📞

Thấm nhuần bổn phận trước Tổ quốc và nhân dân

08:15 | 21/02/2018
Trò chuyện với TG&VN về công việc khi còn là Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - tân Phó Tổng Thư ký ASEAN vẫn không bớt đi lòng nhiệt huyết…

Đại sứ đã trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động bảo hộ công dân với những câu chuyện đi vào lòng người. Đại sứ có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi công tác tại địa bàn này?

Trước khi sang công tác tại Indonesia, tôi đã đọc và tìm hiểu khá kỹ về công tác bảo hộ công dân tại nơi mình sắp đến. Tuy nhiên, đọc trên giấy tờ và qua bàn giao giữa tôi và Đại sứ tiền nhiệm mới chỉ là một phần nhỏ so với những khó khăn, thách thức trên thực tế. Đơn giản là vì số tàu thuyền và ngư dân bị bắt tại Indonesia tăng vọt trong thời gian tôi bắt đầu nhiệm kỳ. Tính trong hơn hai năm nhiệm kỳ công tác của tôi, số ngư dân bị bắt được ĐSQ phối hợp đưa về nước là khoảng 2.600 người, riêng trong năm 2017 là khoảng 1.300 người, gấp 4 lần con số tính từ năm 2014 trở về trước.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn tiễn ngư dân về nước.

Khó khăn lớn nhất là phải điều phối lại công tác trong Sứ quán theo hướng dành ưu tiên cao hơn cho công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là ngư dân, trong khi vẫn phải dồn lực để thúc đẩy các mảng khác như chính trị, thương mại – đầu tư, văn hóa, giáo dục…

Chúng ta hãy hình dung thế này. Khi số lượng ngư dân đưa về nước tăng gấp 4 thì công việc không chỉ tăng gấp 4 mà có khi tăng gấp 6, gấp 8 lần vì phải xử lý một khối lượng công việc lớn hơn và phức tạp hơn nảy sinh… Bên cạnh đó, việc đi lại, thăm lãnh sự, bảo hộ công dân cũng gặp nhiều khó khăn hơn vì ngư dân bị bắt, giam giữ ở những khu vực xa xôi, cách trở về đi lại vì Indonesia là quốc gia rộng lớn gấp 6 lần diện tích nước ta và có trên 18.000 hòn đảo lớn nhỏ. Đó là chưa kể đến việc thông tin liên lạc hết sức khó khăn khi di chuyển đến các vùng xa xôi, hẻo lánh.

Điểm thuận lợi là Đại sứ quán nhận được sự hỗ trợ rất tích cực và kịp thời của các cơ quan chức năng trong nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Cảnh sát Biển, các địa phương có nhiều ngư dân bị bắt… Chúng tôi cũng xây dựng quan hệ công việc tốt với các cơ quan của Indonesia, đặc biệt là Bộ Biển và Nghề cá, Cảnh sát Biển Indonesia… Trên hết, chúng tôi có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đồng lòng vì mục tiêu chung, coi việc bảo hộ công dân như bảo hộ những người thân trong gia đình.

Đại sứ cảm nhận thế nào trước những giọt nước mắt của ngư dân?

Tôi là người khá sâu sát với địa bàn, với việc bảo hộ công dân và thường xuyên đi địa phương gặp gỡ, thăm lãnh sự các ngư dân bị bắt, tiếp xúc với các giới chức, cơ quan chức năng của Indonesia. Tôi luôn lắng nghe câu chuyện của các ngư dân, đồng cảm với khó khăn, với những nỗi lo cơm áo, gạo tiền của họ. Không chỉ tôi tự căn dặn mình, mà tôi luôn nói với các cán bộ làm bảo hộ công dân trong ĐSQ rằng hãy coi và đối xử với các ngư dân như những người ruột thịt trong gia đình mình. Đây không phải chỉ là việc hô khẩu hiệu suông, mà tất cả chúng tôi đều thấm nhuần và hành động như vậy.

Trong không ít trường hợp chúng tôi đã phối hợp và đưa nhiều ngư dân về nước chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi bị phía Indonesia bắt. Tôi và các cán bộ ĐSQ đã nhiều lần chứng kiến những giọt nước mắt, những ánh mắt biết ơn không nói nên lời... Và chúng tôi cũng có những giây phút khóc mừng vì xúc động, đặc biệt khi lần đầu tiên vào tháng 6/2017 có tới 695 ngư dân - số lượng kỷ lục của một đợt trao trả - lên đường về nước an toàn. Cảm động hơn là những món quà với ít mực khô hay vài dòng tin nhắn cảm ơn đầy lỗi chính tả từ những  ngư dân hiền lành, chất phác mà chúng tôi không biết hết tên.

Trên hết, chúng tôi coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của một công bộc, được ăn lương từ tiền thuế từ người dân, đã nhận trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân thì phải làm tròn bổn phận của mình.

Theo Đại sứ, để giảm thiểu những việc ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước bạn, chúng ta cần làm là gì?

Rất mừng là Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt. Chỉ đạo của Thủ tướng cuối tháng 5/2017 về việc tăng cường lực lượng tuần tra của Cảnh sát Biển, hải quân cũng như gắn trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh phía Nam với tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia đã phát huy tác dụng. Tính từ đầu tháng 6/2017 đến nay, số lượng tàu và ngư dân bị Indonesia bắt đã giảm khoảng 80% so với thời gian 6 tháng trước đó.

Tuy nhiên, để giải quyết căn bản vấn đề ngư dân ta bị bắt thì cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Thứ nhất, cần thúc đẩy nhanh và sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế EEZ giữa hai nước. Việc này sẽ giúp làm giảm nguy cơ tàu cá của ta bị phía Indonesia bắt trong khu vực tranh chấp.

Thứ hai, cần có sự giáo dục, tuyên truyền sâu rộng hơn đến các ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu về các nguy cơ họ phải đối mặt, tàu thuyền có thể bị tịch thu, phá hủy nếu họ vi phạm đánh bắt cá trong vùng biển Indonesia.

Thứ ba, các lực lượng như Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Hải quân, các địa phương có nhiều tàu bị bắt giữ cần có các biện pháp vừa tăng cường giám sát, cảnh báo nguy cơ vi phạm, nhưng lại đồng thời giúp bảo vệ ngư dân, ngư cụ khi họ đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp của ta.

Điều mà Đại sứ mong muốn được duy trì và cải thiện trong công tác bảo hộ công dân ở Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nói riêng và các Đại sứ quán khác nói chung trong thời gian tới?

Do đặc thù, nên việc bảo hộ công dân ở các nước không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, điểm đáng chú ý nhất đối với địa bàn Indonesia là bảo hộ ngư dân thì ở các nơi khác lại không có. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm từ công tác tại Indonesia thời gian qua, chúng tôi thấy rằng để duy trì và làm tốt công tác này thì cần chú ý đến một số điểm sau:

Thứ nhất, phải có sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, thống nhất từ cán bộ cao nhất là Đại sứ đến cán bộ thấp nhất trong ĐSQ về sự cấp thiết, và yêu cầu bắt buộc là phải bảo vệ tốt nhất các lợi ích hợp pháp của công dân ta. Ngay cả khi họ bị bắt do vi phạm pháp luật ở nước ngoài thì họ vẫn được luật pháp sở tại, luật quốc tế bảo vệ và được đối xử nhân đạo.

Thứ hai, đó là sự phân bổ nguồn lực hợp lý. Nguồn lực đây bao gồm nhân lực và nguồn lực tài chính hỗ trợ cho công tác bảo hộ công dân. Hiện nay, nước ta đã hội nhập sâu rộng, các công dân của Việt Nam ra ngoài đầu tư, buôn bán, lao động và học tập cũng nhiều hơn. Do đó, các lợi ích của họ cần được quan tâm, bảo vệ tốt hơn. Tùy thuộc từng địa bàn, từng thời điểm mà cơ quan chủ quản có sự phân bổ hợp lý, hỗ trợ đầy đủ nguồn lực để các cơ quan đại diện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, từng cơ quan đại diện cũng phải tự sắp xếp lại bộ máy, sử dụng cán bộ có hiệu quả nhất, không bỏ sót công tác bảo hộ công dân nhưng lại không được lơ là các mặt công tác khác.

Thứ ba, cần phải thiết lập được mối liên lạc, quan hệ công việc chặt chẽ với trong nước, đặc biệt là Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ một số tỉnh, cũng như một số đầu mối quan trọng ở sở tại, đặc biệt là cảnh sát, cơ quan xuất nhập cảnh của bạn để bất cứ lúc nào cũng có thể kết nối liên lạc, xử lý công việc được ngay với kết quả tốt nhất.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)