📞

Thầy máy “vs” thầy thật

12:00 | 11/02/2016
Thời @, công nghệ dạy - học mới đang chiếm địa vị cao dần và được tiên đoán sẽ chiếm thế thượng phong trong tương lai không xa. Những giờ học "phấn, bảng" truyền thống và vai trò của người thầy trong nhiều trường hợp đã mờ nhạt dần, có lúc, có nơi, trong một chừng mực nào đó không còn cần thiết (?)

Nhờ những công cụ, phương tiện, học tập ngày càng hiện đại, người học đã được "bơi" trong một không gian rộng và mở. Bằng một cú nhấp chuột, họ sẽ có nội dung tất cả kiến thức cần có, thậm chí còn nhiều hơn, mới hơn, hay hơn so với những gì giáo viên thật cung cấp.

Ảnh minh họa.

Trực tiếp, sinh động và hiệu quả nhưng...

Cùng với sự phát triển của xã hội, việc dạy - học có những hình thức tồn tại và phát triển tương ứng. Thời tiền sử, dạy - học xuất hiện trước tiên dưới hình ảnh người cha hướng dẫn cho người con kỹ năng sống khi đi săn bắn, hái lượm. Hoạt động dạy -  học sơ khai đó diễn ra bằng mối giao tiếp toàn vẹn giữa một người với một người. Mối quan hệ thầy - trò đồng thời là mối quan hệ huyết thống, sự tương tác giữa giữa người dạy và người học là tức thời và tối đa và vì thế rất hiệu quả. Người học được đặt trong môi trường học tập là chính thiên nhiên trong bối cảnh hoang sơ và được phát triển cả về thể chất và tinh thần theo những nhu cầu cụ thể và khắc nghiệt của sự tồn tại.

Khi đã hình thành xã hội loài người, những người chuyên trách làm nhiệm vụ dạy học cũng xuất hiện. Trong "công nghệ" giáo dục "giai đoạn một", lời nói thuyết giảng của thầy giáo là công cụ dạy học chủ yếu. Ưu điểm của cách dạy - học này là duy trì được mối liên hệ cá nhân trực tiếp của người dạy với một hoặc một nhóm người học. Lợi thế của mối giao tiếp toàn vẹn giữa người dạy và người học có thể phát huy. Đối thoại thầy- trò tuy có diễn ra, nhưng nhìn chung là rất ít và chưa được coi trọng. Người dạy độc thoại, với mục đích rõ ràng, cố gắng chứng minh những gì mình đang truyền dạy là quan trọng, cần thiết và đáng ghi nhớ. Người học cố gắng nghe và chép bài, để ghi nhận một cách máy móc càng nhiều càng tốt lời thầy và kinh sách.

Việc thi cử trở thành gánh nặng không chỉ của các môn sinh. Nhưng thi cử cũng chỉ để đánh giá khả năng học thuộc, đánh giá năng lực ghi nhớ và viết lại cách giải thích, bình luận theo những "khuôn vàng thước ngọc" đã có sẵn. Cách giáo dục này không khuyến khích các quan điểm, tư tưởng mới, không dành chỗ cho tự do sáng tạo. Sản phẩm của nó là số đông môn sinh coi đích cuối cùng của việc học là đỗ đạt rồi làm quan. Họ khó có thể trở thành trí thức độc lập.

Gián tiếp, mới và rộng mở, mặc dù vậy...

Lịch sử giáo dục của loài người khá dài, nhưng nếu nhấn mạnh "công nghệ" dạy - học, đặc biệt là nhấn mạnh về mối giao tiếp, tương tác trong dạy - học, thì phải đến cuối thế kỷ XX, con người mới chuyển qua "giai đoạn thứ hai": Dạy học có thể không có giao tiếp giữa người với người, mà chuyển sang giao tiếp giữa người với máy, giữa người với Internet.

Kể từ khi Internet được thiết lập và phát triển với tốc độ chóng mặt, giao tiếp người - máy mở ra khả năng người học có thể học rất hiệu quả với "ông thầy" mới là hệ thống máy tính. Hệ thống dữ liệu ngày càng đồ sộ, với những kết nối toàn cầu. Người học lại có thể lựa chọn và được học theo đúng trạng thái, trình độ của mình mà không bị ràng buộc bởi chương trình, phân bố thời lượng… - những điều thường được nhấn mạnh trong dạy - học cổ điển. Việc dạy - học hiện đại đã không chỉ còn là quá trình truyền thụ, chuyển giao kiến thức mà là quá trình tổ chức, định hướng, giúp người học từng bước có năng lực tư duy và hành động, hiểu biết và tự hình thành các kỹ năng, giá trị văn hóa. Trên cơ sở đó, người học có khả năng giải quyết được các bài toán mà thực tế cuộc sống hiện đại đang đặt ra.

Có thể nêu hàng loạt điểm mạnh không thể phủ nhận của việc dạy - học bằng công nghệ mới. Mỗi người hoặc nhóm người học có thể giải quyết các vấn đề với các hướng đi không giống nhau, nhưng có thể đến cùng một đích. Người học của thời @ không chỉ học và nhớ kiến thức sẵn có mà còn đòi hỏi phải sản sinh giá trị vật chất và tinh thần mới, nắm bắt tri thức mới, làm cho tri thức dễ dàng và nhanh chóng trở thành tài sản chung. Người học thời @ không chỉ tìm và tích lũy các kiến thức trong những phương tiện lưu trữ dung lượng lớn, các cơ sở dữ liệu khổng lồ mà còn phải từ đó phát triển lượng kiến thức này thành kiến thức mới, có chất lượng cao hơn.

 Với đặc điểm mới về dạy - học, hình ảnh người thầy cũng thay đổi. Giáo viên hiện đại đã rất ít hoặc không cầm phấn viết bảng mà đưa ra, bằng nhiều cách khác nhau, những kế hoạch, kịch bản học tập, hướng dẫn người học các phương pháp thao tác, định hướng suy nghĩ nghiên cứu... Mỗi môn học, mỗi bài học không chỉ nhằm đạt mục tiêu truyền thụ kiến thức mà hướng đến việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo kiến thức, cố gắng làm thay đổi nhận thức, thay đổi xã hội và thay đổi thế giới.

Mặc dù vai trò của Máy được đẩy lên cao trong cả dạy và học trong thời hiện đại, song Kỹ thuật sư phạm và Nghệ thuật sư phạm vẫn là hai lĩnh vực riêng biệt. Kỹ thuật sư phạm đang dần được công nghệ can thiệp nâng cao. Nhưng Nghệ thuật sư phạm vẫn được nhìn nhận theo cách cận nhân tình. Nếu thiếu Nghệ thuật sư phạm, bài giảng của người thầy không mang hơi ấm của tình người mà chỉ nhằm chất đầy một kho chứa, làm người học chán nản và dần dần xa lánh…

Trong cơn lốc phát triển của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, Nghệ thuật sư phạm được nâng cao lại càng cho thấy rõ sự khác biệt giữa Con người và Máy móc, giữa ông thầy thật và ông thầy máy, giữa tình cảm con người ấm áp và công nghệ máy móc vô hồn. Với góc nhìn như vậy, người thầy hiện đại cần "đóng tròn vai" là người dẫn dắt việc học bằng công nghệ mới nhưng với tất cả tình cảm và trí tuệ của mình.