Trong đó có cuộc: Đối thoại Chính sách cao cấp về Phát triển Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số do Bộ Lao động Thương binh & Xã hội chủ trì với sự tham gia phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Bên cạnh đó là các cuộc họp, hội thảo: Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) - Hội thảo về Phụ nữ trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), Nhóm adhoc về kinh tế mạng (AHSGIE), Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hoá, Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hoá - Thực địa, Ủy ban chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế kỹ thuật (SCE), Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách (PSU) - Ban Quản trị.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Đối thoại ngày 15/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thúc đẩy hợp tác, tận dụng cơ hội, giải quyết thách thức
Phát biểu khai mạc tại cuộc Đối thoại Chính sách cao cấp về Phát triển Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chúng ta đang sống và làm việc trong thời đại khi tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và xã hội.
Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chúng ta đều nhận thức rằng ứng dụng công nghệ và số hoá là cơ hội mới góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế, tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và tạo ra những cơ hội việc làm cho người lao động. Nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mới do sự gia tăng của tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo, do ngày càng có nhiều nhu cầu của các nghề và kỹ năng mới, do thay đổi phát sinh trong thị trường lao động và quan hệ lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đối thoại Chính sách cao cấp về Phát triển Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là bằng chứng về sự cam kết của chúng ta nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với nhu cầu phát triển và yêu cầu của người lao động cũng như của người sử dụng lao động nhằm vun đắp tương lai chung là một APEC năng động ổn định, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, có khả năng thích ứng với biến đổi kinh tế tài chính và những thách thức do thiên nhiên và con người gây ra.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đối thoại ngày 15/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cũng tại sự kiện này, phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Đây là Hội nghị mở đầu cho 8 hội nghị cấp bộ trưởng trong năm APEC của Việt Nam, thể hiện nỗ lực ko ngừng của cộng đồng APEC cũng như của Việt Nam về việc phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Đối thoại |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, gần đây cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhắc đến rất nhiều. Rõ ràng, đây là một điều gì đó có tính cách mạng đang đến với nền tảng là công nghệ thông tin, với các khái niệm như là internet vạn vật, như là trí khôn nhân tạo, robotics hay xử lý dữ liệu lớn và một trong những đặc tính của nó là tính kết nối và tích hợp rất cao. Điều đáng lưu ý ở đây là không chỉ kết nối thiết bị với thiết bị mà còn là kết nối thiết bị với người và đặc biệt là giữa người với người, tổ chức với tổ chức ở tất cả mọi cấp độ, ngóc ngách, từ chính phủ, doanh nghiệp, công dân, không chỉ ở phạm vi một cộng đồng, dân tộc hay khu vực mà là phạm vi toàn cầu.
APEC đặt trọng tâm vào phát triển năng lực con người
Các nước APEC đã có những bước chuẩn bị như những chương trình công nghiệp, internet hay là chương trình sáng kiến về chuỗi giá trị, chương trình sản xuất sáng tạo 3.0 ở hàn quốc hay chiến lược quốc gia về internet vạn vật ở Malaysia. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đang phối hợp với Hiệp hội các trường đại học vành đai Thái Bình Dương để thúc đẩy sự kết nối giữa các trường đại học trong mạng lưới này cũng như đảm bảo sự hợp tác thực chất hơn giữa các thành viên với cộng đồng doanh nghiệp. Thúc đẩy sự kết nối giữa các trung tâm giáo dục đại học và tiến tới là trung tâm đào tạo nghề trong khu vực.
Phát biểu tại phiên khai mạc, TS. Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nhấn mạnh, ngày càng cần tập trung nhiều hơn vào năng lực của con người và đây cũng là trọng tâm của APEC, với những nước phát triển là những nước đi đầu trong những năm vừa qua.
TS. Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại ngày 15/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Trong năm đăng cai, Việt Nam đã đề ra 4 ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Tôi hy vọng có nhiều lãnh đạo thay đổi về quan điểm chống lại lợi ích của toàn cầu hóa. Các lãnh đạo cũng muốn tập trung vào vấn đề này nhiều hơn. Việt Nam đã có những ứng phó liên quan tới vấn đề này. Có những vấn đề như cơ hội và thách thức như mất việc làm, lực lượng lao động đang già hóa và chúng ta đang phải hiệu chỉnh, có nhiều công việc sẽ xuất hiện trong nền kinh tế số dẫn tới tăng năng suất, cần phải có những dự báo về những diễn biến về công nghệ, đồng thời xem xét công việc của chúng ta trong kỷ nguyên mới.
Diễn đàn nguồn nhân lực này với một chương trình nghị sự có thể nói rất bao quát các lĩnh vực quan trọng nhất như tương lai việc làm, đổi mới giáo dục, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Các diễn giả cùng nhau chia sẻ cơ hội, khó khăn thách thức, kinh nghiệm, cách làm để có được những đề xuất, khuyến nghị chung nhằm làm sao thực hiện thật tốt cơ hội đặt ra đồng thời vẫn phải đảm bảo yêu cầu phát triển bao trùm, bền vững, bình đẳng về lao động và việc làm xã hội.
Từ ngày 9 - 21/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và các cuộc họp liên quan, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23).
Các hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017, và có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017, đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế và các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.