📞

Tháng ba nhớ về nơi phát tích cội nguồn dân tộc

Trần Quyết Chiến 17:45 | 30/03/2022
Baoquocte.vn. Đền Hùng - nơi phát tích cội nguồn của dân tộc, luôn là biểu tượng tôn kính, linh thiêng, quy tụ và gắn bó của mỗi người con đất Việt.
Đền Hùng - nơi phát tích cội nguồn của dân tộc, luôn là biểu tượng tôn kính, linh thiêng, quy tụ và gắn bó của mỗi người con đất Việt. (Ảnh: Lê Phú)

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3

Câu ca dung dị ấy như gợi nhắc trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam dù ở đâu, làm gì đều luôn hướng về nguồn cội con Lạc cháu Rồng, về nghĩa đồng bào “trăm trứng nở trăm con”. Đền Hùng - nơi phát tích cội nguồn của dân tộc, luôn là biểu tượng tôn kính, linh thiêng, quy tụ và gắn bó của mỗi người con đất Việt.

Đền Hùng - Linh thiêng nguồn cội

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày hội truyền thống của người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10/3 Âm lịch tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (TP. Việt Trì) và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới thành tâm hướng về.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, giá trị văn hoá thời kỳ Hùng Vương luôn được bảo tồn và phát triển. Với những giá trị độc đáo và riêng biệt, ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để có được kết quả quan trọng này, tỉnh Phú Thọ đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan ở Trung ương trong việc sưu tầm, tập hợp, củng cố tư liệu phục vụ việc xây dựng hồ sơ đảm bảo đáp ứng yêu cầu; đồng thời tích cực vận động, tranh thủ sự ủng hộ của đại diện các cơ quan chuyên môn, các cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia thường trực thẩm định hồ sơ và các chuyên gia của UNESCO.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tổ chức quy mô cấp tỉnh gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ".

Phần Lễ sẽ có: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 Âm lịch;

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 Âm lịch và Lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”.

Về phần hội, tỉnh có một số điều chỉnh: tổ chức Hội thi bơi chải trên hồ công viên Văn Lang vào sáng 9/3 âm lịch; không tổ chức Hội thi bơi chải trên Sông Lô; tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ hội Đền Hùng vào tối 9/3 Âm lịch tại sân khấu ngoài trời (hồ công viên Văn Lang).

Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tôn vinh truyền thống thờ cúng tổ tiên, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam có ý nghĩa độc đáo, sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được.

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu

Cùng với đồng bào trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn thành tâm hướng về nguồn cội. Những năm gần đây, Sở Ngoại vụ Phú Thọ đã phối hợp với Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tư vấn, chia sẻ, hỗ trợ các cộng đồng người Việt tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, bằng các hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Với mong muốn trở thành ngày đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh giá trị Việt, việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở nước ngoài là dịp để bà con hướng về cội nguồn dân tộc, tri ân công đức tiên tổ.

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022: Ngày đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh giá trị Việt

Sau 7 năm triển khai, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã phối hợp với các cơ quan ban ngành trong và ngoài nước, các hội đoàn cộng đồng kiều bào, tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và an vị tượng Vua Hùng ở 12 địa điểm tại các nước như: CH. Czech, CHLB Nga, Hungary, CHLB Đức, CHDCND Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Ukraine, Romania.

Ngày 10/3 Âm lịch năm nay, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, Trung tâm liên văn hóa, khoa học truyền thông quốc tế, phối hợp với các cá nhân, đơn vị, tổ chức Hội đoàn, Cộng đồng kiều bào và bạn bè quốc tế từ hơn 30 quốc gia trên thế giới sẽ tổ chức trực tuyến: Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 – Lễ giỗ Tổ và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu.

Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với cả bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.

Chương trình này đã được Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt nam toàn cầu duy trì tổ chức hàng năm, theo một kịch bản chung, nhằm tạo dựng một ngày văn hoá chung - kết nối người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, nhằm xây dựng cây cầu văn hoá hữu nghị vững chắc, tình bạn chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - sợi dây gắn kết cộng đồng, dân tộc luôn là điểm tựa tinh thần để nhân dân ta chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi, xây dựng đất nước.

Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Mãi mãi hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, cha ông đã dựng xây nên đất nước này để nhân lên trong mỗi chúng ta tình yêu, sự kiên trung và sức mạnh, động lực chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cường thịnh, vững bền.