Ngày 1/12, khi vừa đặt chân xuống máy bay từ Hongkong tới Vancouver, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu đã ngay lập tức bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu từ phía chức trách Mỹ, song sau đó được cho tại ngoại và chờ ngày dẫn độ về xứ cờ hoa.
Nước cờ cao tay
Đáng chú ý, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ chỉ vài giờ trước khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Thượng đỉnh G20 với kết quả là “lệnh hưu chiến” 90 ngày trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được thông tin, song ông đã không nêu vấn đề tại cuộc gặp nhằm tránh phức tạp. Trong khi đó, ông Trump lại khẳng định “không hề biết” về vụ việc, dù lệnh bắt bà Mạnh đã được “quyết” từ tháng Tám.
Thêm vào đó, việc lựa chọn địa điểm bắt giữ cũng thể hiện toan tính rõ ràng của nhà chức trách Mỹ. Việc yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh đã đẩy Ottawa vào thế buộc phải theo Washington. Kể từ khi nắm quyền, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có nhiều động thái cải thiện và mở rộng quan hệ kinh tế Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi thỏa thuận thương mại ký với Washington và Mexico City còn chưa ngã ngũ, Ottawa không muốn mạo hiểm và đã ngả theo Mỹ.
Huawei đang trở thành nạn nhân trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. (Nguồn: CGTN) |
Ngay lập tức, Canada đã phải ăn quả đắng khi cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig, hiện là cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á của nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), vừa bị bắt giữ mà không rõ lý do tại Trung Quốc cùng thời điểm bà Mạnh bị xét xử. Đó là chưa kể đến hàng loạt trừng phạt kinh tế mà Bắc Kinh có thể dành cho Ottawa. Trót theo Mỹ trong vụ Huawei này, chắc chắn Canada còn phải điều chỉnh nhiều trong quan hệ với Trung Quốc. Và qua sự việc này, manh nha thấy được ý đồ của Mỹ muốn kéo cả một mặt trận đồng minh chống lại Trung Quốc.
Thực ra, cáo buộc bà Mạnh làm ăn với Iran chỉ là cái cớ để Mỹ “ra tay”. Việc Tập đoàn Huawei nắm công ty Skycom của Hongkong (Trung Quốc) để bán máy tính Mỹ cho Iran đã dừng lại từ năm 2014 và lẽ ra Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới có thẩm quyền phán xét vụ việc.
Toan tính của Washington
Vậy tại sao Mỹ lại “ra đòn” và đi xa như thế chỉ để bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu? Trước tiên, có thể thấy ngay đây là phương cách thể hiện sức mạnh của Washington. Bắt giữ một lãnh đạo chóp bu của Huawei, lại là ái nữ của Chủ tịch một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới chứa đựng lời cảnh báo nghiêm túc tới giới doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, vốn bị cáo buộc tiến hành nhiều hoạt động xâm hại tới lợi ích thương mại của Mỹ.
Quan trọng hơn, đặt trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, đây được coi là một “ngón đòn” gây sức ép trên bàn thương thảo.
Ngày 11/12, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin và Đại sứ Thương mại Mỹ R. Lighthizer đã thảo luận qua điện thoại và nhất trí đàm phán thương mại sẽ sớm được triển khai.
Lợi ích quan trọng nhất mà Washington theo đuổi là yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức dừng mọi hoạt động gián điệp kinh tế, ăn cắp công nghệ hay bắt buộc các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền được hoạt động tại thị trường tỷ dân. Sự vượt trội về khoa học công nghệ đã khiến Mỹ vượt trội với phần còn lại của thế giới và Trung Quốc đang cố gắng thay đổi điều này. Song giờ đây, khi mà giới thức tại Washington nắm giữ “lá bài” Mạnh Vãn Chu, mọi chuyện có thể sẽ khác.
Khi Bắc Kinh phản đòn
Nước đi táo bạo của Washington đã khiến Bắc Kinh bất ngờ và đẩy nước này vào tình thế buộc phải phản đòn, song thi triển ra sao vẫn là điều mà Trung Quốc, cái nôi sản sinh ra nhiều môn phái võ thuật nhất thế giới, vẫn đang loay hoay tìm kiếm.
Đầu tiên, Trung Quốc buộc phải có hành động cứng rắn nhằm giữ thể diện quốc gia, khi Mỹ bắt giữ công dân, lại là lãnh đạo tập đoàn. Khôi phục tự do cho bà Mạnh là ưu tiên trước mắt của Bắc Kinh, nhằm vãn hồi niềm tin của giới doanh nhân nước này trong việc chinh phục thị trường thế giới.
Huawei là tập đoàn viễn thông lớn nhất và nhà thầu thiết bị viễn thông chính cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Nếu không giải quyết ổn thỏa, vụ bắt giữ bà Mạnh sẽ giáng đòn chí mạng vào tập đoàn này, làm suy yếu ảnh hưởng Trung Quốc nói chung và năng lực quân sự của PLA nói riêng. Vụ việc tập đoàn ZTE suýt đứng trước bờ vực phá sản cách đây mấy tháng sau khi nhận các đòn trừng phạt là ví dụ nhãn tiền mà Bắc Kinh không muốn lặp lại.
Tuy nhiên, “điệp vụ giải cứu binh nhì Ryan” phiên bản Trung Quốc cần được thực hiện khéo léo nhằm bảo toàn thỏa thuận miệng vừa được thiết lập ngày 1/12 giữa ông Tập và ông Trump không trở thành “lời nói gió bay”. Hai bên chỉ có ba tháng thương thảo và nhất cử nhất động cần được Trung Quốc tính kỹ lưỡng.
Một trong số đó là phản ứng của Bắc Kinh trước việc Mỹ sẽ đưa điều khoản chống gián điệp kinh tế, đánh cắp công nghệ hay buộc chuyển giao công nghệ vào trong thỏa thuận thương mại sắp tới. Điều này có thể tác động lớn tới tốc độ phát triển của Trung Quốc và khiến mục tiêu “Made in China 2025” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt rất nhiều kỳ vọng, trở nên xa vời.
Có lẽ, điều mà Bắc Kinh nên làm ở thời điểm hiện tại là “kỳ kèo bớt một, thêm hai” với Washington, để trả một cái giá “dễ chịu nhất” cho tự do của bà Mạnh Vãn Chu. Nhưng với một nhà tài phiệt đang là ông chủ của Nhà Trắng, cái giá phải trả chắc hẳn sẽ không hề rẻ.