Thanh niên - mùa xuân của xã hội
Thế giới đang thay đổi từng giây và nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Sự thay đổi của tình hình khu vực, thế giới cùng với chủ trương đẩy mạnh xây dựng và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bối cảnh đó, ảnh hưởng đến phương thức triển khai công tác của toàn ngành Ngoại giao nói chung và đặt ra những yêu cầu mới với thanh niên Ngoại giao nói riêng để tiến tới mục tiêu xây dựng “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” như Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã đề ra.
Tiến trình xây dựng “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” đòi hỏi sự đổi mới trên tất cả các mặt, từ nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, cơ chế tổ chức vận hành, cơ sở hạ tầng công nghệ.
Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố mang tính then chốt, là chủ thể trực tiếp sáng tạo và điều chỉnh các yếu tố còn lại.
Tác giả Bùi Bích Thảo nhận chứng nhận Bí thư tiêu biểu toàn quốc, tháng 3/2020. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao “yếu tố con người là quyết định, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy; nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt”.
Trong công cuộc hiện đại hoá ngành Ngoại giao ngày nay, công nghệ số chỉ đóng vai trò thứ yếu, mang tính chất công cụ; chỉ có con người với tinh thần sẵn sàng tiếp cận và trang bị những tư duy đổi mới, mới là chìa khoá mở cánh cửa dẫn tới phát triển và thành công.
Thanh niên được ví như “mùa xuân của xã hội”, với nhựa sống và sức trẻ, không chỉ là lực lượng chủ công đóng góp tri thức, sức lực để thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp nhằm xây dựng nền ngoại giao toàn diện hiện đại mà còn là đối tượng thụ hưởng chính cho thành quả ấy.
Ba yếu tố cấp tiến, thời đại
Là cán bộ trẻ, tôi nhận thấy để đóng góp vào công cuộc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, bản thân tôi cũng như bao thanh niên ngoại giao khác bên cạnh những giá trị truyền thống, cốt lõi như bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng; kiến thức sâu rộng, kỹ năng thành thục; lòng yêu nước thì cần cộng hưởng trong sự chỉn chu và trang bị đầy đủ đồng thời ba yếu tố khác mang tính cấp tiến, thời đại.
Thứ nhất, đổi mới tư duy là yếu tố tiên quyết đối với cán bộ thuộc hàng ngũ ngoại giao thời đại. Với cán bộ ngoại giao, chính tư duy sắc bén, thức thời và luôn sẵn sàng tiệm cận với những giá trị mới, góc nhìn mới là vũ khí quan trọng nhất.
Khi vào ngành, tôi được phân công nhận nhiệm vụ tại Văn phòng Bộ - đơn vị tham mưu, phục vụ trực tiếp các Lãnh đạo Bộ và điều phối công việc của cả Bộ.
Để đảm nhiệm chức năng và nhiệm vụ đó, các Lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên Văn phòng luôn đề cao sự sáng tạo, đổi mới và cải tiến; đặc biệt khuyến khích phát huy năng lực và lắng nghe quan điểm, ý tưởng của cán bộ trẻ.
Văn phòng Bộ cũng chính là đơn vị nghiên cứu và phát triển nội hàm nền ngoại giao hiện đại, với việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Xu thế ngoại giao hiện đại và việc triển khai hiện đại hoá ngành Ngoại giao Việt Nam”.
May mắn được tham gia nghiên cứu đề tài nhưng đây cũng đồng thời là áp lực vô cùng lớn với một cán bộ trẻ mới vào ngành như tôi. Bên cạnh được giao nhiệm vụ nghiên cứu tôi còn được chủ nhiệm đề tài, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, khi đó là Thư ký Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chánh Văn phòng Bộ tin tưởng giao nhiệm vụ thư ký đề tài; được làm việc và học hỏi trực tiếp từ các thành viên khác của đề tài đều là các cán bộ thâm niên, là lãnh đạo cấp Vụ, Tập sự Phó Vụ trưởng đến từ nhiều đơn vị trọng yếu trong Bộ như Phái đoàn Việt Nam tại New York, Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản trị tài vụ, Trung tâm thông tin…
Trong khi đó, ở thời điểm năm 2020, nội hàm ngoại giao hiện đại còn rất mới, bản thân Bộ Ngoại giao các nước trong khu vực và thế giới còn chưa định hình rõ, do đó khối lượng tài liệu nghiên cứu và tham vấn thực tiễn trong và ngoài nước là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, những áp lực dưới sự động viên, định hướng của các tiền bối đã chuyển thành động lực giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, có cơ hội để cống hiến hết mình cho tập thể, cho những giá trị chung của Bộ, góp phần đưa nội hàm “ngoại giao hiện đại” được ghi nhận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trong quá trình công tác, được sự khuyến khích và tạo điều kiện của Lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp, tôi có được không gian phù hợp để tư duy sáng tạo. Với từng công việc được giao, tôi luôn cố gắng không chỉ hoàn thành một cách cơ học mà đầu tư thêm thời gian để tư duy làm thế nào để nội dung và phương thức giải quyết công tác có thể phù hợp hơn.
Theo tôi, ở một góc độ nào đó, đổi mới chính là sự chủ động trong công việc, sự xông xáo, dám vượt ra vùng an toàn để học hỏi lĩnh vực mới, không ngừng tư duy để tìm tòi phương thức cải tiến nội dung và cách thức triển khai công tác…
Thứ hai, chủ động và tận dụng các thành tựu của thời đại vào công cuộc học hỏi, trau dồi tri thức.
Có câu “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” – đây dường như là chân lý tất yếu. Do đó để có thể tự tin và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh nội dung và khối lượng công tác ngày một nhiều và đa dạng, thì giải pháp duy nhất là luôn đặt bản thân trong tâm thế “học - học nữa - học mãi”; học không chỉ trong sách vở, mà học trong thực hành, từ lãnh đạo, từ đồng nghiệp, thậm chí từ chính các đối tác nước ngoài…
Không giống như trước đây, khi giáo trình, tài liệu và công cụ học tập rất hạn chế, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp đã mở toang cánh cửa cho tất cả mọi người tiếp cận với kho tri thức của nhân loại, giúp giải quyết điểm nghẽn quan trọng và đưa vấn đề học hỏi và trau dồi tri thức, rèn luyện kỹ năng của thanh niên trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Chỉ với một vài cú nhấp chuột, chạm cùng với một thiết bị thông minh, bất kể ai cũng có thể tiếp cận và dung nạp cho mình tri thức mong muốn, thậm chí phần nhiều trong số đó là miễn phí.
Tuy nhiên, thách thức mà thời đại thông tin dữ liệu đặt ra đó là cần tỉnh táo và cảnh giác, biết tiếp cận và dung nạp thông tin một cách có chọn lọc để phòng tránh nạn thông tin giả, thông tin sai sự thật.
Một kinh nghiệm bản thân tôi cho rằng đó là bài học vỡ lòng và khắc cốt ghi tâm là khi tôi được giao chuẩn bị nội dung cho một bài phát biểu của Lãnh đạo.
Do không cẩn thận nên tôi đã đưa vào một thông tin thiếu tính xác thực thu thập được từ Internet. Rất may mắn là lãnh đạo phụ trách đã kịp thời phát hiện và yêu cầu tôi kiểm chứng, cập nhật thông tin chính thống.
Từ đó về sau, tôi tự rèn luyện cho mình thói quen kiểm chứng thông tin và tự đặt ra tiêu chuẩn cho việc tra cứu, chọn lọc thông tin của bản thân để ngăn ngừa những sai sót, bởi chúng ta không thể lường trước được hậu quả xảy ra khi sử dụng các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở.
Bên cạnh đó, cần chủ động, tự giác tiếp cận tri thức, biết mình cần gì, chủ động xây dựng lộ trình học tập phù hợp, không học để đối phó; không tiếp nhận tri thức thụ động, tức là đọc tài liệu là phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ.
Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi vì sao, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều.
Phải suy nghĩ chín chắn; phải biết tổng hợp, chọn lọc và biến thành tri thức của mình và vận dụng linh hoạt trong thực tiễn.
Mọi tri thức sẽ chỉ là tri thức chết nếu không được tiếp nhận, vận dụng và tái tạo trong thực tiễn.
Tại Bộ Ngoại giao, để khuyến khích và tạo động lực cho tri thức phát triển, năm 2018, Bộ đã ban hành Chiến lược Quản lý tri thức của Bộ Ngoại giao tới năm 2025 hướng tới mục tiêu chính là đưa công tác chia sẻ, lưu trữ, tái tạo tri thức đi vào nề nếp, quy chuẩn.
Các tri thức được chú trọng là các tri thức vô hình như kinh nghiệm công tác chưa được ghi nhận; các kỹ năng thời đại như kỹ năng công nghệ số, kỹ năng chủ trì hội nghị hội thảo trực tuyến, kỹ năng, các thói quen, văn hoá mang tầm lan toả và tạo giá trị như văn hoá đọc… rất được quan tâm.
Nhờ có việc triển khai chiến lược quản lý tri thức, những cán bộ trẻ như tôi có cơ hội tiếp cận thông tin rộng mở hơn. Nhiều tài liệu hữu ích được tổng hợp, đăng tải trên Cổng tri thức ngoại giao của Bộ cho phép tất cả các cán bộ có thể truy cập. Nhiều cơ chế chia sẻ, tổng kết các tri thức ẩn được triển khai cho phép cán bộ trẻ tham gia, học hỏi và trau dồi cho bản thân để vận dụng vào công tác.
Tác giả cùng các đồng nghiệp Bộ Ngoại giao trong chuyến đi thăm huyện đảo Trường Sa, tháng 4/2019. |
Thứ ba, xuất phát từ chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, do đó thanh niên ngoại giao thời đại cần có một tấm lòng biết trân quý và hơn bao giờ hết đề cao tinh thần lấy Tổ quốc, nhân dân làm trung tâm phục vụ.
Thanh niên ngoại giao luôn tâm niệm và nhắc nhở bản thân “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.
Do đó, yêu nước không phải là làm ra những công trình đồ sộ hay đạt thành tựu to lớn mà xuất phát từ việc trân quý những giá trị mình đang bảo vệ, đang ngày ngày dựng xây, vun đắp; từ chính việc làm tốt mọi nhiệm vụ được giao; ở vị trí làm công bộc của nhân dân thì hết lòng phụng sự nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm phục vụ.
Không có việc sang, việc hèn, mọi người đều quan trọng, mọi người đều phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Đây là bài học vỡ lòng được chính các cây đa cây đề trong ngành truyền dạy ngay từ những giờ học đầu tiên tại lớp Tiền công vụ cho cán bộ mới tuyển dụng và cũng được nhắc lại, làm sâu sắc hơn trong suốt quá trình công tác.
Tôi còn nhớ như in và vô cùng cảm phục hình ảnh nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan dù đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn đến và chia sẻ với các cán bộ trẻ mới vào ngành suốt 120 phút mà không cần bất kỳ tài liệu hay slide trình chiếu nào.
Với tư duy mạch lạc, ý tứ rõ ràng cùng những câu chuyện nghề chuyện nghiệp vô cùng gần gũi, nguyên Phó Thủ tướng đã truyền cho chúng tôi sự nhiệt huyết, sự trân trọng đối với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, đặc biệt cho chúng tôi hiểu hơn để xây dựng nên một công trình vĩ đại thì dù chỉ tham gia vặn 1 con ốc cũng phải làm sao cho thật tốt, thật đẹp.
Có lẽ, chính việc yêu thương, trân quý, biết cảm thông với mọi vị trí công tác và luôn có một tấm lòng biết ơn đã giúp cán bộ và thanh niên ngoại giao biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, đưa bộ máy vận hành thành một thể thống nhất, đồng lòng; từ đó cộng hưởng nên sức mạnh tập thể, xây dựng nên giá trị và bản sắc, đồng cam cộng khổ vượt qua tất cả những sóng gió của nghề.
Ngoài ra, có lẽ không giấy bút nào có thể giúp hiểu, đồng cảm và bồi đắp tinh thần trách nhiệm và sự trân quý với Tổ quốc và nhân dân hơn trải nghiệm thực tế. Một may mắn to lớn cho cán bộ trẻ như tôi là được trở thành một phần của các chuyến đi vô cùng ý nghĩa như chuyến đi thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa; các chuyến đi về nguồn, tới các địa chỉ đỏ dọc tuyến đường Trường Sơn…
Xúc động và đáng nhớ biết bao khi tất cả thuyền viên của chuyến công tác thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa cùng đứng lặng người, biết bao giọt nước mắt đã rơi trong giây phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hyi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đó là khi giữa cái nóng trưa hè gần 40 độ rực lửa tại Nghĩa trang Trường Sơn, mồ hôi thấm đẫm lưng áo nhưng ai ai cũng mong tranh thủ thắp thêm được nén hương cho tất cả các ngôi mộ nơi đây để tỏ lòng cảm trọng với người đã khuất - những người dù may mắn được định danh hay tới nay vẫn còn là nấm mồ chưa xác định được tên.
Thêm hiểu thì thêm yêu, thêm thương cảm thì thêm quý trọng; những trải nghiệm quý báu phần nào giúp cán bộ nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc của mình; từ đó tạo ra sợi dây liên kết giữa cá nhân và tổ chức, giữa tư duy đơn lẻ với tư duy của cả hệ thống.
Tựu trung, “Ngoại giao hiện đại” không đơn thuần là ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để thích ứng và phát huy những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà còn là quá trình đổi mới toàn diện, nhất là trong tâm thế các cán bộ trẻ.
Thế hệ thanh niên ngoại giao mới sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, chủ động trang bị hành trang với hệ tư tưởng và giá trị của riêng thanh niên để sẵn sàng hội nhập, vững bước hướng tới tương lai.
Và trong hành trang thế kỷ đó, thanh niên ngoại giao nói riêng và thanh niên cả nước nói chung sẽ luôn may mắn có bên mình những giá trị cao đẹp và quý báu do Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng đầu tiên và lớp lớp cán bộ đã và đang công tác để lại, góp phần xây dựng nên trang sử 76 năm vẻ vang của ngành Ngoại giao Việt Nam.
*Tác giả là chuyên viên Văn phòng Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Bộ Ngoại giao.
| Thanh niên ngoại giao cân bằng cuộc sống với công việc như thế nào? TGVN. Ngày 26/11, tại Phòng truyền thống Bộ Ngoại giao đã diễn ra tọa đàm 60 phút mở với chủ đề “Thanh niên Ngoại giao: ... |
| Thanh niên Ngoại giao dự Tọa đàm khoa học về “Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ” TGVN. Tọa đàm khoa học nhằm phổ biến kiến thức, giúp Đoàn viên thanh niên phát triển tư duy đa chiều, xây dựng cách tiếp cận ... |
| Thanh niên Ngoại giao hân hoan đón năm mới tại Gala Chào Xuân 2020 TGVN. Tối 17/1, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, BCH Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao đã tổ chức chương trình Gala Chào Xuân ... |