Thao túng tiền tệ - con bài “mơ hồ ” của Tổng thống Trump. (Nguồn: News.bitcoin) |
Mỹ mới đây đã gán cho Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Động thái này của Mỹ đã tạo nên cơn sốc ở khắp các thị trường tài chính hồi tuần trước và buộc nhiều người phải ngồi lại suy ngẫm xem, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Trong giới quan sát, nhiều người hiện cho rằng, trước kia Trung Quốc đã thực sự thao túng tiền tệ, nhưng giờ đây không còn như vậy nữa. Thậm chí, kể cả khi đánh giá dựa theo các tiêu chuẩn riêng của Bộ Tài chính Mỹ, nhiều yếu tố đã chứng minh được điều đó.
Trên thực tế, những năm gần đây, nếu Trung Quốc có làm điều gì đó, thì đó chính là việc Trung Quốc đang bảo vệ giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT) sau khi dòng vốn ồ ạt chảy ra khỏi thị trường vào năm 2015 và 2016.
Với những lý do tương tự, việc Trung Quốc dùng NDT làm vũ khí để cạnh tranh với Mỹ là điều có vẻ không hợp lý. Bởi đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nguy cơ dòng vốn ồ ạt chảy ra ngoài một lần nữa còn là mối đe dọa lớn hơn cả các đòn thuế quan của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump.
Tỷ giá 7 NDT/USD - có gì đáng kể?
Đúng là NDT đã hạ xuống mức trên 7 NDT đổi 1 USD, mức mà Trung Quốc đã sử dụng để kháng cự lại việc áp thuế của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chính Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương đã công bố rằng, chẳng có gì đáng kinh ngạc về việc đồng nội tệ xuống mức 7.0 cả.
Nhìn tổng thể, so với những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, trong vài tháng qua đồng nội tệ của nước này đã suy yếu hơn, tuy nhiên vẫn ở mức rất gần so với mức trung bình kể từ năm 2016.
Đòn thuế quan của Tổng thống Trump cũng ẩn ý rằng, việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT là điều chắc chắn sẽ xảy ra khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải thích nghi với việc xuất khẩu giảm sút.
Trong khi đó, cũng dễ dàng nhận thấy, việc Mỹ gán cho Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ cũng chứa đựng những ẩn ý nhất định. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tiếp tục đưa trường hợp này ra Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng mới đây, chính IMF đã đưa ra kết luận rằng, Trung Quốc không hề thao túng đồng nội tệ và trong bất cứ trường hợp nào, định chế tài chính này sẽ chỉ hội kiến riêng, nếu như phát hiện Bắc Kinh thật sự đã làm việc đó.
Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp khác, bao gồm hủy bỏ hợp đồng với các công ty Trung Quốc mà Chính phủ Mỹ đang hợp tác và đưa việc thao túng tiền tệ vào các cuộc đàm phán thương mại. Nói cách khác, việc Mỹ gán cho Trung Quốc là thao túng tiền tệ dường như không có tác dụng gì nhiều.
Chỉ là đánh lạc hướng
Chỉ là một động thái đánh lạc hướng khỏi một cuộc xung đột kinh tế đang leo thang? Thực ra, động thái Washington gán cho Bắc Kinh là thao túng tiền tệ mang rất nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, nó sẽ khiến cho các đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ “dễ dàng” khoác lên mình vỏ bọc chính trị. Nó cũng có thể là một hình thức khác trong cuộc xung đột kinh tế đang không ngừng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thứ hai, việc Bắc Kinh quyết định không nhẫn nhịn mà đưa ra động thái hạ giá đồng nội tệ ở mức trên 7 NDT đổi 1 USD đã phản ánh thái độ của Trung Quốc, sẵn sàng đối đầu với Mỹ, dựa theo những phản ứng có thể dự đoán trước của Tổng thống Trump. Và theo đó, Trung Quốc chấp nhận dấn thân vào một cuộc chiến kinh tế đang ngày càng leo thang, dù cho nước này có thực sự dùng NDT để làm vũ khí chống lại các đòn thương mại của Mỹ hay không.
Vậy nên câu hỏi đặt ra hiện nay là, tình hình sẽ đến đâu nếu Tổng thống Donald Trump thực sự muốn sử dụng con bài “thao túng tiền tệ” để tấn công Bắc Kinh?
Nếu Tổng thống Trump muốn có một đồng USD yếu hơn và sẵn sàng để hành động, thì thật sự khó tìm thấy ai đó có thể ngăn điều đó trở thành hiện thực. (Nguồn: News.bitcoin) |
Một viễn cảnh có thể xảy ra, đó là Bộ Tài chính Mỹ sẽ bắt đầu tiến hành chính sách can thiệp tiền tệ bằng cách áp thuế chống trợ cấp, đây là cách mà các nhà kinh tế ở Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã gợi ý, để đối phó với tình trạng thao túng tiền tệ hiện nay. Biện pháp này có thể được thực hiện bằng cách mua các tài sản của Trung Quốc bằng NDT, để làm tăng giá đồng tiền này và loại bỏ bất kỳ tác động thao túng nào của Bắc Kinh.
Ai đang thao túng ai?
Nhưng nếu Trung Quốc không hề thao túng tiền tệ, giống như nhận định của các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Peterson, thì thay vì chống lại thao túng tiền tệ, thì Mỹ rất có thể lại trở thành một quốc gia thao túng tiền tệ.
Mỹ chỉ đơn giản là đang tìm cách hạ giá USD để dành lại lợi thế cạnh tranh.
Hành động này không chỉ là “đạo đức giả” mà nếu thành công, nó cũng có thể mang lại nguy cơ gây bất ổn cao đối với nền kinh tế toàn cầu.
Những ý tưởng chính trị của Tổng thống Mỹ là cố gắng nâng cao giá trị đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng tiền mà phần lớn hoạt động thương mại thế giới và tài chính xuyên quốc gia chọn là điểm neo đậu. Và đó cũng là đồng tiền mà giới đầu tư toàn cầu đều lựa chọn khi tình hình kinh tế bấp bênh.
Điều này đặt ra nghi vấn lớn về khả năng duy trì tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ và về sự sẵn lòng của giới đầu tư đối với quyết định tiếp tục cấp vốn hay không. Và bằng cách đó đã trao cho nước Mỹ “đặc quyền tối cao” khi có thể vay bằng USD bao nhiêu tùy thích.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tổng thống Trump liên tục yêu cầu Fed mạnh tay cắt giảm lãi suất và giữ đồng nội tệ rẻ hơn để hỗ trợ ông ấy dành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và thậm chí cả trong cuộc bầu cử sắp tới. Chủ tịch Fed đã nhiều lần khẳng định, định chế tài chình này hoàn toàn độc lập trong các quyết định của mình.
Nhưng khi vị Tổng thống Mỹ theo chủ nghĩa dân túy này càng gây bất ổn tới nền kinh tế Mỹ và toàn cầu bao nhiêu, thì Fed theo chủ nghĩa kỹ trị sẽ càng cảm thấy bị ép buộc bấy nhiêu khi phải bù đắp những tổn thất bằng cách cắt giảm lãi suất. Thật trớ trêu, mối quan hệ đôi co này dường như đã được định sẵn là sẽ còn kéo dài.
Rốt cuộc, nếu Tổng thống Trump muốn có một đồng USD yếu hơn và sẵn sàng để hành động, thì thật sự khó tìm thấy ai đó có thể ngăn điều đó trở thành hiện thực.