📞

Thanh niên Việt Nam: Dũng cảm nhận trách nhiệm

07:00 | 25/03/2017
Đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng  lịch sử hào hùng và lòng tự tôn dân tộc sẽ giúp mỗi thanh niên dũng cảm bước ra thế giới nhận lấy trách nhiệm làm người Việt Nam.
Cộng đồng chung ASEAN.

Tháng 5/2016, bên bờ sông ở thủ đô hành chính Putrayaja của Malaysia, tôi cùng các bạn thanh niên Lào và Campuchia bàn về vấn đề nguồn nước sông Mekong khi nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long oằn mình với hạn hán. Lúc đó, thanh niên các nước trong khu vực tề tựu tham dự Chương trình giao lưu thanh niên ASEAN lần thứ III do Kuala Lumpur tổ chức. Những vấn đề sống còn của khu vực từ phát triển kinh tế, cân bằng xã hội đến tranh chấp Biển Đông, an ninh lương thực được chúng tôi bàn bạc kỹ lưỡng với tư cách chủ nhân trẻ của khu vực. Tôi vẫn còn nhớ khi bắt tay tạm biệt cuối sự kiện, chúng tôi đã quyết tâm phải có những đóng góp cho sự phát triển của khu vực, cho sự sống của hàng triệu con người. Điều khiến tôi quan tâm là một đất nước có dân số trẻ như Việt Nam, thanh niên đứng ở vị trí nào trong quá trình vươn ra biển lớn vì sự cường thịnh của Tổ quốc.

Có lẽ lần đầu tiên thế hệ 9X chúng tôi có nhận thức về hội nhập là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mười năm trước. Nhưng phải đến khi Cộng đồng ASEAN ra đời với những dự báo về mở cửa thị trường, cạnh tranh chất lượng lao động thì chúng tôi mới tự hỏi mình sẽ là ai trong những biến động đó. Cùng với phong trào khởi nghiệp đang được Nhà nước khuyến khích, người trẻ cần hiểu rằng vị thế quốc gia không chỉ nằm ở phát triển kinh tế mà còn là sự hiểu biết, tự tin của mỗi thanh niên khi đứng với bạn bè quốc tế. Do đó, lúc này thanh niên cần được trang bị và tự trang bị tư duy hội nhập. Cần đẩy nhanh quá trình loại bỏ những thói quen xấu, những vật cản con đường phát triển của đất nước song song với việc rèn luyện kỹ năng, ngoại ngữ và kiến thức của một công dân toàn cầu.

Theo tôi, một trong những rào cản lớn trong việc thúc đẩy lao động chất lượng cao dịch chuyển trong khu vực chính là sự khác biệt hệ thống đào tạo và bằng cấp. Nguồn lao động, bằng cấp tại các nước có nền giáo dục đại học tiến bộ, được công nhận rộng rãi trên thế giới như Singapore sẽ mặc nhiên được đánh giá tốt hơn một số nước đi sau như Việt Nam. Do đó, việc các trường trong mạng lưới xây dựng các tín chỉ giống nhau để đồng bộ chất lượng đào tạo sẽ tạo ra sự bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ khi phải cạnh tranh với lao động khu vực.  Mỗi người trẻ phải tự “kiểm định” chính mình trước khi chờ nhà tuyển dụng đánh giá. Thay vì chờ đợi cả nền giáo dục chuyển mình, các bạn sinh viên nên tìm thêm sách vở của các trường đại học danh tiếng trong khu vực như để tự mình “đồng bộ” với bạn bè. Tôi được biết tại Thái Lan, từ trường cấp 1 cho tới cấp 3, ngoài ngôn ngữ tiếng Anh, các bạn học thêm một ngôn ngữ trong 10 nước thuộc cộng đồng chung ASEAN. Tại Thái Lan, ngay cả cán bộ công chức cũng phải học thêm hai ngoại ngữ, là tiếng Anh và một thứ tiếng trong khu vực (đó là Indonesia, Việt Nam hoặc Campuchia).

Đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng  lịch sử hào hùng và lòng tự tôn dân tộc sẽ giúp mỗi thanh niên dũng cảm bước ra thế giới nhận lấy trách nhiệm làm người Việt Nam. Am hiểu thời cuộc và điều chỉnh bản thân theo xu hướng mới là những gì các công dân trẻ đã, đang và cần tiếp tục nỗ lực thực hiện trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.