Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, Thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam", ngày 18/11. (Ảnh: Vân Chi) |
Ngày 18/11, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam”.
Hội thảo nhằm nhận diện các cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới dưới tác động của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, dự báo triển vọng kinh doanh của các ngành nghề, đề xuất các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua thách thức phát triển bền vững.
Chuyển đổi số là "vaccine" của doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chỉ ra 5 thách thức từ các mối đe dọa phi truyền thống đối với thế giới hiện nay:
Thứ nhất, quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều ở mọi quốc gia, lĩnh vực và sẽ tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch và cả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; quy mô, vào quy mô và mức độ tác hại của chúng gây ra; tiềm lực và khả năng điều hành của mỗi quốc gia; sự đồng thuận và cả văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc cũng như diễn biến của quan hệ quốc tế nói chung và trong công cuộc đối phó với những mối đe dọa chung nói riêng.
Thứ hai, tuy chưa bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu song không thể loại trừ mối đe dọa này nếu tính rằng, thế giới đã buộc phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với chúng kèm theo các gói cứu trợ kinh tế - xã hội lên tới 100.400 tỷ USD.
Thứ ba, bên cạnh những khó khăn về kinh tế, thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về xã hội không kém phần nghiêm trọng như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần…
Thứ tư, rơi vào đúng thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các mối đe dọa phi truyền thống nói trên vô hình chung càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cả lao động cũng như lối sinh sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh gia tăng mạnh mẽ…
Có thể nói, thế giới đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn, lẫn quản lý xã hội và cả phương thức chiến tranh mới.
Cuối cùng, đại họa vô hình chung đã làm sống lại chủ nghĩa đa phương mà những sự kiện lớn vừa diễn ra như G-20, COP-26, APEC… là những biểu hiện. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lượng mới.
Theo nguyên Phó Thủ tướng, Việt Nam cũng đang dần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động bình thường an toàn linh hoạt. Ông cho biết một chương trình tổng thể theo hướng này dường như đang được tích cực soạn thảo và tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa mới, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi về những vấn đề này.
Tin liên quan |
Doanh nghiệp cần thực hiện mục tiêu kép: 'Bền để vững'! |
Vì vậy, chương trình tổng thể nên rất linh hoạt với các kịch bản khác nhau chứ không thể chỉ có một phương án cứng nhắc. Việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm sắp tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương rất cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Đại dịch Covid-19 và tình trạng biến đổi khí hậu càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người.
"Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này. Các mối đe dọa phi truyền thống đồng thời cũng bộc lộ rõ thêm những điểm yếu của mọi quốc gia, kể cả Việt Nam", nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm: "Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng tôi đã nhận ra rằng nền công nghiệp y tế của Việt Nam vẫn còn yếu. Do đó, tôi cho rằng đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư".
Vẫn theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một trong những nét nổi bật trong quan hệ quốc tế hiện nay là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trước mắt và trong những thập kỷ tới, cuộc cạnh tranh này vẫn sẽ tiếp diễn như dòng chảy chủ yếu. Cục diện trên đặt ra rất nhiều khó khăn đối với mọi nước trên thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa đứng trước nhiều cơ hội đáng kể, vừa phải ứng phó với những thách thức không nhỏ.
Nhận định về tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành kinh tế, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sẽ có 8 xu hướng thay đổi kinh tế quốc tế trong và sau đại dịch gồm: toàn cầu hóa; liên kết kinh tế thay đổi; phục hồi phát triển kinh tế xanh; tốc độ phục hồi không đồng đều; biến đổi khí hậu nhanh hơn, được quan tâm hơn; cạnh tranh chiến lược, vai trò của Chính phủ gia tăng qua các gói hỗ trợ, định hướng, hợp tác quốc tế; xúc tác chuyển đổi số; thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ.
"Dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức làm việc và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, những doanh nghiệp nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế", ông Lực nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có ngành làm ăn rất tốt như kinh doanh trực tuyến, y tế hay bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, nhưng cũng có ngành khó khăn như du lịch, bán lẻ, dệt may. Bên cạnh đó, công nghiệp, xây dựng, sản xuất phục hồi nhanh hơn lĩnh vực dịch vụ.
Các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm – dịch vụ mới trên nền tảng số xuất hiện nhiều hơn; gia tăng đầu tư cho các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo. Việc đẩy mạnh đầu tư công là cơ hội cho các ngành xây dựng, bất động sản…
"Để phục hồi nhanh sau đại dịch, doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 5R (Respond-Recover-Restructure-Reinvent-Resilience) gồm: Thích ứng linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và tăng sức đề kháng", ông Lực cho hay.
Ví chuyển đổi số như "vaccine" của doanh nghiệp, GS. TSKH Nguyễn Mại khuyến nghị, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng nền tảng kỹ thuật số để cho người dân và doanh nghiệp thực hiện.
"Các nhà quản trị doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn là rất quan trọng và cần đi đầu trong phát triển, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động kết nối với các tập đoàn lớn khi chuyển đổi số.
Bên cạnh đó phải tìm kiếm các mô hình đã thành công, điển hình như mô hình của Samsung, cần nhân rộng mô hình này. Ngoài ra, chuyển đổi số doanh nghiệp cần gắn với xã hội số để cộng đồng dân cư có thể tham gia", ông Mại đề xuất.
Thích ứng linh hoạt trong bối cảnh mới
Trao đổi về giải pháp thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng bối cảnh mới, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế, Bộ Tài chính) cho biết, năm 2020, Chính phủ đã có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như Nghị định 41 về giãn, hoãn thuế trong 5 tháng để doanh nghiệp có nguồn vốn, dòng tiền để trả chi phí người lao động, đảm bảo dịch bệnh không lây lan.
Theo TS. Cấn Văn Lực, để phục hồi nhanh sau đại dịch, doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 5R. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Thực tế triển khai gói hỗ trợ này vào năm 2020 lên tới 129.000 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm là 31.500 tỷ - dành cho bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, có doanh thu dưới 200 tỷ. Năm 2021, đại dịch bùng phát phức tạp hơn, gói kích thích vì thế cũng rộng hơn, lớn hơn. Cho tới thời điểm hiện tại số tiền thuế được gia hạn đã lên tới gần 120.000 tỷ đồng.
Ông Phụng thông tin, Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ gói ưu đãi với Nghị quyết 406 về ưu đãi giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; miễn thuế 6 tháng cuối năm cho các hộ kinh doanh (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng) với mong muốn doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng sản xuất; tiếp tục đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô như năm 2021 - giúp doanh nghiệp có nguồn lực tạm thời lo cho kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng cổng thu thuế, bảo đảm năm 2022, người dân, doanh nghiệp có thể nộp thuế mọi nơi, mọi lúc, đi nước ngoài cũng nộp thuế được.
Ông Phụng khẳng định, sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để đảm bảo có nguồn lực bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, đề xuất cần có văn bản hướng dẫn chính thức để doanh nghiệp an tâm khi bỏ ra những chi phí phòng dịch, chống dịch cho đất nước, cho doanh nghiệp và cho người lao động thì không chịu thuế.
"Đây là những chi phí để đảm bảo sản xuất kinh doanh, phục vụ an toàn, chi phí lao động an toàn, được trừ vào thu nhập không chịu thuế. Cùng với đó, cần có quy định người lao động được doanh nghiệp đầu tư để phòng chống dịch thì thu nhập đó cần được tính là không phải chịu thuế vì chi phí phát sinh đó không tạo được giá trị gia tăng, không làm tăng thêm thu nhập thực tế của người lao động.
Tổng cục thuế sẵn sàng xin ý kiến Bộ Tài chính để có văn bản hướng dẫn cụ thể về những thu nhập không phải chịu thuế của doanh nghiệp và người lao động để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và hoạt động, không phải lo khi kiểm toán, thanh tra yêu cầu kiểm tra", ông Phụng cho hay.
Tin liên quan |
VEP 2021: Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19 |
Để thích ứng, an toàn và hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện mới, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đúc kết, có 6 nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ: Đặt nền móng, bảo toàn và thúc đẩy doanh thu, giảm và quản lý chặt chẽ chi phí, tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; tăng tốc chuyển đổi số; quản lý các mong muốn.
Từ 6 nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể tập trung vận dụng linh hoạt để tìm cơ hội trong thách thức để lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ các nhà lãnh đạo kiên tâm với những hành động chủ chốt trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn phục hồi và tái sản xuất để phát triển trở lại; đồng thời không ngừng củng cố sự tín nhiệm của các bên liên quan để tạo bệ đỡ vững chắc hơn cho sự phát triển lâu dài.
Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khuyến nghị, cần tổng hợp kiến nghị trình Chính phủ về định hướng lĩnh vực công nghiệp trong đó có công nghiệp y tế; Chính phủ nên hoạch định chiến lược các sản phẩm tái tạo; xây dựng chiến lược xanh hóa để bắt kịp xu thế thế giới; các chính sách cho người lao động và quản trị số cần hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng phát triển trong tương lai.
| Bất chấp đại dịch khó lường, doanh nghiệp Việt vẫn 'chốt đơn' hàng trăm triệu USD vốn ngoại Bản lĩnh và tiềm năng của doanh nghiệp Việt đã thu hút các nguồn vốn trên toàn cầu, bất chấp thời điểm đại dịch khó ... |
| Miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân - Liều thuốc trợ lực kịp thời Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống, chính sách miễn, giảm ... |