Hội nghị bao gồm một phiên đối thoại mở với các Bộ trưởng Thương mại APEC về 2 chủ đề: Vận dụng các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho môi trường sáng tạo và Vai trò của Chính phủ để đẩy mạnh thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo tại các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.
Tại hội nghị, các chuyên gia sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm và nghiên cứu điển hình về chính sách thương mại cũng như vai trò của nhà cung cấp khác trong việc đổi mới nền kinh tế APEC.
Ban Chủ tịch Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo, ngày 19/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Động lực phát triển
Thực tiễn gần đây đã chứng minh thương mại và đầu tư quốc tế có vai trò quan trọng trong việc đổi mới cho phép công nghệ “vượt” qua biên giới giữa các quốc gia, tăng khả năng cạnh tranh và mở cửa thị trường mới. Việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa (TTC) xảy ra qua kênh chính thức và phi chính thức. Điều này xảy ra nhờ sự tham gia tích cực và hỗ trợ của nhiều cá nhân cũng như tổ chức khác nhau. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhìn ra những thách thức và kinh nghiệm từ quá trình thực tiễn TTC? Điều này sẽ được các chuyên gia chia sẻ nhìn từ kinh nghiệm của trung tâm APEC và việc áp dụng kinh nghiệm này vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, APEC được thành lập từ năm 1989, trải qua 28 năm hình thành và phát triển, APEC đã và đang được coi là đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn bao gồm các nền kinh tế lớn nhất về dân số, giàu mạnh nhất về kinh tế và năng động nhất về sức sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Theo đó, APEC, với 21 nền kinh tế thành viên, cùng tổng số dân hơn 2,8 tỷ người, chiếm khoảng 59% GDP của thế giới và 49% giao dịch thương mại quốc tế tính đến năm 2016, GDP của APEC đã tăng từ 16 ngàn tỷ USD năm 1989 lên hơn 20 ngàn tỷ USD trong năm 2016. Thành tích này đã giúp nâng mức thu nhập của người dân trong khu vực thêm 74%, và giúp hàng triệu người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo, nâng chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn dân chúng trong khu vực lên mức trung bình chỉ trong thời gian hơn 2 thập kỷ.
"Theo dự báo, trong thời gian tới, khu vực APEC vẫn tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu của mình trong bản đồ kinh tế thế giới và sẽ tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới thông qua sức sản xuất, cung cấp dịch vụ và tiêu thụ rất lớn của mình", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Về thương mại, mức thuế quan trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016. Những kết quả thực tế nói trên là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho nỗ lực của cả khu vực nói chung, cũng như của từng nền kinh tế thành viên nói riêng trong tiến trình thực hiện các hoạt động hợp tác về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đi lại của các doanh nhân và dân chúng trong khu vực, cũng như chia sẻ sự ổn định, phồn vinh và thịnh vượng chung như mong muốn của các Nhà Lãnh đạo APEC trong mọi thời kỳ.
Nhận thức được cơ hội và thách thức mà đổi mới sáng tạo mang lại, các thành viên APEC đã nỗ lực hết mình theo đuổi đổi mới sáng tạo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và sáng tạo. Năm 2014, các Nhà Lãnh đạo APEC đã ra Tuyên bố APEC về Phát triển sáng tạo, Cải cách và Tăng trưởng kinh tế trong đó nhấn mạnh phát triển sáng tạo thông qua thúc đẩy hợp tác về khoa học và đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi chuyển giao, phổ biến và thương mại hóa công nghệ; thúc đẩy sử dụng và thương mại hóa sở hữu trí tuệ và đảm bảo thực thi luật về quyền sở hữu trí tuệ; cải thiện môi trường đổi mới sáng tạo...
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chiến lược APEC 2015 về Củng cố Tăng trưởng Chất lượng một lần nữa tái khẳng định đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Không ngừng đổi mới sáng tạo
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để hiện thực hóa cam kết thương mại trong khu vực, các nền kinh tế cần tạo thuận lợi cho dòng chảy tự do của vốn, con người, ý tưởng, công nghệ, hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới theo cách thúc đẩy cạnh tranh. Ngoài các chính sách và chiến lược về thương mại và đầu tư, các chính phủ cũng cần phải xây dựng các nguyên tắc cốt lõi về chính sách đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, dựa trên chính sách của chính phủ, doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến các yếu tố công nghệ mà còn gồm các yếu tố phi công nghệ, có mối quan hệ chặt chẽ với một loạt các lĩnh vực bao trùm và phức tạp như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường tài chính, hệ thống giáo dục, nghiên cứu và phát triển (R&D), hệ thống pháp luật, sở hữu trí tuệ, thuế,...
Với tính chất phức tạp và bao trùm như vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thương mại, được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy quan trọng giúp định hình chính sách và chiến lược về đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Ngược lại, thương mại nói chung, thương mại hóa các đổi mới sáng tạo nói riêng cũng góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, "Ngoài các cơ hội mà đổi mới sáng tạo mang lại, chúng ta cần nhận thức được các khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Đó có thể là sự gia tăng khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và kém phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bất công và bất ổn xã hội, bóp méo thị trường lao động".
Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo đại diện các nền kinh tế thành viên APEC. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thương mại và đổi mới sáng tạo giữa các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững; tạo ra cơ hội đối thoại cởi mở thẳng thắn giữa các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC với đại diện giới doanh nghiệp về thúc đẩy thương mại và sáng tạo; cũng như xem xét các hoạt động APEC có thể tiến hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Sự kiện cũng bao gồm Lễ trao giải thưởng cho Cuộc thi Phát triển Ứng dụng dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Google và Quỹ châu Á đồng tổ chức. Giải thưởng nhằm tôn vinh sự sáng tạo của doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển thương mại và nâng cao cơ hội xuất khẩu cho các DNVVN.
Đây là cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cũng đưa ra các khuyến nghị với các Bộ trưởng APEC trong lĩnh vực thương mại đổi mới và sáng tạo.