Các nhà báo có trách nhiệm rất lớn trong việc khắc phục sự mất cân bằng về giới trong truyền thông. (Nguồn: Huffington Post) |
Đó là một số kết quả trong nghiên cứu “Bên trong tin tức: Thách thức và cảm hứng của nhà báo nữ ở châu Á - Thái Bình Dương”, do Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Cơ quan Phụ nữ Liên hợp qquốc (UN Women) và Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) vừa công bố tại Câu lạc bộ nhà báo nước ngoài (Thái Lan).
Sân chơi của đàn ông?
Câu chuyện mất cân bằng giới tính trong truyền thông không phải là mới. Năm 2011, một cuộc điều tra đối với 522 hãng truyền thông - thuộc 60 quốc gia, do Quỹ Truyền thông Phụ nữ Quốc tế (IWMF) tiến hành cho thấy: Phụ nữ chỉ chiếm 33,3% trong đội ngũ những người làm báo chí chuyên nghiệp toàn cầu và trên các cương vị quản lý, nhà báo nữ chỉ chiếm 27% so với 73% của nam giới. Riêng tại châu Á và châu Đại Dương, tỷ lệ nữ đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao chỉ là 13%.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu này, bà Liza Gross - Giám đốc điều hành IWMF, cho rằng: Truyền thông vẫn là sân chơi của đàn ông và phụ nữ nên quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc của mình.
Báo cáo mới của UNESCO, UN Women và IFJ tập trung vào cách vấn đề giới ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của nhà báo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương qua các trường hợp nghiên cứu đến từ các nước Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và Vanuatu. Gần 700 nhà báo đã tham gia nghiên cứu này - bao gồm khảo sát, phỏng vấn cá nhân theo nhóm và phỏng vấn các tổ chức truyền thông và hiệp hội nghề nghiệp quốc gia.
Theo báo cáo này, chỉ có 30% phụ nữ trong phòng tin tức và tỷ lệ nữ còn thấp hơn ở các cương vị lãnh đạo: 23% là biên tập viên cấp trung, 20% là biên tập viên cao cấp, 18% là thành viên ban lãnh đạo. 18% nhà báo nữ bị quấy rối tình dục và 34% từng chứng kiến hành vi đó.
Chất xúc tác cho sự thay đổi
Báo cáo này "vạch ra những nỗ lực, thành tựu và thách thức còn lại trong việc thay đổi truyền thông để đảm bảo rằng, chúng ta đang tạo thuận lợi cho một nền văn hóa bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương", Giám đốc UNESCO tại Bangkok, ông Gwang-Jo Kim nhận xét. Ông cũng hy vọng, Báo cáo sẽ góp phần đưa vấn đề bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ vào trung tâm của chương trình nghị sự toàn cầu như một giải pháp cơ bản cho thành tựu về sự phát triển bền vững trên tất cả mọi khía cạnh.
Năm 2015 cũng đánh dấu 20 năm sự ra đời của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh - những văn kiện toàn diện nhất về những vấn đề liên quan đến phụ nữ mà thế giới từng chứng kiến. Theo bà Roberta Clarke, Giám đốc khu vực của Văn phòng UN Women ở châu Á - Thái Bình Dương, những văn kiện được thông qua tại Hội nghị Toàn cầu lần thứ tư về Phụ nữ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995 đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với phụ nữ trong việc tiếp cận truyền thông cả ở việc tạo ra nội dung và tham gia vị trí lãnh đạo.
Trên nền tảng đó, Báo cáo đã phản ánh "sự tổng hòa của tiến bộ và thách thức". "Bản báo cáo mang tính chất phản ánh song quan trọng hơn đối với chúng tôi trong năm 2015, đây là một chất xúc tác cho sự thay đổi hơn nữa. Bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ là việc của tất cả mọi người”, bà Roberta Clarke nói.
"Với sức mạnh của mình, các phương tiện truyền thông có trách nhiệm rất lớn trong việc khắc phục sự mất cân bằng về cách thể hiện vai trò đàn ông và phụ nữ cũng như việc đảm bảo sự tham gia của phụ nữ. Các thành viên trong giới truyền thông có thể tăng tốc sự thay đổi đó bằng cách thay đổi truyền thông từ bên trong ra bên ngoài".
Một số kết quả chính của Báo cáo về tỷ lệ nữ trong truyền thông: Phóng viên (30%), phóng viên phóng sự (16%), biên tập viên (11%), thư ký tòa soạn (10%), phóng viên phụ trách chuyên mục (8%), biên tập viên truyền hình (8%), nhà sản xuất (7%), nhiếp ảnh gia (5%), thiết kế trang (2%), hỗ trợ truyền thông (2%), nhân viên hình ảnh và âm thanh (1%). Khoảng cách về thu nhập: 69 USD (lương trung bình hàng tháng là 439 USD đối với nữ và 506 USD đối với nam). |
Vinh Hà (theo Asiaone)