Đông sẽ đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một giao điểm văn hóa nơi các nền văn minh giao thoa và là cầu nối giữa các trung tâm quyền lực của thế giới.
Do vậy, theo Thứ trưởng, ASEAN cần được tin tưởng và sử dụng bởi tất cả các bên, nhất là trong vai trò là tổ chức trung gian, hoà giải, tổ chức cung cấp khuôn khổ cho các kết nối và tương tác, bởi vì các nguyên tắc cởi mở, dung nạp, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế của ASEAN mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong khi không đe dọa bất kỳ bên nào.
| Khai mạc Hội thảo quốc tế về hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển Sáng ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế ‘Hợp ... |
| Nỗ lực ngoại giao đáng ghi nhận của Việt Nam vì biên giới, biển, đảo, hòa bình và phát triển Đó là nhận định của Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam Pierre Du Ville về nỗ lực của Việt Nam trong việc ... |
| Đối thoại Đông Nam Á: Đoàn kết hành động ứng phó với thiên tai Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, quản lý rủi ro ... |
| Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16: Định hướng tư duy, phát huy chuẩn mực Sáng ngày 23/10, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 với chủ đề “Định hướng tư duy, phát huy chuẩn ... |
| Hội thảo Biển Đông lần thứ 16: ASEAN không nên né tránh khó khăn và những bài học từ Biển Đỏ Ngày 23/10, ngày làm việc đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 “Định hướng tư duy, Phát ... |