Thăm cấp nhà nước, thăm chính thức hay thăm làm việc khác nhau như thế nào? |
Tại nhiều nước, đón tiếp nguyên thủ quốc gia nước ngoài thăm song phương thường chia ra thăm nhà nước và thăm chính thức, của người đứng đầu Chính phủ là thăm chính thức và thăm làm việc.
Giữa các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, khi trao đổi các đoàn ở cấp cao nhất thường là với danh nghĩa “Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước” “Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ” và với tính chất “thăm hữu nghị chính thức”, ít khi nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Đảng hay Chính phủ đi thăm với danh nghĩa chức vụ cá nhân.
Chương trình đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia “thăm nhà nước’ bên cạnh cuộc hội đàm quan trọng giữa hai nguyên thủ quốc gia và các cuộc tiếp xúc với những lãnh đạo chủ chốt của nước chủ nhà còn bao gồm nhiều hoạt động lễ tiết long trọng như: lễ đón, lễ tiễn, lễ đặt vòng hoa, lễ trao huân chương, chiêu đãi nhà nước… do nguyên thủ nước chủ nhà chủ trì với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao, nhiều hoạt động lễ tân khác do người đứng đầu các cơ quan trọng yếu của nước chủ nhà tổ chức.
Với cách thức tổ chức đón tiếp như vậy nên chuyến thăm nhà nước một vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài được hai bên thống nhất và chuẩn bị trước cả năm.
Nếu là chuyến thăm làm việc của người đứng đầu Chính phủ thì thời gian thường ngắn, phần nghi thức giảm đến mức tối thiểu, hoạt động chính trong chuyến thăm là hội đàm, tiếp xúc.
Đón tiễn đơn giản không có đầy đủ nghi thức, cấp đón tiễn cũng không nhất thiết là ngang cấp.
Các cuộc thăm làm việc thường không có các hoạt động đặt vòng hoa, biểu diễn văn nghệ như khi thăm chính thức.
Chiêu đãi tổ chức không mời rộng, chủ yếu là những người của cả hai bên trực tiếp tham gia làm việc, nếu thời gian không cho phép thì cũng có trường hợp không tổ chức chiêu đãi, trong chiêu đãi không trao đổi diễn văn, nếu có chỉ là lời chúc rượu.
Những năm gần đây, giữa các nước có xu hướng tăng cường trao đổi các đoàn đi thăm làm việc, giảm bớt trao đổi các đoàn thăm nhà nước đối với nguyên thủ quốc gia thường mất nhiều thời gian và tốn kém cho cả khách và nước chủ nhà.
Khi chuẩn bị cho Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ năm 2006, phía Trung Quốc đề nghị Tổng thống Bush đón Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm nhà nước như Tổng thống Clinton đã đón Chủ tịch Giang Trạch Dân thăm Mỹ năm 1997. Báo chí Mỹ đã bình luận, Tổng thống G. Bush là người “keo kiệt” trong việc tổ chức đón khách nước ngoài thăm nhà nước, cho đến thời điểm đó sau 5 năm làm Tổng thống, ông mới đón tiếp 5 vị nguyên thủ nước ngoài thăm nhà nước.
“Thăm nhà nước”, “thăm chính thức” hay “thăm làm việc” là một cụm từ, như phân tích ở trên nó chỉ tính chất của chuyến thăm, không nên tự ý thêm chữ và thành “thăm và làm việc” hoặc thêm dấu thành “thăm, làm việc” hay thêm chữ hữu nghị thành “thăm hữu nghị chính thức’ như một số báo khi đưa tin.
Trường hợp nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu Chính phủ đến một nước dự hội nghị quốc tế do nước đó đăng cai tổ chức thì nước chủ nhà thường không đón với đầy đủ nghi thức dành cho nguyên thủ hay người đứng đầu Chính phủ thăm song phương như khi thăm nhà nước hay thăm chính thức, mà vị khách quý chỉ có thể được đón với tư cách Trưởng đoàn như các Trưởng đoàn khác tham dự hội nghị theo quy định hay thông lệ của tổ chức đó.
Ngay cả trường hợp nguyên thủ quốc gia được mời đến một nước dự một hoạt động quan trọng: Quốc khánh, quốc tang, lễ nhậm chức của Tổng thống… thì nước chủ nhà cũng thường không đón với đầy đủ nghi thức dành cho cấp nguyên thủ quốc gia đến thăm, mà thường là với những nghi thức đơn giản hơn áp dụng gần như nhau đối với các đoàn đại biểu khác được mời dù ở cấp thấp hơn.
Về tính chất chuyến thăm, ngoài các chuyến thăm như nói ở trên còn có “thăm cá nhân” hay “quá cảnh”. Tuy không phải là chuyến thăm song phương với đúng nghĩa của nó, nhưng nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ… là những người đang nắm giữ một chức vụ quan trọng, vì vậy nước sở tại mà khách thăm hay quá cảnh cũng dành cho khách một số thủ tục lễ tân, ví dụ tạo các điều kiện thuận lợi và dễ dàng khi xuất nhập cảnh, cử cán bộ giúp một số thủ tục cần thiết, bảo đảm an ninh và đặc biệt tùy theo yêu cầu của hai bên và thời gian cho phép có thể tổ chức tiếp xúc hoặc chiêu đãi.
Giữa một số nước mà lãnh đạo có quan hệ gần gũi với nhau, đặc biệt là những nước ở gần nhau lại có tập quán trao đổi các chuyến thăm “không chính thức” hay như báo chí gọi là “không cà vạt”, cuộc gặp gỡ có thể được tổ chức ở một địa điểm gần biên giới hay một thành phố nghỉ mát, không nhất thiết phải đến thủ đô, không có nghi thức đón tiễn, có tiếp xúc hội đàm nhưng thường không có thông cáo hoặc tuyên bố chung.
Tổng thống Nga Putin đã từng gặp Tổng thống Bush tại Trại David, trang trại Crawford vùng Texas. Trong những lần gặp đó, đã có nhiều cuộc “mạn đàm không đeo cà vạt”, như chính Tổng thống Bush tuyên bố: "Chỉ bạn bè mới mời về nhà mình”.
Năm 2007, Tổng thống Bush và cha ông đã đón tiếp Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại dinh cơ riêng của gia tộc tại thành phố Kennebunkport.
| Thủ tục và nghi thức đón Nguyên thủ Quốc gia có được quốc tế quy định không? TGVN. Nghi lễ ngoại giao có cơ sở xuất phát từ các quy tắc của phép lịch sự quốc tế. Vì thế, không có luật ... |
| Chiêu đãi ở các Cơ quan đại diện có Nguyên thủ Quốc gia dự, sắp xếp chỗ ngồi như thế nào? TGVN. Trong chiêu đãi tại Cơ quan đại diện có Nguyên thủ quốc gia nước tiếp nhận đến dự thì việc sắp xếp chỗ ngồi ... |
| Tranh chấp ngôi thứ ngoại giao được giải quyết trên nguyên tắc nào? TGVN. Trải qua nhiều thế kỷ tranh chấp, vấn đề ngôi thứ ngoại giao giữa các đại diện ngoại giao đã được giải quyết dứt ... |