📞

Tết của ngày xưa cũ

10:30 | 06/02/2019
Những ngày cuối cùng của một năm cũ sắp qua, nhìn dòng người hối hả ngược xuôi ngoài đường, tôi nôn nao nhớ những cái tết của những tháng năm xưa cũ.  

Những ngày áp tết, làng quê tôi thường chộn rộn, tưng bừng rất nhiều hoạt động. Tết là cái từ thiêng liêng, là sự mong đợi, là thời khắc quan trọng mà mọi thứ trong năm đều phải dành cho Tết.


Những năm tháng xưa, khó khăn thiếu thốn thế nên mới có câu “no 3 ngày tết”. Mọi thứ từ lớn như con lợn, con gà, cân gạo nếp, nồi rượu gạo đến nhỏ như quả bưởi, quả chanh, củ gừng, củ riềng, cái gì cũng dành đến Tết.


Tháng Chạp là tháng Tết, là khoảng thời gian mọi hoạt động được tăng cường, rộn ràng, sôi nổi, tất bật khác thường. Những năm tháng ấy, rừng là nguồn sống, nguồn thu nhập đáng kể cho dân làng chúng tôi. 

Từ sáng sớm, khi trời còn tối đất, từng dòng người đã í ới gọi nhau đi núi. Trong bóng tối lờ mờ của buổi sáng mùa đông, đoàn người đi núi lầm rầm trò chuyện. Những tiếng bước chân nối dài, những câu chuyện xen lẫn tiếng cười khúc khích khiến cho mọi người chẳng thấy gì là nhọc mệt.

Ấy là dòng người lên rừng kiếm củi, lấy giang, lấy lá.
Buổi trưa, buổi chiều dòng người từ núi trở về. Những sản vật của rừng kẽo kẹt trên đôi vai người gồng gánh. Củi là thứ kiếm được nhiều nhất. Những gánh củi đè nặng trên vai được chuyển từ rừng đến chợ hay xuống thuyền về xuôi. Những gánh củi mẹ gánh ra chợ bán để thành áo mới, thành quà tết, thành những thứ chi tiêu. Những người “thợ rừng” khéo léo mới biết lấy những thứ như lá dong, giang và ống. Những thứ này tuy phải đi xa một chút nhưng không phải gánh nặng mà bán lại được tiền. Giang, lá để làm bánh chưng hẳn rằng ai cũng biết.

Tết quê tôi những ngày xa xưa thật giản dị nhưng ấm cúng

Nói đến ống thì người viết phải “mở một cái ngoặc” để giải thích cho rõ thế này: đó là thứ đồ dùng được làm từ cây nứa. Một thứ đồ dùng được chế tác cực kỳ đơn giản. Nó chỉ là một đoạn ống nứa được vát chéo ở một đầu. Đáy ống chính là cái “mắt” tự nhiên của cây nứa. Ống nứa đựng mắm tôm giờ đã trở thành chuyện ngày xửa ngày xưa rồi nhưng cách đây vài chục năm nó là thứ gắn bó với đời sống của những người dân chân lấm tay bùn của quê tôi. Những phiên chợ Tết là lúc mọi người bán mua, trao đổi sổi nổi rộn ràng. Những thứ nhỏ bé như củ gừng, củ riềng ngày thường chẳng đáng bao nhiêu nhưng vào phiên chợ Tết nó thành có giá.

Một chiều áp Tết, bà tôi đem lá cây làm nước nẳng đốt lên để lấy tro chuẩn bị cho nồi bánh Tết. Từng bó lá cây bỏng nổ, cây chanh ma, lá si, lá sở được cất trên gác chuồng bò giờ đem ra đốt.

Mùi khói thơm cay nồng trong ngọn lửa hồng ấm áp vào buổi chiều đông gợi trong lòng người một thứ tình cảm thật lạ lùng. Đó là cái tình quê lai láng. Bầu trời cao bổng, hừng lên một thứ ánh sáng báo hiệu mùa xuân sắp đến. Ngọn lửa tàn dần để lại một đống tro trắng xốp, thơm một mùi thơm dễ chịu. Tro ấy được đun cùng với nước để làm thành nước nẳng. Nước nẳng để làm bánh tẻ hoặc làm bánh nẳng. Bánh tẻ quê tôi nhất định phải có nước nẳng mới ngon. Nước nẳng phải được nếm để kiểm tra cho đúng độ. Nếu già nẳng quá bánh sẽ chát, nếu non nẳng quả bánh sẽ nhão.
Đến ngày giã bột làm bánh mới thật tưng bừng. Nhà tôi trở thành trung tâm. Mấy nhà quanh xóm đến nhà tôi giã nhờ bột bởi nhà tôi có cối máy.

Cả nhà quây quần gói bánh chưng và đun bằng những gốc củi suốt đêm.

Gọi là cối máy nhưng thật ra chẳng có tí máy móc nào. Nói theo đúng theo ngôn ngữ chuyên môn vật lý thì nó thuộc loại máy cơ đơn giản, hoạt động theo nguyên tắc đòn bẩy. Điểm tựa là đôi tai cối gác trên đôi trụ gỗ chôn xuống đất. Hai cánh tay đòn là hai phần của cần cối. Phần dài nối với chày, phần ngắn là nơi người giã dẫm chân lên. Trong ánh sáng mờ mờ của gian chái, nơi đặt cối máy, tiếng giã bột thậm thịch suốt mấy ngày liền mới náo nức làm sao.

Những cái Tết xưa tưng bừng, nhộn nhịp trong cả tháng trời với biết bao nhiêu việc chuẩn bị Tết. Những năm tháng ấy, con người gần gũi với thiên nhiên, cái vui nhỏ mà ngấm lâu. Những tất bật lo toan làm cho người người gần gũi. Tết xưa thân thương vậy đó.

Hà Thanh Liêm

(Trường THCS Dân tộc Nội trú Lập Thạch)