Ngay sau chiến thắng sít sao nhất trong lịch sử “xứ kim chi” của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol, thuộc đảng đối lập chính Sức mạnh Quốc dân (PPP), giới doanh nghiệp Hàn Quốc tỏ rõ là đối tượng hào hứng nhất với nhiều kỳ vọng về chính sách kinh tế mới, trong đó doanh nghiệp được hậu thuẫn, linh hoạt các quy định, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp tương lai và thiết lập mô hình tăng trưởng mới.
Ông Yoon Suk-yeol cam kết giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu. (Nguồn: Globalvillagespace) |
Cần động lực bứt phá
Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ đối diện với áp lực trước mắt là phải dẫn dắt đưa ra các quyết sách nhằm ứng phó hiệu quả trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, trong đó, cùng những biện pháp vượt qua khủng hoảng kinh tế, giữ vững động lực tăng trưởng và tìm được động lực phát triển mới cho nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới.
Một mô hình tăng trưởng mới, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững được cho là rất cần thiết để tạo nên một cú hích cho nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn cấu trúc của kinh tế toàn cầu đang thay đổi và bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng. Và kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như một phần của chiến lược phát triển quốc gia của Tổng thống đắc cử là phần quan trọng tạo nên cú hích đó.
Việc tăng tốc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin thời hậu Covid-19 tạo ra sự bùng nổ trong nhu cầu về chất bán dẫn. Ông Yoon Suk-yeol ý thức được rằng, ngành công nghiệp này đang chuyển sang giai đoạn cạnh tranh toàn cầu.
Trước mắt, ông Yoon Suk-yeol đã đề xuất thúc đẩy việc gây quỹ và thành lập các cơ quan liên quan để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Ông cũng cam kết sẽ biến Anseong, Yongin, Icheon và Pyeongtaek - nơi có Samsung Electronics và SK Hynix, trở thành những thành phố bán dẫn trong tương lai, có đẳng cấp thế giới.
Với tầm quan trọng của việc thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt cho các nguồn nguyên liệu vốn đang chịu tác động từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol nhiều khả năng sẽ quan tâm đến sự phát triển của các ngành vật liệu, phụ tùng, thiết bị và ưu tiên quản lý rủi ro chuỗi cung ứng.
Ông Yoon từng tuyên bố: “Nhà Xanh sẽ điều hành không chỉ về an ninh quân sự mà cả an ninh kinh tế”, ông nói.
Và để thực hiện chiến lược đã đặt ra, một chủ trương được tóm tắt bằng khẩu hiệu: “Hãy sử dụng tinh thần của doanh nghiệp để hỗ trợ mô hình tăng trưởng do tư nhân lãnh đạo” cho thấy rõ vai trò quan trọng của lĩnh vực tư nhân trong nền kinh tế Hàn Quốc tương lai.
Trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ giảm thuế cho các doanh nghiệp và tầng lớp giàu có. Ông khẳng định, “những doanh nghiệp sáng tạo và có nhiều ý tưởng mới sẽ tạo thêm được nhiều việc làm. Tôi sẽ loại bỏ các chính sách quản lý không cần thiết và tập trung vào phát triển các doanh nghiệp có tiềm năng dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 với trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ giúp đảo ngược xu thế tụt hậu của nền kinh tế Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, vấn đề mà giới doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại là việc đạt được sự đồng thuận của Quốc hội - vấn đề mấu chốt đối với tân Tổng thống Hàn Quốc trước khi có thể thực hiện các cam kết. Hiện tại, số ghế trong Quốc hội của PPP kém xa so với đảng Dân chủ (DP) cầm quyền - có nhiệm kỳ sẽ kéo dài đến ngày 29/5/2024.
Cam kết lay động lòng dân?
Giới phân tích nhận định, ông Yoon Suk-yeol đã “lay động” được lòng dân, với cam kết phải lắng nghe lòng dân, tiếng nói của dân trong cuộc vận động tranh cử. Nhưng với những thành tích đáng được công nhận của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, chiến thắng của ông Yoon đồng nghĩa với việc cử tri Hàn Quốc đang mong muốn có sự thay đổi chính sách với nhiều điểm mới bứt phá và không theo “lối mòn”. Đó là thách thức lớn đối với Tổng thống đắc cử.
Nhiều cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy, các vấn đề kinh tế - an sinh xã hội, giá cả sinh hoạt, giá bất động sản... mới là điều cử tri Hàn Quốc quan tâm hàng đầu, hơn hẳn so với các vấn đề đối ngoại. Theo đó, thách thức trực tiếp đối với ông Yoon xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vấn đề lớn còn tồn đọng và những cam kết tranh cử được giới truyền thông đánh giá là dân túy và không dễ thực hiện.
Ổn định giá bất động sản là vấn đề nan giải còn để lại từ nhiệm kỳ trước. Từ năm 2017 đến nay, giá các căn hộ tại thủ đô Seoul và các thành phố lớn - nơi sinh sống của một nửa dân số Hàn Quốc, đã tăng gấp đôi. 62% tài sản ròng của hộ gia đình là bất động sản, điều này không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế mà còn làm giảm năng lực tiêu dùng của người dân trong dài hạn.
Vấn đề thứ hai là nợ hộ gia đình và nợ công tăng cao. Tính đến tháng 9/2021, tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP của Hàn Quốc ở mức trên 105,8% - mức cao hàng đầu thế giới và gần gấp đôi mức trung bình trong Nhóm G20. Người Hàn Quốc đang đi vay nhiều hơn bao giờ hết và các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo lắng khoản nợ 1.540 tỷ USD có thể trở nên không bền vững khi lãi suất tăng.
Trong khi nền kinh tế thứ tư châu Á đang phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn là quá trình già hóa dân số, kéo theo gánh nặng nợ công, chi phí chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và trên hết là áp lực về quỹ lương hưu - được cho sẽ cạn kiệt vào năm 2057.
Tỷ lệ thất nghiệp cao và thiếu việc làm là vấn đề lớn thứ ba. Kể từ năm 2017, Hàn Quốc tạo ra khoảng 173.000 việc làm mới/năm. Tuy nhiên, con số này quá nhỏ so với cam kết trên 500.000 việc làm/năm của Tổng thống Moon Jae-in.
Dữ liệu từ Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc cho thấy, mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc trong năm 2022 tăng tới 41,6% lên 9.160 Won/giờ (tương đương 7,65 USD) so với năm 2017, cùng quãng thời gian này, các nhà sản xuất đã chuyển 180.000 việc làm sang các cơ sở sản xuất ở nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề bất bình đẳng và xung đột giới, trên Facebook cá nhân, nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chính Tổng thống Moon Jae-in thừa nhận những thiếu sót và hy vọng chính quyền kế nhiệm sẽ tiếp tục các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, một vấn đề nhạy cảm ông Yoon Suk-yeol gặp phải lại là yêu cầu cân bằng lại chính sách vốn bị coi là quá thuộc về nữ của Tổng thống đương nhiệm.
Cuối cùng, vấn đề nhạy cảm nhất chính là cách thức đối phó và xử lý đại dịch Covid-19. Chính quyền của Tổng thống đương nhiệm đã gặt hái được những thành quả nhất định, song Hàn Quốc lại đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến chưa từng có trong những ngày gần đây.
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch phải đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm nay, 3,1% trong năm 2023, sau đại dịch nhiều khả năng khó khăn sẽ còn tăng lên gấp bội.