📞

Tết Trung thu dành cho ai?

TS. Vũ Thu Hương 10:53 | 13/09/2019
TGVN. Nhiều người nói, Tết Trung thu thời nay vừa thừa vừa thiếu với đồ chơi xịn, với bánh trung thu đắt tiền nhưng lại không thực sự dành cho con trẻ. 
Sự hồn nhiên của trẻ trong ngày Tết Trung thu. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Thật vậy, Trung thu thời nay cũng như nhiều lễ hội của trẻ em Việt Nam bị biến tướng rất nhiều. Dường như Trung thu không phải là ngày hội của trẻ em mà là một ngày lễ tặng quà của người lớn.

Với trẻ nhỏ, Trung thu chỉ là ngày được đi mua quà, được ngắm những cửa hàng xanh đỏ, đến dự các buổi liên hoan bánh kẹo rực rỡ. Với trẻ em thời nay, khi bánh kẹo đã quá dư thừa, những buổi xem ca nhạc cũng không hề ít, thì một buổi lượn phố để "rinh" quà như vậy cũng chẳng đem lại nhiều hứng thú. Các con không cảm nhận được ý nghĩa của ngày lễ dành cho mình.

Thậm chí, nhiều gia đình lại lấy thời khắc Trung thu là lý do tụ tập ăn uống. Chính điều này đã khiến ngày lễ Trung thu bị bóp méo, đánh mất hết ý nghĩa tốt đẹp và hấp dẫn.

Tôi nghĩ, Trung thu không cần gì nhiều ngoài sự nhiệt tình dành cho trẻ. Ấn tượng tuyệt vời nhất mà Trung thu đem lại cho trẻ là màu sắc Á Đông trong không khí dân gian truyền thống.

Đó là đèn ông sao, ông sư, đèn kéo quân, đèn lồng. Đó là món bánh dẻo bánh nướng truyền thống và các trò chơi dân gian như múa lân, múa sư tử, kéo co, đánh khăng, đánh đáo. Đó là không khí ngập màu sắc rực rỡ, ngập tiếng cười nói, tiếng trống, tiếng đàn, trong hàng trăm bước chân vội vàng của trẻ đi theo rước đèn, trông trăng. Đó là ông trăng sáng trong tiếng trống reo mừng, là trò chơi đốt hạt bưởi thơm của lũ trẻ tinh nghịch...

Nếu không có những thứ đó, Trung thu không thể là Trung thu mà chỉ là một ngày lễ vui chơi nhạt nhòa nào đó.

Thời nay, trẻ nhận được đồ chơi xịn, bánh Trung thu nhưng phải chăng Tết Trung thu không dành cho các con? Dù "chạy sô" dự Trung thu ở lớp, ở trường, ở tổ dân phố, ở cơ quan cha mẹ nhưng dường như các con không cảm nhận được ý nghĩa của ngày lễ thực sự dành cho mình.

Vấn đề chính ở chỗ đó, Trung thu ngày nay, trẻ không được nghe kể về sự tích chị Hằng, chú Cuội và nhân cơ hội học hỏi trau dồi tư cách đạo đức thông qua câu chuyện. Tự khi nào, Trung thu bị biến tướng khiến cả trẻ em lẫn người lớn mệt mỏi...

Làm sao để trả lại lễ hội dân gian cho trẻ?

Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua các kỳ lễ hội khi còn nhỏ. Chúng ta có lẽ vẫn còn nhớ sự háo hức vui sướng mong chờ ngày lễ hội sắp đến. Hàng năm có ngày Tết Thiếu nhi (1/6), có Tết Trung thu… dành cho trẻ nhỏ.

Nhưng điều đáng nói, những năm gần đây, lễ hội truyền thống dường như đang bị biến tướng đi nhiều. Phần vì các hoạt động hiện đại khác đã làm cho các lễ hội mất dần đi bản sắc ban đầu. Phần vì các món đồ chơi xa lạ du nhập vào Việt Nam đã khiến những đồ chơi truyền thống, dân dã bị “chìm”. Phần vì chính người lớn tự động thay đổi, biến tướng lễ hội của trẻ nhỏ thành thứ mà người lớn tự cho là hay, là hiện đại, là đẳng cấp. Và từ ý nghĩa ban đầu là dành cho trẻ, không ít lễ hội ấy trở thành thời khắc vui chơi của người lớn.

Các con thích thú với ngày lễ dành cho mình.

Vậy làm cách nào để trả lại lễ hội dân gian cho trẻ? Làm sao để trẻ được trải qua niềm vui sướng của các lễ hội như các thế hệ cha mẹ, ông bà của chúng? Câu hỏi đó sẽ dành cho các bậc cha mẹ có trách nhiệm.

Hãy nhớ, trẻ nhỏ có suy nghĩ và quan điểm của mình. Vì thế, hãy cho trẻ tham gia vào các công tác chuẩn bị lễ hội. Khi được thực sự tham gia, trẻ sẽ có được niềm vui háo hức mong chờ ngày lễ hội đó chứ không bị cảm giác mình là... người thừa, bên lề của buổi lễ.

Với các hoạt động, đừng làm theo kiểu “chiếu lệ”, cho có, thay vì đi mua đồ chơi ngoại nhập, các cha mẹ hãy mua nguyên liệu về và dạy con cùng làm đèn ông sao, đèn lồng… Dù món đồ không thật đẹp đẽ nhưng chắc chắn các con sẽ vô cùng vui sướng, thích thú khi nhìn ngắm sản phẩm của chính mình và mong chờ ngày Tết Trung thu đến.

Hãy cho con tìm hiểu ý nghĩa của các lễ hội. Sẽ thật nhàm chán khi ý nghĩa lễ hội đã trở nên xa lạ với mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vui chơi mà không biết ý nghĩa, hẳn nhiên niềm vui trẻ nhỏ sẽ trôi qua một cách nhanh chóng.

Cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu ý nghĩa của ngày hội và của từng món đồ trong lễ hội sẽ giúp trẻ vui vẻ và hào hứng hơn nhiều việc chỉ mua đồ chơi về cho con. Mỗi người một việc, cùng nhau chuẩn bị, cùng nhau thực hiện là điều trẻ thích thú, cảm thấy mình quan trọng, là trung tâm của những buổi lễ ấy.

Những tạo hình ngộ nghĩnh, đáng yêu từ "cây nhà lá vườn" do phụ huynh dành cho các con. (Ảnh: YN)

Đặc biệt, cùng trẻ xây dựng chương trình ngày lễ chu đáo và phong phú sẽ phát huy tính sáng tạo của trẻ. Với lịch trình rõ ràng, nhiều hoạt động, chắc chắn trẻ sẽ vô cùng hứng thú, tò mò khám phá chính mình. Các tiết mục diễn ra đa dạng và tuần tự chắc chắn sẽ làm cho ngày hội nhiều màu sắc và hấp dẫn hơn. Cùng với đó, trước và cả sau buổi lễ, tất cả trẻ cùng tham gia sẽ giúp các con hình thành tính trách nhiệm, tự chủ, tự tin và học được sự sẻ chia. Từ đó, ít nhiều sẽ giúp các con tích lũy thêm kỹ năng hơn.

Thực tế, lễ hội văn hóa dân gian của Việt Nam vô cùng phong phú và hấp dẫn. Khám phá kho tàng ấy là niềm vui và quyền lợi của trẻ nhỏ. Học văn hóa sống qua các lễ hội vô cùng hữu ích và thiết thực. Thiết nghĩ, thay vì mua những món quà đắt đỏ, phụ huynh xin hãy dạy trẻ hiểu về ý nghĩa của Tết Trung thu...