Cụ thể, ngày 4/4, Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) dẫn dữ liệu vệ tinh cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông.
Hiện tại, nhóm tàu sân bay đang ở khu vực ngoài khơi Malaysia.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, ảnh chụp ngày 31/3. (Nguồn: US Navy) |
Cho đến thời điểm này, hải quân Mỹ vẫn chưa công bố kế hoạch hoạt động của nhóm tàu tại Biển Đông.
Nhóm tàu USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày một gia tăng.
Thời gian qua, truyền thông quốc tế đưa tin, 220 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu vỏ sắt cỡ lớn này thả neo tại chỗ, không có bất cứ hoạt động đánh bắt nào dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi.
Sau nhiều ngày neo đậu, khoảng 220 tàu Trung Quốc đã tỏa đi các đá ngầm và đảo khác trong khu vực, 44 tàu vẫn ở bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông.
Ông Ben Schreer, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie (Australia), bình luận rằng, việc tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông nhằm chống lại các yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này và để gửi tín hiệu tới các đồng minh của Washington, gồm Philippines, rằng Mỹ là một "đồng minh hiệp ước đáng tin và có năng lực".
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 25/3, nói về thông tin 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại rạn san hô Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế: “Là quốc gia ven biển và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước này”.
Theo đó, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc đóng góp vào việc duy trì hòa bình an ninh ổn định và trật tự pháp lý trên biển trong khu vực.