📞

Thăm miền đất địa linh Tam Chúc

13:12 | 02/01/2019
Thắng cảnh thiên nhiên - tâm linh Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đang trở thành điểm đến du lịch ngày càng được nhiều người biết đến.

Tam Chúc là vùng núi đá vôi ngập nước còn rất hoang sơ, đẹp như một bức tranh thủy mặc, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia. Nhiều nhà phong thủy đánh giá nơi đây là vùng đất địa linh bởi thế lưng tựa vào núi, mặt trông ra hồ, thậm chí có người còn ví von gọi Tam Chúc là “Vịnh Hạ Long trên cạn”...

Quần thể kiến trúc tâm linh

Khu du lịch Tam Chúc có diện tích 5.100ha, bao gồm các hạng mục: khu văn hóa tâm linh; khu lòng hồ; khu nghỉ dưỡng; sân golf 36 lỗ; khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên cẩm tú, những giá trị tâm linh của vùng đất này cũng là yếu tố thu hút du khách khắp nơi về đây.

Đình Tam Chúc. (Ảnh: Trung Hiếu)

Với mong muốn thúc đẩy ngành du lịch của địa phương, khu du lịch Tam Chúc 5.000ha đã được UBND tỉnh Hà Nam quy hoạch để trở thành trọng điểm du lịch - tâm linh. Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch hạ tầng, kết nối khu du lịch Tam Chúc với chùa Hương (Hà Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình) tạo thành một “tam giác vàng” hàng đầu Việt Nam về du lịch tâm linh, sinh thái ngập nước, nhằm đáp ứng nhu cầu hành hương, vui chơi, giải trí của du khách trong và ngoài nước.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Nam, cách thành phố Phủ Lý khoảng 12 km về phía Tây, khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam) nằm trên tuyến quốc lộ 21A tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và thành phố Hà Nội, cách khu du lịch Hương Sơn (Hà Nội) khoảng 4km đường chim bay.

Chùa Tam Chúc là một trong những công trình chính của Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao. Với thế lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra hồ nước, ngôi chùa được đánh giá là ở vị trí phong thủy rất đặc biệt - “tiền lục nhạc, hậu thất tinh”. Hồ nước ngọt phía trước chùa là một trong những hồ nước tự nhiên rộng nhất Việt Nam, với dãy núi đá vôi bao bọc quanh lòng hồ. Nhìn ra giữa lòng hồ phía trước chùa có 6 quả núi nhỏ (tiền lục nhạc) nhô lên, in hình bóng nước. Dân gian lưu truyền sự tích về 6 quả núi gọi là “lục nhạc”, biểu trưng cho địa thế đẹp của vùng địa linh sơn thủy hữu tình, có hồ, có núi. “Hậu thất tinh” nghĩa là đằng sau chùa có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về ban đêm.

Khu chùa này chính là điểm nhấn của khu du lịch Tam Chúc. Trong đó, mặt bằng xây dựng chùa rộng 44ha bao gồm các hạng mục như: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Phòng họp quốc tế, các tòa tháp (gồm 1 tháp cao 150m và 2 tháp cao 100m bố trí đăng đối).

Trèo lên mấy chục bậc thang đá cao rộng, chúng tôi háo hức lên thăm tòa điện Tam Thế rộng mênh mông. Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², có sức chứa cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Không gian cao rộng trong chùa mang lại cảm giác rất trang nghiêm và thiêng liêng cho du khách. Ngay giữa chính điện là ba pho tượng Phật Tam Thế (quá khứ - hiện tại - tương lai) khổng lồ.

Ông Trần Công Kiên - cán bộ phụ trách công trình xây dựng khu chùa cho biết bộ ba pho tượng này được những nghệ nhân ở Nam Định đúc hoàn toàn bằng đồng, mỗi thân tượng nặng 80 tấn, đài sen nặng 30 tấn, lá đề sau lưng tượng nặng 15 tấn.

Quanh những bức tường phía trong tòa điện là 12.000 bức phù điêu do những nghệ nhân Indonesia chế tác từ đá núi lửa. Với chất liệu đá màu vàng nâu trông thật cổ xưa, những bức phù điêu này được chạm khắc tỉ mỉ, kể lại những tích chuyện trong cuộc đời Đức Phật. Ông Kiên cho biết: Những phù điêu này đang được mã hóa thành từng khu vực, để sau này khi du khách vào thăm có thể dễ dàng đọc nội dung thông tin về từng bức phù điêu trên thiết bị di động của mình.

Tòa Điện Tam Thế của chùa Tam Chúc. (Ảnh: Trung Hiếu)

Chùa Tam Chúc còn có một vườn cột khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn, trên cột chạm khắc kinh Phật. “Quá trình xây dựng chùa Tam Chúc có sự tham gia của nhiều thợ thủ công trình độ cao, họ đã mang tới đây những kỹ thuật tinh hoa về xây dựng, những thiết kế riêng biệt, có những kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam” - ông Kiên cho biết.

“Sứ giả” của tình hữu nghị

Đặc biệt vừa qua tại chùa Tam Chúc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận cây bồ đề do Giáo hội Phật giáo Sri Lanka trao tặng. Đây là cây bồ đề nhỏ được chiết từ “Cây Bồ Đề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, tại cố đô Anuradhapura của Sri Lanka, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng ngồi tọa thiền và thành chính quả. Cây bồ đề thiêng có tuổi thọ 2.250 tuổi, cao nhất thế giới hiện nay, được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka, chính là một trong những di tích được lưu lại từ thời Đức Phật còn tại thế. Quốc hội Sri Lanka đã bỏ phiếu chấp thuận việc tặng cây bồ đề nhỏ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam - coi đó là “sứ giả” của tình hữu nghị Việt Nam - Sri Lanka. Cây bồ đề được trồng tại chùa Tam Chúc, thể hiện quan hệ Phật giáo giữa hai nước và là sự kiện rất quan trọng về trao đổi văn hóa Việt Nam - Sri Lanka. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới (sau Nepal) được nước bạn tặng cây quý này.

Đình làng Tam Chúc

Rời ngôi chùa, chúng tôi sang thăm đình làng Tam Chúc. Vốn là ngôi đình cổ ở giữa hồ Tam Chúc, nay đã được được phục dựng, tôn tạo khang trang, trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng của khu du lịch Tam Chúc. Hiện khu vực lòng hồ đã được đơn vị thi công hoàn thành nạo vét để sẵn sàng phục vụ cho việc đi lại bằng thuyền của du khách.

Sân đình Tam Chúc. (Ảnh: Trung Hiếu)

Thong thả tản bộ trên nhịp cầu xây uốn khúc quanh co, dài hàng trăm mét nối từ bờ ra đình, nhóm chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, hưởng làn gió mát từ hồ thổi lên, cảm thấy như mình đang lạc vào cõi mộng Thiên Thai nào… Xa xa, thấp thoáng sau những hàng cây cổ thụ là những mái ngói thâm nâu ẩn hiện của ngôi đình cổ, mang kiến trúc đặc trưng của đình đền Bắc Bộ.

Chị hướng dẫn viên người địa phương chia sẻ: Đình Tam Chúc thờ Hoàng hậu nhà Đinh là bà Dương Thị Nguyệt, Đinh Tiên Hoàng Đế và thần Linh Lang Bạch Mã. Chuyện xưa kể rằng khi Đinh Bộ Lĩnh khởi binh dẹp loạn 12 sứ quân, ông đã đến vùng Kim Bảng ngày nay chiêu mộ binh mã, quyên góp lương thảo. Ông cũng đã tới đền thần Linh Lang Bạch Mã phía Đông thành Đại La cầu khấn thần phù hộ. Sau khi thắng lợi, lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng lệnh cho dân Kim Bảng lập đền thờ thần Bạch Mã ở đây.

Giữa sân đình là tấm bình phong bằng đá rất lớn, trên đỉnh có hình đôi rồng chầu Mặt Trời, mặt bình phong có đắp nổi hàng chữ ĐÌNH TAM CHÚC. Gần đó là 4 cây cột cao sừng sững uy nghi, với những linh vật như rồng, phượng, kỳ lân… trên đỉnh cột. Trước sân đình còn có một chiếc giếng to rộng, xây bằng đá ong, tô điểm thêm sự cổ kính cho khuôn viên đình Tam Chúc.

Khu du lịch Tam Chúc dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và sẽ thu hút trên 1,8 triệu lượt du khách hàng năm, đồng thời chuyển dịch từ 3.000 - 5.000 lao động nông nghiệp sang phục vụ ngành du lịch - dịch vụ.

Chia tay Tam Chúc trong ánh nắng chiều Đông dịu dàng, chúng tôi mong sẽ sớm có dịp thăm lại khu du lịch Tam Chúc với những kiến trúc Phật giáo hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ, nơi thanh bình, yên ả đến lạ thường, hứa hẹn thu hút lượng lớn du khách tìm về…

Khi xây dựng xong, chùa Tam Chúc có thể sẽ là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Tam Chúc đã vinh dự được lựa chọn làm nơi tổ chức Đại lễ Vesak (Đại hội Phật giáo thế giới) năm 2019. Trong sự kiện quan trọng này, dự kiến nơi đây sẽ đón tiếp khoảng 1.500 vị lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học, các phật tử đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, cùng 10.000 đồng bào Phật tử, nhân dân Việt Nam.