📞

Thăm Kyoto mùa hoa anh đào nở

14:00 | 04/04/2019
TG&VN xin giới thiệu tùy bút của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trường viết từ cố đô Kyoto, đúng mùa hoa anh đào nở và cũng đúng dịp Nhật Bản công bố niên hiệu “Lệnh Hòa”, đánh dấu kỷ nguyên mới của đất nước Mặt trời mọc.
Thăm Kyoto mùa hoa anh đào nở.

Nhật Bản là một đất nước quần đảo độc đáo. Được nói đến nhiều hơn cả có lẽ là hoa anh đào, nở rộ vào tiết trời ấm áp tháng Tư. Hoa nở dần từ các đảo cực Nam ấm áp của Okinawa lên vùng cực Bắc giá lạnh của Hokkaido, dọc chiều dài đất nước 3500 km. Khi nở, hoa tràn ngập các cành, ngay phần gốc cổ thụ sần sùi cũng trổ mấy đóa vô thường. Dường như hoa dâng hiến hết cho đời, không giữ lại gì cho mình. Và mùa sau lại thế. Thật là một loài hoa kỳ diệu, không kén đất kén người, cho đất nước này được mệnh danh Xứ sở Hoa Anh đào. Mọi miền đất dù nơi nào khắc nghiệt cũng trở nên thơ mộng đáng yêu.

Chúng tôi bay từ Hà Nội sang Osaka – thành phố biển ở miền Nam Trung bộ Nhật Bản, khi những đợt nắng ấm đang xua tan giá lạnh cho hoa anh đào nở chào tiết thanh xuân.

Từ Osaka có thể tới thăm Kobe, thưởng thức món thịt bò do chính người Kobe nấu nướng. Bạn đừng tưởng món thịt bò Kobe này nơi nào cũng có thể nấu được như ở Kobe. Chỉ gần giống thôi. Giá cả thì đắt như nhau không chút khoan nhượng. Nhưng những miếng thịt thưởng thức tại một quán ăn nào đó ở thành phố này sẽ tan biến khi ta đưa vào miệng.

Cũng như vậy, các món Sushi chế biến ở Nhật Bản đặc sắc bội phần so với bất kỳ quán Sushi nào ở Hà Nội hay trời Âu. Nếu không thế thì phở tại Little Sài Gòn hay Dresden, thậm chí ở Sài Gòn, đã có thể mang hương vị độc đáo như Phở Hà Nội. Dù Phở Hà Nội bây giờ đã không còn ngon được như phở thời Nguyễn Tuân còn sống.

Bạn đã từng thăm Ý và thưởng thức món Spaghetti và Pizza ở đó chưa? Hai món đó không nơi nào sánh được như ở Ý, dù chúng được chính các đầu bếp người Ý chế biến tại một trong những nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha hay Thụy Điển chẳng hạn.

Nhưng nếu ở Stockholm, tìm tới một nhà hàng dưới lòng đất có chiếc dương cầm phủ bụi, bạn thưởng thức món thịt tuần lộc hay vịt trời săn được ở vùng đầm lầy miền Trung nước này thì hương vị cũng tuyệt vời khác biệt.

Như thế, Mao Đài “xịn” thì chỉ có thể chưng cất ở thôn Mao Đài tỉnh Quý Châu bằng nước sông Xích Thủy. Chả thế mà chính phủ Trung Quốc đã không thể mở rộng sản xuất thứ rượu quý ấy, dù chở nước từ sông Xích Thủy và đưa thợ Mao Đài sang xã bên cạnh để sản xuất rượu Mao Đài. Làm sao cắt nghĩa điều này, có lẽ thuộc phạm trù “địa - ẩm thực” chăng!

Từ Osaka, đi tàu khoảng một giờ, chúng tôi tới thăm Kyoto, cố đô của Nhật Bản. Osaka là thành phố công nghiệp, thương mại, hàng hải, nơi nơi người đi như nước xối trên hè, vội vã và tấp nập là thế. Thì Kyoto thật thanh bình, yên ả. Vậy mà nơi này những thời xa xưa từng trải qua những cuộc chà xát tranh chấp vương quyền đầy máu lửa, lấp loáng ánh kiếm của giới võ sĩ đạo. Thời ấy ở Nhật Bản, gia tộc nào gây dựng được đội quân máu lạnh có kiếm thuật cao siêu, lãnh chúa ắt chiếm thế thượng phong trong những cuộc nội chiến không ngừng nghỉ suốt ngàn năm lịch sử.

Phố xá hiện đại sắp xếp như một bàn cờ lớn không che khuất các đền đài cổ kính, được xây dựng trong 500 năm cùng kinh thành Kyoto. Hoàng cung là di tích lịch sử tráng lệ trải qua nhiều lần trùng tu, mở cửa cho khách tham quan miễn phí. Nơi này từng chứng kiến những sự kiện làm đảo lộn thế giới phương Đông – mở đầu cuộc canh tân Minh Trị tự cường, vào cái thuở hầu hết châu Á bị thực dân thống trị do đã kéo lê theo tư tưởng bế quan tỏa quốc. Thật hữu duyên khi đặt chân đến cố đô này vào cái năm bản lề mở ra triều đại mới với niên hiệu “Lệnh Hòa”.

Giữa khuôn viên rộng lớn, du khách chỉ có thể đi lòng vòng xem bề ngoài cung điện, nhưng lại được chiêm ngưỡng nghệ thuật bồn cảnh và bonsai nổi tiếng của Nhật Bản cầu kỳ và tinh tế tại vườn thượng uyển.

Khi nắng chiều dần buông, chúng tôi vội vã bắt chuyến xe ra ngoại ô, tới đầu nguồn một con sông tên là Kamo, nơi hoa anh đào nở rộ, chợt nghe tiếng xào xạc rừng tre, mà như bạn của con gái tôi nói rằng, ai chưa đến thăm nơi này thì chưa trọn tình với Kyoto.

Thị trấn nhỏ đã lên đèn. Gió núi se lạnh. Phố cổ niềm nở cúi mình chào bạn đến từ phương xa. Mời vào một quán ấm cúng bên đường thưởng thức món cổ điển Nhật Bản – đồ biển.

Nguyễn Ngọc Trường