TIN LIÊN QUAN | |
Pháp sẽ hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu | |
Pháp: Khủng hoảng năng lượng vì biểu tình |
Sau hơn ba tuần lễ liên tục đối mặt với làn sóng biểu tình “Áo vàng”, ngày 4/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo về việc ngưng áp dụng thuế xăng dầu mới trong vài tháng tới. Điều này đồng nghĩa với việc Paris thừa nhận chính sách tăng thuế xăng dầu là chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại. Việc đảo ngược chính sách từng khăng khăng bảo vệ sẽ tổn hại tới uy tín của ông Macron, song đây là điều duy nhất ông có thể làm trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” này.
Tuy nhiên, liệu từng đó có đủ để đẩy lui những chiếc áo đang “nhuộm vàng” Khải Hoàn môn - Arc de Triomphe, nơi từng chứng kiến phút thăng hoa của Tổng thống Macron trước các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vài tuần trước? Câu trả lời là có và không.
Những người biểu tình Áo vàng dựng hàng rào ngay tại Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: Reuters) |
Lời thỉnh cầu bị lãng quên
Lời giải thích cho đáp án này nằm ở chiếc áo gile vàng mà dòng người biểu tình sử dụng. Đây là chiếc áo để mặc khẩn cấp mỗi khi buộc phải dừng, đỗ xe trên đường vì sự cố. Ban đầu, nó biểu trưng cho những lời kêu cứu hơn là nỗi giận dữ. Tiếng kêu cứu ấy đã vang vọng rất lâu, từ những người đói ăn cuối tháng, sống ở nông thôn hoặc trong các thành phố nhỏ, tới nhiều gia đình lay lắt với mức lương cơ bản quá thấp. Hàng thập kỷ phát triển không đồng đều, với thuế tăng, trợ cấp xã hội giảm cùng tiếng nói chính trị ngày một yếu ớt đã khiến một bộ phận người dân nước Pháp bị cô lập ngay trong đất nước của chính mình.
Những tưởng điều đó sẽ thay đổi sau khi vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron lên cầm quyền. Song khi chính phủ quyết định tăng thuế nhiên liệu thì tầng lớp này mới nhận ra lời thỉnh cầu chưa và sẽ chẳng bao giờ được lắng nghe. Tổng thống Macron dường như mải mê theo đuổi chính sách đối ngoại đầy tham vọng như thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, kế hoạch Quân đội châu Âu, hợp lực cùng Đức “cứng” với Mỹ… thay vì tìm cách giải quyết những vấn đề thiết yếu của người dân.
Thêm vào đó, ông Macron và đảng Tiến lên đã ngủ quên trên chiến thắng mà quên rằng sự phân hóa về kinh tế, chính trị sâu sắc giữa tầng lớp thượng/trung lưu và phần còn lại của nước Pháp chính là cơn gió đưa bà Marine Le Pen bay cao trong cuộc bầu cử Tổng thống 2017. Bất công xã hội, đói nghèo, xung đột văn hóa và tôn giáo ngày một lớn đang góp vào việc hình thành nhiều thế lực cực đoan ngay trong lòng xứ sở gà trống Gaullois. Âm ỷ trong lòng xã hội từ nhiều năm nay, những bức xúc của tầng lớp nghèo tại Pháp được ví như những hòn than hồng ẩn mình dưới lớp tro - như cách ví von trong một câu ngạn ngữ Pháp - và chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ để thổi bùng lên đám cháy.
Phong trào phản kháng muôn hình, muôn vẻ, không người đại diện, không kẻ cầm đầu, với điểm chung duy nhất nằm ở chiếc áo vàng chính là hiện thân của tất cả những bức xúc chưa từng được lắng nghe. Ngọn lửa giận dữ của họ không chỉ cháy lên từ thuế xăng dầu, mà đã sớm lan sang nhiều lĩnh vực khác như thuế thu nhập cá nhân, lương cơ bản, dịch vụ xã hội, và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngày 3/12, gần 200 trường trung học đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, để ủng hộ những người Áo Vàng và chống lại cải cách giáo dục. Có thể nói, nếu không được khống chế kịp thời và triệt để, ngọn lửa ấy có thể thiêu rụi nhiều thành tựu của nền Đệ Ngũ Cộng hòa và sự nghiệp chính trị của ông Emmanuel Macron.
Sửa nhà từ nóc
Ngày 4/12, Tổng thống Pháp đã có câu trả lời. Qua bài phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Edouard Phillipe thông báo hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019, trong vòng 3 tháng của mùa Đông. Ngoài ra, kế hoạch siết chặt việc đánh giá kỹ thuật đối với ô tô, vốn nhằm vào các xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường, cũng được trì hoãn trong vòng 6 tháng. Chính phủ cũng sẽ thảo luận biện pháp hỗ trợ nhóm lao động nghèo, chịu tác động trực tiếp từ tăng giá nguyên liệu.
Tuy nhiên, phần lớn trong số “quyết sách” này mới chỉ là “giải pháp tình thế” nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng trước mắt. Mối quan tâm của người dân Pháp như luật về thuế, sa thải người lao động và lương cơ bản vẫn chưa được đề cập. Do đó, chưa có gì cho thấy tuyên bố của ông Philippe sẽ khiến phong trào Áo vàng dừng bước trước ngày thứ Bảy tuần tới. Cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 4/12 giữa Thủ tướng Edouard Philippe và đại diện một số nhóm Áo vàng “ôn hòa” đã đổ bể, khi nhiều người trong nhóm cho biết bị “đe dọa”.
Điều mà người dân Pháp cần nhất ở thời điểm hiện tại là sự xuất hiện của Tổng thống Macron. Nhiều người đặt câu hỏi về thái độ “thờ ơ” và phản ứng chậm trễ đến khó hiểu của nhà lãnh đạo này, khi ông chỉ trích dòng người biểu tình “phá hoại hình ảnh nước Pháp” và chỉ họp khẩn sau khi tình hình trở nên trầm trọng hai tuần sau đó.
Quan trọng hơn, hầu hết quyết định của ông đều được công bố thông qua phó tướng Edouard Philippe. Điều này khó làm thỏa mãn lực lượng Áo vàng khi họ cho rằng ông Macron chưa làm tròn bổn phận và “nợ” họ lời giải thích. Do đó, sự xuất hiện của Tổng thống trước công chúng Pháp là cần thiết để trấn an và giành lại sự ủng hộ của người dân.
Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Tổng thống Macron thường được biết đến với nhiều tuyên bố mạnh mẽ. Ta hãy chờ xem, với bản lĩnh chính trị từng được cử tri ngưỡng mộ, vị Tổng thống trẻ tuổi nhất tại châu Âu hiện nay sẽ nói gì, để ngày thứ Bảy tới, lửa sẽ không cháy trên thành phố Paris hoa lệ.
Đa số người Pháp sợ hãi, không dám ra đường mua sắm do bạo loạn Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do OpinionWay-Perifem công bố ngày 5/12 cho thấy 56% người Pháp đã hoặc sẽ thay đổi thói ... |
Hàng nghìn người châu Âu biểu tình phản đối CETA Ngày 15/10, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan nhằm phản đối Thỏa thuận Thương mại ... |
Biểu tình tại Pháp, dẫn đến khủng hoảng năng lượng Biểu tình của công nhân phản đối luật lao động sửa đổi ở Pháp đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng lớn tại nước ... |