📞

Tháo nút thắt đàm phán thương mại, Chủ tịch Trung Quốc mong đợi gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ

10:47 | 18/02/2019
Một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong đợi nhằm tháo gỡ những nút thắt cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Tiến triển nhưng chưa đủ

Khó có thể đạt được một bước đột phá về vấn đề thương mại Mỹ - Trung từ nay cho đến ngày 1/3/2019, thời hạn chót mà Tổng thống Trump đã đặt ra để hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó. Lý do là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiểu rõ rằng ông có thể chờ cho đến khi có dịp đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump.

Mối quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua những bước thăng trầm trong 40 năm qua. (Nguồn: AP)

Những nhân vật từng tham gia các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung trước kia đã quay trở lại bàn đàm phán vừa mới kết thúc ở Bắc Kinh. Giới chức hai bên đều nỗ lực tìm một lối thoát để ngăn chặn một vòng đánh thuế mới mà Mỹ tuyên bố từ hồi tháng 12/2018 sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina).

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Bắc Kinh. Sau đó, phái đoàn Mỹ cũng có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 15/2. Cả hai đều cho rằng họ đã đạt được tiến triển trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, song thừa nhận vẫn còn tồn tại những vấn đề khó khăn chưa thể hóa giải. Các nhà đàm phán sẽ tiếp tục gặp nhau tại Washington vào tuần tới.

Những rủi ro vẫn hiện hữu và thời hạn chót đang đến gần. Hai bên cần đạt được sự thông hiểu trước ngày 2/3, thời điểm mà Tổng thống Trump tuyên bố sẽ triển khai việc tăng thuế.

Ít nhất, đó là ý đồ của ông Trump. Trong những ngày gần đây, ông Trump tung ra những tuyên bố rằng thời hạn chót 1/3 là hoàn toàn chắc chắn. Ông cũng ám chỉ có thể để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót này nếu thấy hai bên có khả năng sắp đạt được một thỏa thuận nào đó. Tin tức đồn đoán rằng Nhà Trắng đang cân nhắc kéo dài thời hạn chót thêm 60 ngày. “Họ đang thể hiện sự tôn trọng vô bờ bến đối với chúng ta”, ông Trump bình luận về thái độ của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán, đồng thời nói rằng các cuộc đàm phán “đang tiến triển tốt đẹp”.

Với kế hoạch ông Trump sẽ công du châu Á vào cuối tháng 2 để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, triển vọng cho cuộc gặp lần thứ hai giữa ông Trump và ông Tập ngay trước thời hạn chót nói trên là có thể xảy ra.

Cốt lõi giải tỏa nỗi bất bình

Tuy nhiên, điều đang bị bỏ qua trong quá trình đàm phán này là một thỏa thuận lâu dài và bền vững về cải cách cấu trúc ở Trung Quốc, một vấn đề trọng tâm trong những nỗi bất bình của Washington liên quan đến tranh chấp thương mại.

Những mối quan ngại của Mỹ lâu nay liên quan đến hàng loạt thực tiễn hoạt động thương mại của Trung Quốc. Những biện pháp lý tưởng trong ngắn hạn mà Washington kỳ vọng Bắc Kinh thực hiện bao gồm việc tiếp cận thị trường vô điều kiện đối với các công ty của Mỹ ở Trung Quốc, một môi trường cởi mở hơn đối với quá trình ra quyết định của doanh nghiệp nhà nước, sự minh bạch hơn trong thực thi nguyên tắc luật lệ và các biện pháp bảo vệ pháp lý công bằng hơn đối với doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc.

Cân bằng được những lợi ích trong đàm phán sẽ góp phần làm ấm lên quan hệ Mỹ - Trung. (Nguồn: American Progress)

Đối với Trung Quốc, giải pháp rõ ràng là không thảo luận những nội hàm khác nhau của yêu cầu cải cách cấu trúc với Đại diện thương mại Lighthizer mà đợi cho đến khi hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Donald Trump đàm phán trực tiếp với nhau. Điều này phản ánh bài học mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đã rút ra được sau gần một năm đàm phán với Mỹ. Thay vì đầu tư vốn liếng ngoại giao trong đàm phán với đặc phái viên hoặc bộ trưởng nào đó của Mỹ, bài học mấu chốt đơn giản là gặp trực tiếp ông Trump và tìm ra những thỏa thuận cấp cao ngay trong cuộc gặp gỡ này.

Trong tình hình đàm phán hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, khó có thể kỳ vọng một giải pháp thực sự nào đối với các vấn đề cốt lõi. Mọi vấn đề từ những mối quan ngại của Mỹ về các chính sách công nghiệp mang tính can thiệp của Chính quyền Bắc Kinh để bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc đến những thay đổi cấu trúc mang tính rộng lớn hơn xét trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung kể từ đầu thế kỷ này đều được mang ra thảo luận, và những vấn đề này sẽ vẫn ở yên vị.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump có thể tìm ra một giải pháp tạm thời để thoát khỏi tình trạng đối đầu hiện nay về thương mại, giúp giảm căng thẳng cho giới đầu tư toàn cầu. Ngay cả nếu Trung Quốc không đưa ra cam kết nào về cải cách cấu trúc thì Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cam kết với Tổng thống Trump rằng ông sẽ thực hiện biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại song phương, trong khi bỏ lại những vấn đề chưa được bàn đến để một nhà đàm phán cẩn thận dồn sức giải quyết.

Nếu hai bên đạt được kết quả đàm phán “cùng có lợi” thì Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đạt một dàn xếp được hai bên nhất trí, khi ấy ông Trump sẽ không còn cứng rắn trong nguyên tắc của mình đối với Trung Quốc và không còn khắt khe với đường hướng chính sách công nghiệp chủ chốt và lâu dài của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ làm suy giảm bất kỳ lợi thế đàm phán nào còn lại của Mỹ trong cuộc chiến thương mại này.

(theo The Diplomat)