Đại sứ Phạm Sanh Châu phát biểu tại Lễ ra mắt Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ. |
Lần đầu tiên sau 40 năm Tổng hội người Việt mới được thành lập tại Bỉ, những nguyên nhân nào dẫn đến sự chậm trễ này, thưa ông?
Có thể nói, chủ trương thành lập Tổng hội đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chỉ đạo từ lâu bởi gần như ở các địa bàn Tây và Đông Âu đã hình thành được các Hội người Việt thống nhất. Riêng tại Bỉ, hơn 40 năm qua vẫn chưa thành lập được bởi có sự mâu thuẫn gay gắt giữa các bộ phận và nhóm người Việt khác nhau.
Thứ nhất là mâu thuẫn giữa những người chống đối và những người ủng hộ Chính phủ Việt Nam hiện nay.
Thứ hai là do cơ cấu đặc thù nước Bỉ gồm nhiều vùng khác nhau. Khi làm Đại sứ ở nước Bỉ, tôi có cảm giác làm Đại sứ ở ba nước Bỉ (nước Bỉ của chính quyền liên bang, ở đó thẩm quyền chủ yếu là ngoại giao và đối ngoại; nước Bỉ của những người nói tiếng Hà Lan, họ cũng có quốc hội và nhà nước riêng, họ cũng có thẩm quyền về đối ngoại được cử đại biện ở nước ngoài và nước Bỉ của những người nói tiếng Pháp). Mô hình nhà nước Liên bang Bỉ là một mô hình rất đặc biệt, gần như không có nơi nào có bởi liên bang Bỉ là liên bang duy nhất mà ở các vùng có quyền đối ngoại. Đặc quyền này đã ảnh hưởng tới tính cách của người Việt Nam tại các vùng của Bỉ vốn không có ngôn ngữ và tiếng nói chung.
Nguyên nhân thứ ba tạo nên sự không đoàn kết là do trước đây có một Hội người Việt Nam tại Bỉ đã thành lập rất lâu nhưng sau đó có sự chia rẽ rất lớn và còn tồn tại đến bây giờ. Trong hoàn cảnh như vậy mà ở Bỉ lại có tới 12-15 nhóm người Việt hoạt động riêng biệt. Nói chung, các nhóm này đều có sự hợp tác tốt với Đại sứ quán nhưng lại không muốn hợp tác với nhau do cái tôi trong họ quá lớn.
Vậy theo ông, những yếu tố nào đã hóa giải được mâu thuẫn này? Đại sứ quán Việt Nam có vai trò gì trong quá trình vận động thành lập Tổng hội?
Cá nhân tôi khi nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Bỉ đã xác định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu nhưng triển khai suốt 2 năm không thành công. Phải nói rằng, cán bộ phụ trách cộng đồng trước đây rất năng động nhưng lại chưa đủ tuổi "chín" để đi vận động với các Trưởng nhóm. Kể từ đầu năm 2013, chúng tôi có một cán bộ phụ trách cộng đồng mới, thâm niên cao, có cương vị, tên là Trần Kim Thâu. Dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán, anh Thâu đã bền bỉ đi gặp 12 vị Trưởng nhóm và thương thuyết suốt gần 1 năm qua. Tuy nhiên, trong thời gian ấy vẫn có ý kiến ủng hộ và ý kiến phản đối quyết liệt vì không muốn nhóm của mình hòa thành cái chung, quyền lực của họ với một nhóm người nhất định trở thành quyền chung.
Hiện có khoảng 13.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Bỉ. Tiêu chí hoạt động của Tổng hội là đoàn kết, lấy sức mạnh của tất cả hội viên để xây dựng hội chung, từ đó xây dựng tiếng nói chung của cộng đồng người Việt đối với nước sở tại. |
Ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Tổng hội, những hoạt động gì đã diễn ra sau hai tháng qua?
Tôi đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với cộng đồng người Việt tại Bỉ, thể hiện tinh thần đoàn kết, khép lại quá khứ hướng đến tương lai. Tổng hội người Việt thành lập làm cho công tác thông tin của Đại sứ quán thuận lợi, kịp thời hơn. Tuy nhiên, khi quyết định thành lập, Tổng hội có tới 12 thành viên Ban chấp hành nhưng hiện tại chỉ còn 9 người tham gia.
Phải thấy rằng, chúng ta thành lập được rồi không có nghĩa “cuộc chơi” đã kết thúc, vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước. Hiện Tổng hội đang cùng với Đại sứ quán chuẩn bị nhiều hoạt động hướng về cộng đồng, trước mắt là chuẩn bị tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đây cũng là lần đầu tiên có một cái Tết chung của Tổng hội nên chắc hẳn sẽ rất đặc biệt.
Xin cảm ơn ông!
THUẬN VŨ (thực hiện)