📞

Thanat Khoman - nhà ngoại giao ASEAN kỳ cựu

08:10 | 12/08/2017
“Người Thái Lan sẽ không từ bỏ trách nhiệm và để người khác quyết định vận mệnh của chúng tôi”.

Cho đến nay, câu nói nổi tiếng năm 1968 này của nhà ngoại giao Thái Lan Thanat Khoman vẫn sống mãi và có sức ảnh hưởng to lớn với xứ sở Chùa Vàng.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Thanat Khoman (trái) và cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại Nhà Trắng vào tháng 10/1961. (Nguồn: AP).

Góp phần hình thành ASEAN

Ông Thanat Khoman được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan vào năm 1959. Trước đó, ông là Đại sứ Thái Lan tại Washington. Với 12 năm là người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Thanat là người giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao lâu nhất của Thái Lan, đồng thời để lại di sản ngoại giao có sức ảnh hưởng lâu dài với đất nước này.

Ông Thanat nhậm chức trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh điểm. Trong khi Mỹ quyết định leo thang chiến tranh tại Việt Nam thì các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á chỉ mới được giải phóng và vẫn đang trong quá trình đấu tranh vì tự do, xây dựng quốc gia. “Thêm bạn, bớt thù” là những thách thức to lớn đối với Thái Lan vào thời điểm đó. Và Bộ trưởng Ngoại giao Thanat chính là người “đứng mũi chịu sào” trong công cuộc giải quyết thế khó của Thái Lan tại khu vực.

Năm 1967, nhà ngoại giao Thanat cùng với các nhà lãnh đạo Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đã góp phần tạo nên nền móng thành lập ASEAN. Khi ấy, không ai nghĩ họ có thể thành công vì những nỗ lực trước đó nhằm thiết lập một tổ chức khu vực đã thất bại. Sau khi ASEAN được thành lập, nhiều cường quốc trên thế giới đã chế giễu và không chấp nhận sự tồn tại của tổ chức này. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta có thể thấy rõ sự lớn mạnh và sức ảnh hưởng của ASEAN sau 50 năm thành lập.

Ông Sompong Sucharitkul, 85 tuổi, người đã làm việc dưới quyền của ông Thanat, đã ca ngợi nhiều nỗ lực, kinh nghiệm cá nhân của ông Thanat nhằm cam kết mạnh mẽ với các nước láng giềng và thế giới. Ông Sompong cho biết chính sự tin tưởng và tôn trọng đối với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, cũng như quan hệ cá nhân chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính yếu, đã mở đường cho việc hình thành ASEAN.

Trong khi đó, nguyên Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, người hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của “tổ chức khu vực thành công bậc nhất thế giới này”, cũng dành nhiều lời ca ngợi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thanat vì tầm nhìn và niềm tin của ông với các quốc gia nhỏ, vừa được giải phóng để tập hợp họ lại, hình thành nên một cơ sở chung có thể đưa ra tầm nhìn và quan điểm của họ. “Thanat muốn họ nói chung một tiếng nói để tiếng nói ấy có trọng lượng và sức mạnh lớn hơn”, ông Surin Pitsuwan nhận định.

“Đừng đánh giá thấp chúng tôi!”

Ông Amarin Khoman, cháu trai của ông Thanat, người từng có cơ hội theo chú mình trong một chuyến đi công tác nước ngoài, kể lại rằng ông Thanat là người theo chủ nghĩa dân tộc và luôn đặt lợi ích của Thái Lan lên hàng đầu. Ông luôn sử dụng quyền lãnh đạo của mình để tăng cường sức mạnh đàm phán của Thái Lan với các nước láng giềng và tham gia vào cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

Để tưởng nhớ người chú, ông Amarin đã tập hợp một nhóm hàng chục biên tập viên và nhà nghiên cứu nhằm thu thập hàng nghìn cuộc phỏng vấn và bài phát biểu của nhà ngoại giao kỳ cựu Thanat và cô đọng thành một cuốn sách. Cuốn sách dày 161 trang mang tên "Sự thông minh và sắc bén của người sáng lập ASEAN" vừa được ra mắt trong tháng Bảy.

Cuốn sách mô tả lại quá trình ông Thanat tập hợp mọi kinh nghiệm, tầm ảnh hưởng và mạng lưới bạn bè của mình ở các nước láng giềng để hình thành nên ASEAN - một trong những thành tựu lớn nhất của ông. Vào thời điểm đó, khu vực Đông Nam Á đang trong tình trạng hỗn loạn và nghi kị lẫn nhau. Và Thái Lan là quốc gia đã góp phần to lớn vào việc xua tan hoài nghi, vun đắp hòa bình và ổn định cho khu vực.

Điểm đáng chú ý là ông Thanat ý thức rất rõ vai trò của các quốc gia nhỏ và các cường quốc trong chính trị quốc tế. Ông luôn tìm mọi cơ hội nâng cao vai trò của các quốc gia nhỏ, đặc biệt là trong thời gian thành lập ASEAN. Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times vào tháng 2/1967, ông Thanat khẳng định: "Đừng đánh giá thấp chúng tôi! Chúng tôi có thể tiến xa nhanh hơn suy nghĩ của nhiều người. Ngay cả với sự nhỏ bé của mình, hãy để chúng tôi đứng vững vì độc lập và tự do, tỏa sáng như một ngọn hải đăng trước các nước lớn”.

Mặc dù vậy, ông Thanat cũng hiểu được sự non trẻ của ASEAN khi mới thành lập và những hạn chế nội tại của các quốc gia nhỏ trong khu vực Đông Nam Á. Ông từng nói: "Chúng tôi muốn ở giữa và đương nhiên chúng tôi không thể ngang hàng với những nước lớn hơn".

Trong lời đề của cuốn sách, nguyên Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow, hiện đang là Đại sứ Thái Lan tại Pháp, đánh giá ông Thanat là một nhà lãnh đạo có sự khéo léo, thông thái, có tầm nhìn và cam kết chắc chắn để bảo vệ lợi ích quốc gia. Là nhà ngoại giao kỳ cựu với những chính sách và thành tựu đối ngoại nổi bật, ông Thanat đã giành được một vị trí đặc biệt trong lịch sử Thái Lan.

(theo Myanmar Times)